Vững vàng trên tuyến đầu
Nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, mốc 1302 cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô 36km theo trục đường hành lang biên giới. Đây là chốt cơ động chống dịch COVID-19 xa nhất của đồn thuộc địa bàn thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Thời tiết khắc nghiệt (nếu nhiệt độ ở đồn 8 độ C thì ở đây chỉ còn 2 độ C) kèm theo nhiều yếu tố khó khăn nên những học viên Học viện Biên phòng được cử lên tăng cường chống dịch cũng chưa được bố trí trực gác tại đây.
“Tôi về thăm nhà từ trước Tết, cách đây đã 4 tháng. Hôm trước vợ đòi lên nhưng tôi nói đang dịch bệnh đừng lên nữa. Con trai 3 tuổi bảo, ba ơi ba làm chú bộ đội à, ba cho con đi theo với. Mỗi lần về thăm con đều phải “trốn đi” từ 4-5 giờ sáng. Mình còn trẻ thì phải cống hiến chứ”.
Thiếu tá NGUYỄN ĐẮC ĐẠT
Chốt có 7 người, trong đó có hai dân quân thì Bùi Thượng Đông (23 tuổi) từng là chiến sĩ của đồn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đầu năm Đông xung phong lên đây vì nhà cũng ở gần khu vực này nên hiểu rõ địa bàn. Thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Hoành Mô được cử phụ trách chốt này. Anh cho biết chốt được triển khai từ ngày 1/2. Ngay trong tuần đầu tiên, hai lần dựng lều bạt đều bị gió thổi bay xuống vực. Chủ tịch huyện Bình Liêu lên thăm biết sự việc đã quyết định tặng 30 triệu để xây nhà tạm. Cán bộ, chiến sĩ của đồn tự tay chuyển nguyên vật liệu lên làm móng chắc chắn, đóng cọc giằng néo để gió không lật nhà.
“Trên này sương mù nhiều, tầm nhìn chỉ 5-10m. Chốt cách lối mở khoảng 50m nên anh em phải thay phiên nhau tiếp cận gần để gác. Trâu, bò, ngựa của dân Trung Quốc thường sang mình ăn cỏ. Người bên họ lại sang để tìm trâu bò, vì vậy chúng tôi phải làm một hàng rào tạm bằng cây rừng”, thiếu tá Đạt nói.
Nguyên nhân kéo quân lên chốn “khỉ ho cò gáy” lập chốt được thiếu tá Đạt chia sẻ là bởi địa thế tốt, kiểm soát được cả 3 hướng vành đai biên giới, hướng từ Lạng Sơn sang và hướng từ Trung Quốc qua đường mòn vào nội địa của ta: “Mưa táp, gió mạnh thổi tung lều bạt, cờ cũng bị đánh rách, cứ nửa tháng phải thay một lần. Cờ không chịu được nhưng người thì chịu được”.
Biên giới là quê hương
Trên đường lên mốc 1302, xe chúng tôi bám sau chiếc xe của đồn chở nước sinh hoạt lên cho anh em trực chốt vì đây cũng là chốt “2 không” (không điện, không nước). Đạt kể: “Nhà tôi ở Hà Đông, Hà Nội, còn tôi có 10 năm công tác ở biên phòng Quảng Ninh, trong đó có 3 năm ở biên giới. Trước và ngay khi có dịch COVID-19, đi tuần tra, mật phục tôi còn chui cả vào cống thoát nước. Sạch thì ở luôn, bẩn thì quét dọn để ở vì bên ngoài lạnh quá, đốt lửa sưởi cũng không ăn thua. Ở lâu quá trong cống có thể bị ẩm phổi, gây bệnh nên các nhà bạt sau này phải kê cao giường. Nhiều khi lạnh quá 2 tay đỏ tía. Vợ chỉ biết tôi là lính biên phòng chứ không biết công việc cụ thể thế nào. Vợ tôi người Điện Biên, trước là công an, lấy chồng sinh con xong xuống Hà Nội ở với bố mẹ chồng. Nhiều lúc vợ bảo, thôi đừng làm nữa về với em đi, nhưng tôi yêu biên giới lắm”.
Tình yêu biên giới của thiếu tá Đạt cũng là tình yêu của tất thảy những người lính quân hàm xanh “Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, được họ dồn cả vào tâm trí, sức lực trong nhiệm vụ đặc biệt lần này. Vì thế, đã có nhiều nàng dâu biên phòng Quảng Ninh tương lai chấp nhận lùi ngày vu quy đợi các anh chống “giặc COVID” thành công. Và không chỉ bà con các bản làng biên giới biết ơn người lính biên phòng đã đến tuyên truyền kiến thức phòng dịch, tặng khẩu trang, giúp khử khuẩn từng căn nhà, ngõ xóm mà những người dân ở tuyến sau cũng luôn dành tình cảm sâu nặng cho người lính nơi tuyến đầu.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Ninh nhớ lại câu chuyện khiến anh cảm động nhiều ngày qua. Anh kể: “Hôm ấy tôi mặc đồ dân sự đi mua 10 cân trà mang ra biên giới tặng anh em trên các chốt thức gác chống dịch. Cô gái bán hàng không quen biết hỏi vừa tết ra anh mua làm gì nhiều thế? Biết mục đích của tôi, cô ấy nói anh tặng trà cho bộ đội thì em xin gửi tặng anh em bánh kẹo, đủ chia đều cho các chốt. Tôi mang quà của cô ấy lên chốt và nói rõ câu chuyện với anh em, mọi người xúc động lắm!”.
4 lớp kiểm soát
Để tiếp tục ngăn dịch trên tuyến biên giới trong những ngày tới, lực lượng biên phòng Quảng Ninh cho biết, đã bố trí hiệu quả nhiều lớp kiểm soát, bởi nhiệm vụ chống dịch nằm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Theo đó, 4 lớp kiểm soát được chỉ huy vận hành nhịp nhàng, ăn ý, giúp ngăn ngừa dịch ngay từ các sông, bờ biên giới, đường mòn, lối mở, cửa khẩu cho đến các tổ công tác lâm thời chốt ở các vị trí quan trọng cùng cơ sở ngoại tuyến nhằm khép chặt địa bàn.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Hải, ngay từ cuối tháng 1, khi Vũ Hán (Trung Quốc) đang là tâm dịch, BĐBP đã triển khai quân để kiểm soát, chốt chặt biên giới. Từ lúc đầu chống dịch đến nay, BĐBP Quảng Ninh phối hợp hiệu quả cùng chính quyền và các cơ quan liên quan nên ngăn chặn được dịch qua biên giới đất liền. “Tuy nhiên vấn đề hiện nay là dịch lây lan qua đường hàng không vào nội địa. Tình hình còn diễn biến phức tạp, mức độ nâng lên nên BĐBP càng đề cao cảnh giác và tăng cường lực lượng, biện pháp chốt chặt cửa khẩu”, đại tá Hải nói.
Nói về những khó khăn giai đoạn hiện nay của lực lượng, đại tá Hải cho biết các đơn vị trên biên giới nhiều nơi phải thực hiện nhiệm vụ trên độ cao 1.000m, khí hậu khắc nghiệt, xa khu dân cư, không điện, không nước. Đặc biệt là nhà bạt, giường ngủ dã chiến, quân trang thiếu thốn. Hiện ở tạm thì có thể khắc phục, nhưng về lâu dài sẽ không đảm bảo sức khỏe cho bộ đội. Giai đoạn vừa qua dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Bộ chỉ huy cử các tổ quân y thường xuyên đến các tổ, chốt đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, cấp thêm vitamin C và tăng cường rau xanh, thực phẩm ở địa bàn khó khăn.
Tính đến ngày 24/3, BĐBP tỉnh đã bắt giữ, xử lý trên biên giới 14 vụ vận chuyển trái phép hơn 240 nghìn khẩu trang y tế sang Trung Quốc. Phát hiện, xử lý 89 người Việt Nam và 6 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép, 88 người Việt Nam bị Trung Quốc đẩy về qua biên giới; tổ chức tiếp nhận 8 người Việt Nam bị Trung Quốc bàn giao qua cửa khẩu.