Có con với chồng quá cố: Khai sinh thế nào?

TP - Dư luận đang “nóng” với thông tin người vợ sinh hạ hai em bé với người chồng quá cố. Trong buổi gặp mặt báo chí ngày 31/12, đề tài này tiếp tục tạo xôn xao với chính các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp.

> Chuyện kỳ diệu trong y học: Sinh con với người quá cố
> Cặp song sinh ra đời bằng tinh trùng lấy từ tử thi

Ông Đặng Thanh Sơn.

Việc tính pháp lý, đặc biệt là vấn đề khai sinh (phần cha đẻ) đối với 2 em bé vừa chào đời là câu hỏi chung của rất nhiều PV tại cuộc họp. Ông Trần Tiến Dũng – Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề pháp lý chưa được đề cập trong luật.

“Với hệ thống pháp luật hiện nay, chúng ta mới có thể điều chỉnh chắc chắn các nội dung, như quốc tịch chẳng hạn. Còn về việc đăng ký tên cha hoặc các vấn đề pháp lý khác, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét” - ông Dũng nói.

Còn luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, theo luật định, việc lấy bất cứ một bộ phận, tế bào nào trong cơ thể của một người, phải được sự đồng ý của họ. Ở tình huống này, do người chồng đã quá cố, nên việc xem xét ý chí chủ quan (đồng ý hoặc không) là điều không thể. Còn việc xác định “cha cho con”, theo luật sư Nga, có thể tính toán đến việc xét nghiệm ADN.

Liên quan đến nội dung hiện có nhiều văn bản (nghị định) và nhiều cơ quan có thể xử phạt trong lĩnh vực báo chí, dư luận đặt câu hỏi: “Giả thiết cùng một hành vi vi phạm, nhưng 2 cơ quan cùng thụ lý giải quyết, và mức phạt vênh nhau thì xử lý như thế nào? Trước tình huống trên, ông Đặng Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia lý giải: “Trước đây, chúng ta có 130 Nghị định về xử lý vi phạm hành chính. Giờ sau khi thanh lọc, chỉ còn khoảng hơn 50 nghị định. Và, với việc tồn tại nhiều văn bản như vậy có thể dẫn đến tình huống trùng lắp. Còn về việc xử lý, sẽ được xem xét theo nguyên tắc, cơ quan nào thụ lý, ban hành văn bản xử lý vi phạm hành chính đầu tiên sẽ là cơ quan giải quyết và văn bản nào ban hành sau sẽ áp dụng văn bản đó”.

Ở nội dung dự thảo Thông tư của Bộ Công an liên quan đến việc công bố tên người vi phạm giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Sơn cho hay, đây là tình huống có nhiều ý kiến trái chiều.

“Có người cho rằng, việc nêu tên công khai như vậy sẽ “đánh” vào tâm lý, lòng tự trọng của người vi phạm, từ đó mà từ bỏ ý định vi phạm. Nhưng, ở góc độ khác, có ý kiến lại phản đối, và cho rằng nếu quy định như vậy sẽ vi phạm các quy định về ban hành văn bản, gây chồng chéo trong việc xử phạt vi phạm hành chính”. Trước tình thế đó, các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang “ngồi lại” để cùng trao đổi, cân nhắc trước khi ban hành.

Theo Báo giấy