… Cũng chả nhớ câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu từ đâu? Hình như là một quá vãng cái thời nhiệt huyết hăm hở.
Nhà có người thân các anh, chị làm bác sĩ nên từ nhỏ cậu bé Tuấn đã được nghe các anh chị nói chuyện về các môn học và công việc. Các từ như điều trị, lâm sàng, chẩn đoán, bệnh học... nghe rất lạ nhưng cũng huyền bí, tò mò với một cậu bé.
Lớn hơn, Tuấn được một người chị tặng cho cuốn sách Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Tôn Thất Tùng. Chuyện về những ca mổ tim đầu tiên của GS Tôn Thất Tùng vừa hấp dẫn vừa ám ảnh Tuấn. Sau khi thi trúng đại học Y, Tuấn bảo lưu kết quả thi và đi bộ đội. Hành trang của người lính ấy còn có các cuốn về Y học và Toán Lý trong đó có cuốn về GS Tôn Thất Tùng.
Câu chuyện có một lúc trở lại với thời khắc cùng thời gian đẹp nhất của cuộc đời? Một GS-TS Nguyễn Quang Tuấn - chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, từng từ chối làm việc ở nước ngoài để về nước cống hiến. Rồi một Nguyễn Quang Tuấn Giám đốc BV (Bệnh viện) Tim Hà Nội từng giành giải thưởng Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (phương pháp đặt stent)”. Rồi vị trí Công dân Danh dự Thủ đô; Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; vv…
Chất giọng thoắt sôi nổi cùng những nét trên khuôn mặt như sáng bừng. Ấy là khi GS Tuấn kể về những ngày chống dịch ở TPHCM. Thời điểm đó ông đang là đối tượng bị điều tra và không ít những ngổn ngang tâm tư. Nhưng vẫn vào trận chiến.
Công việc cứ thế cuốn GS Tuấn và anh chị em liền mấy tháng trời.
Đêm 15/10 tất cả anh em trở về Hà Nội an toàn. Chỉ có một số sinh viên bị lây covid, vài người bị tai nạn nhẹ.
Và hình như GS Nguyễn Quang Tuấn bị nặng nhất? Chưa hết 7 ngày cách ly, GS Tuấn đã nhận lệnh khởi tố!
Day dứt cùng ân hận
Tôi ngập ngừng nhưng cũng vuột ra băn khoăn.
- Thưa GS hình như có một quan niệm tồn tại lâu năm trong hệ thống ngành Y ở Việt Nam là giám đốc BV mà không có chuyên môn cao hoặc tay nghề giỏi thì nói nhân viên không phục. Vì thế, lãnh đạo BV sẽ phải lựa chọn hoặc chuyên tâm làm quản lý, hoặc tập trung cho chuyên môn khám chữa bệnh. Khi lên làm quản lý, người bác sĩ phải học thêm các kiến thức về quản lý BV, đồng thời phải đánh đổi chuyên môn yêu thích của mình để tập trung quản lý.
Trong suy nghĩ của GS có thường trực một áp lực, một sức ép như vậy không? Người đời đã từng nói có hai thứ tiêu khiển, tiền bạc và quyền lực? Giỏi chuyên môn thạo quản lý thì mới nói có người nghe đe có người sợ?
Cũng xin chuyển đến GS ý kiến của nhiều bạn đọc rằng, một chuyên gia giỏi chưa hẳn là một nhà quản lý cừ. Nhưng thưa GS, một chuyên gia tim mạch danh tiếng có thể lắc đầu trước một chức tước để rảnh tâm mà nghiên cứu để khẳng định cùng những cống hiến của mình và nổi tiếng theo cách riêng của mình chứ? Hai vị trí GĐ BV Tim và GĐ Bạch Mai. GS có bị sức ép nào không nếu như GS thực tâm không muốn?
Để ý thấy những ngón tay của GS duỗi xòe một cách thoải mái.
“Áp lực ư? Có đấy! Đó là động cơ là cú hích để cho bản thân tôi phải gắng gỏi. Nhà báo nói đúng! Một thầy thuốc giỏi có thể cứu chữa được rất nhiều người. Nhưng nếu một nhà quản lý giỏi thì có thể tạo cho rất nhiều bác sĩ giỏi có môi trường, phương tiện, cơ hội... để thực thi tốt hơn công việc chữa bệnh, cứu người. Khi tôi về nhận nhiệm vụ ở Viện Tim non trẻ, suốt 8 năm trời vật lộn với muôn vàn khó khăn. Tôi cùng anh em đồng nghiệp đã đưa Viện Tim thành BV chuyên khoa tuyến cuối của quốc gia với quy mô điều trị lớn gồm nhiều trung tâm chuyên môn có kỹ thuật chuyên sâu; một cơ sở đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hàng đầu của cả nước góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, giảm tải cho hệ thống y tế Trung ương”.
- Trở lại cái lệnh khởi tố, xin được hỏi thẳng GS, có lẽ không ai bắt GS phải ký vào những hợp đồng đấu thầu mà chỉ những người trong cuộc mới có thể biết được?
GS Tuấn im lặng một lát. Rồi ông mới chậm rãi, thận trọng.
“Thời điểm 2016, theo phân cấp quản lý, việc giám đốc là người trực tiếp ký các văn bản thủ tục đấu thầu là đúng với chức trách và nhiệm vụ. Tôi hoàn toàn tin tưởng giao phó cho những người có chức năng nhiệm vụ cung ứng trang thiết bị vật tư cho BV thực hiện những công việc liên quan tới công tác đấu thầu, xác định giá...
Do không trực tiếp tham gia điều hành các công việc liên quan tới hoạt động đấu thầu, tôi tự nhận thấy thiếu sót của mình trong trách nhiệm người đứng đầu, đã không hiểu rõ và nắm được hết các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình xây dựng giá, kế hoạch, quy trình lựa chọn nhà thầu của cấp dưới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy định mà theo tôi vẫn còn nhiều khoảng trống về hướng dẫn thực hiện, các BV vẫn vừa làm vừa học hỏi và vận dụng theo một cách chung mà sau này mới nhận thức ra đó là cách làm chưa chuẩn xác”.
Xin lỗi, những thời khắc khó khăn vừa qua có vẻ khiến GS như kém ngủ? Nghiêm khắc soi rọi mình, GS day dứt nhất điều gì?
Điều day dứt nhất của tôi là một bác sĩ có sứ mệnh chữa bệnh cứu người, một trí thức luôn coi trọng danh dự, hơn 30 năm qua đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp, hết lòng vì người bệnh. Tôi thực sự dằn vặt, khổ tâm vì những sơ suất do chưa sát sao, thiếu chặt chẽ và chưa đúng của mình. Tôi cũng tự nhận thấy vì quá tập trung vào chuyên môn như chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy... nên đã lơi lỏng trong công tác quản lý. Điều ân hận nhất là do bản thân hạn hẹp về kiến thức kinh tế, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để bản thân cùng một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình.
- Và còn điều gì GS thấy băn khoăn khó nói?
“Xin lỗi không những băn khoăn mà còn hoang mang nữa.
Chẳng hạn như giá của các trang thiết bị vật tư y tế trúng thầu tại BV Tim Hà Nội được cơ quan điều tra xác định cao hơn so với giá trị thực tế thì theo quy định hiện hành các Trang thiết bị y tế (bao gồm Thiết bị y tế, Vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm) chưa là danh mục phải thực kê khai giá đầu vào (Hiện tại mới chỉ có Thuốc thực hiện kê khai giá đầu vào, giá bán ra) vì vậy BV không có cơ sở, căn cứ để yêu cầu các nhà thầu tham dự thầu cung cấp giá nhập khẩu (Giá CIF) ghi trên Tờ khai Hải quan. BV đã thuê tư vấn từ công ty thẩm định giá và tham khảo từ kết quả trúng thầu đã có từ các đơn vị khác, vì đây là mặt hàng được sử dụng khá phổ biến ở một số BV có can thiệp tim mạch trên địa bàn Hà Nội và cả nước (12 đơn vị trên phạm vi toàn quốc), và giá trúng thầu của BV Tim Hà Nội cũng tương đương các BV khác. Vì các đơn vị đều không biết giá đầu vào? Có thể do nhà phân phối họ mua rẻ bán đắt mà các đơn vị sử dụng không biết?”…
Bàn tay chìa rộng của GS lúc chia tay truyền sang một cảm giác như ấm lành.
Ngày 21-10-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn - GĐ BV Bạch Mai vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.
C03 cáo buộc ông Tuấn cùng một số cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan có vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Liên quan vụ án này, từ ngày 13/5 đến nay, C03 đã khởi tố, tạm giam 9 người, trong đó có bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu kế toán trưởng, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu; Đoàn Trọng Bình, cựu Phó phòng phụ trách Phòng Vật tư, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ thẩm định; Nghiêm Tuấn Linh, cựu Phó trưởng Phòng Vật tư, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu...