Trao đổi với phóng viên về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở TP Hà Nội, đại biểu Phạm Văn Hoà chỉ rà hàng loạt những vấn đề liên quan đến việc chủ trương không tổ chức HĐND cấp phường và cơ chế giám sát quyền lực của các quận trưởng.
PV: Với quy mô và tốc độ phát triển của TP Hà Nội như hiện nay, việc thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở một số quận nội thành đã phù hợp hay chưa?
Đại biểu Phạm Văn Hoà: Hà Nội mới đang xây dựng đề án, còn phải chờ xem các cơ quan chức năng có chấp thuận mô hình chính quyền đô thị như thế nào. Theo tôi, làm gì đi nữa thì phải sau năm 2020, tức là sang nhiệm kỳ tới, lúc đó có thể Quốc hội sửa đổi Luật Chính quyền địa phương mới chấp nhận những mô hình, tên gọi khác nhau ở đô thị.
Quan điểm của tôi là không nên thực hiện ngay trong nhiệm kỳ này vì cử tri đã bầu ra HĐND, còn HĐND bầu ra thành viên UBND thì dựa trên cơ sở nào mà làm khác đi được. Làm như vậy là không phù hợp với Hiến pháp, trái Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.
Thực tế, hiện nay Hà Nội mới đang lấy ý kiến hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Để áp dụng mô hình này vào các quận cũng phải mất thời dài nữa, thưa ông?
Sau khi Quốc hội sửa Luật Chính quyền địa phương và một số luật liên quan thì có khả năng thực hiện được Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội.
Một trong những nội dung của đề án đang được người dân quan tâm đó là việc không tổ chức HĐND cấp phường hoặc quận. Điều đó, có nghĩa là các quận, phường này không có đại biểu HĐND địa diện cho ý chí của cử tri giám sát quyền lực người đứng đầu UBND?
Nếu áp dụng mô hình chính quyền đô thị, theo tôi trong đề án phải nêu rõ cơ chế đặc thù để giám sát quyền lực của ông quận trưởng. Với mô hình đang đặt ra như hiện nay, quận trưởng sẽ được trao nhiều quyền lực trong thực thi công vụ. Trường hợp quyền lực quá cao, mà không có cơ chế giám sát thì dễ dẫn tới lạm quyền. Khi điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, với cơ chế Đảng lãnh đạo tuyệt đối, dù anh là quận trưởng hay đô trưởng thì vẫn có cơ chế kiểm soát về mặt đảng. Điều đó có nghĩa là Ủy ban Kiểm tra, các tổ chức đảng, các đoàn thể và thậm chí cả nhân dân sẽ vào cuộc giám sát quận trưởng.
Ngoài những cơ chế kiểm soát như ông vừa đề ra, thì có còn kênh nào để nhân dân có thể cùng vào cuộc tham gia giám sát quyền lực của quận trưởng hay không?
Từ trước đến nay chúng ta giám sát quyền lực của cơ quan hành pháp thông qua HĐND. Với cơ chế như đề án chỉ ra, thì cũng cần phải ghi rõ trong đó các phương án để cử tri giám sát quyền lực của ông quận trưởng.
Ví dụ như trong mỗi quý, ông quận trưởng phải báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa bàn trước cử tri để cử tri nắm rõ thông tin. Theo tôi, yêu cầu quận trưởng báo cáo trước nhân dân là cơ chế rất hay để giám sát trực tiếp công việc của cơ quan hành pháp.
Theo ông, người đứng đầu ở các quận được thí điểm mô hình chính quyền đô thị nên theo hướng được cấp trên bổ nhiệm hay để cử tri trực tiếp bầu ra?
Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo quy hoạch của Đảng, theo những chức danh cụ thể. Tuy nhiên, dù người đướng đầu quận được bổ nhiệm hay cử tri trực tiếp bầu ra thì vẫn phải thực hiện theo quy trình công tác cán bộ, trong đó có việc xem xét năng lực, trình độ học vấn và đặc biệt là phẩm chất đạo đức. Căn cứ vào đó chúng ta mới lựa chọn được một ông quận trưởng đủ đức, đủ tài làm được việc và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Xin cảm ơn ông!