Chuyện về một giọng đọc vàng, Kỳ II: Khúc tam tấu Đinh Ngọc Liên

TP - Tôi đã có dịp ngồi với ông Đinh Ngọc Hiến, một trong số con trai của Đinh Ngọc Liên trong một căn hộ ở khu tập thể quân đội ở phố Phạm Ngũ Lão. Ngoài câu chuyện với ông Hiến lại có thêm cuốn tự truyện của Trung tá QĐNDVN Đinh Ngọc Liên.

…Mười tuổi cậu bé Đinh Văn Điến đã thạo sáo. Mười ba tuổi đã chơi được kèn Tây pixtông... Ngoài khiếu nhạc lại vẽ giỏi nữa. Cha Phúc, chánh xứ Giao Lạc quý lắm, cho theo hầu luôn... Cha không những giỏi tiếng Pháp Latin mà còn Hán, Nôm. Cha muốn rèn cặp cho cậu bé làng Phú Nhai Xứ Đạo có tài và sớm có ơn thiên triệu này sau sẽ làm linh mục!

Con tên thật là gì? Dạ thưa cha con là Đinh Đức Điến ạ. Tên này không hay. Từ nay con là Đinh Ngọc Liên.

Nhạc sĩ, nghệ sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên và con gái Đinh Tuyết Lan (Ngày tiễn con gái vào chiến trường đường 9 Nam Lào)

Rồi cha dùng bút lông viết một hàng chữ Hán bảo về đưa cho bố. Cha cậu bé giở ra liên sinh ư nê, bất nhiễm ư nê. Cha viết gì hở bố? Cậu được giải thích, tên cậu là hoa sen, mọc trong bùn mà không nhiễm thứ ô uế của bùn. Luôn phải sống trong sạch ngay thẳng...

Kỳ thi ấy, cậu trượt. Giấc mộng làm linh mục tan biến. Cậu phẫn chí về làng nhảy xuống một chiếc đò dọc đi làm thư ký thuyền buôn! Nhưng việc cũng chả xuôi chèo mát mái. Lớn lộc ngộc. Thất nghiệp. Buồn tình cậu lấy vợ đúng năm 17 tuổi.

Những ngày đoàn quân nhạc phục vụ Tuần Lễ vàng và Tổng tuyển cử là thời điểm đã khắc sâu vào tâm trí. Anh em trong đội nhạc binh không có vàng để góp nhưng bất kỳ ai nộp một lạng hoặc một chỉ thì đội nhạc binh đều tấu một khúc mừng.

Nhưng những luỹ tre bít rịt của Phú Nhai không hãm được cậu. Giắt lưng hơn trăm bạc tiền dạy nhạc và dạy vẽ, cậu lên Hà Nội dự định thi vào Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng thi vào đấy phải có bằng Đíp-lôm mà cậu chỉ có Certiphicat. Khi số tiền đem theo đã cạn thì có người làng mách cậu nên thi tuyển vào chân lính kèn! Cậu hăng hái thử thì trúng. Mười lấy ba. Cậu đỗ đầu.

Ông Hiến bộc bạch, chẳng hay trong nghiệp kèn nhà binh, ông cụ tôi có thuộc vào loại thăng tiến nhanh hay không? Mười lăm năm, từ năm 1930 cho đến năm 1945, phận lính trơn chú quyền rồi bác bếp tiếp đó là thày cai kèn, ngài đội kèn, quan phó quản rồi quan chánh quản. Quản Liên, tên gọi ấy trở nên quen thuộc với các hàng chức sắc của chính phủ thời đấy bởi bao lần Quản Liên sắc phục trắng toát chĩnh chiện trong vị trí lẫn vị thế chỉ huy đội nhạc binh cử lên những giai điệu những âm thanh rất ấn tượng trong vô số cuộc lễ lạt.

Ông Hiến nói, ông bố mình chỉ biết kèn! Chỉ biết nhạc là thứ tối thượng trên đời.

Buổi sáng ngày 19 tháng Tám, khi Việt Minh cướp Trại Bảo an binh thì Quản Liên đang ngay ngắn ở vị trí làm việc của mình trong trại. Ông không hề biết một tí nào thời cuộc đã đổi thay? Mấy viên đội hốt hoảng ào vào hỏi chỉ huy thì Quản Liên tỉnh bơ, tôi chỉ biết kèn không biết súng!

Đinh Ngọc Liên (phải) và nhạc sĩ Văn Cao

Chỉ khi ông chỉ huy Việt Minh Vương Thừa Vũ dẫn quân vào trại Bảo an binh thấy Quản Liên đang ngồi như Bụt mọc! Và chả hiểu sao vị chỉ huy Việt Minh này lại biết được Quản Liên nghiện thuốc lào. Vương Thừa Vũ hỏi đánh độp.

Này điếu của cậu đâu?

Quản Liên gần như được giác ngộ ngay cái lúc hai người cùng nhau thân mật nhả khói thuốc lào như thế!

Theo lệnh Vương Thừa Vũ, Quản Liên cho tập hợp đội nhạc binh lại... Ông Vũ đứng trước hàng quân vừa dõng dạc vừa thân mật.

Anh em nào vì hoàn cảnh khó khăn không theo cách mạng được muốn về quê thì đứng ra một bên... Đội nhạc binh ấy đã theo người chỉ huy, theo Quản Liên đi với cách mạng đi với kháng chiến...

Theo lời kể rủ rỉ của ông Hiến, tôi cố hình dung ra nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên suýt rơi cả đũa khi chỉ huy dàn nhạc binh tấu Tiến quân ca bởi mục sở thị người đọc Tuyên ngôn độc lập không phải Nguyễn Ái Quốc như ông đinh ninh mà là Hồ Chí Minh, một cụ già gầy gò...

Những ngày đoàn quân nhạc phục vụ Tuần Lễ vàng và Tổng tuyển cử là thời điểm đã khắc sâu vào tâm trí. Anh em trong đội nhạc binh không có vàng để góp nhưng bất kỳ ai nộp một lạng hoặc một chỉ thì đội nhạc binh đều tấu một khúc mừng.

Rồi bất ngờ Đinh Ngọc Liên nhận được thư của Hồ Chủ tịch.

Thân gửi Ban âm nhạc Vệ Quốc quân. Hôm nay ngày 6/1 ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng sớm đến chiều làm cho ngày tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cám ơn và khen ngợi anh em. Chào thân ái. Hồ Chí Minh.

Lần đi làm Quốc khách nước Pháp năm 1946 về, Cụ đã đến thăm đoàn quân nhạc và tặng cho chú Liên một bọc tướng. Người tưởng kẹo (vì khá nặng) người tưởng quần áo nhưng mở ra đó là phụ tùng của các loại kèn. Anh em mừng đến phát khóc vì nhiều nhạc cụ bị treo lâu nay do thiếu đồ thay thế.

Xuôi ngả Vân Đình vào một đêm mưa rét năm 1946 cùng với 70 chiếc hòm đựng nhạc cụ và 30 hòm khác đựng các bản tổng phổ, Đinh Ngọc Liên cùng đoàn quân nhạc lặng lẽ ngoái lại Hà Nội đang ầm ầm rung trong ánh lửa đỏ khé...

Có một nơi thật xa mà Đinh Ngọc Liên chả thể nhìn thấy được là làng quê Phú Nhai của ông đang chìm trong đêm đen của vùng tề. Dưới bóng thánh đường ấy đang có bốn người cùng dõi cái nhìn đăm đắm về hướng Hà Thành. Đó là người vợ và mấy đứa con nhỏ của Đinh Ngọc Liên.

…Trong đội hình lên chiến khu, Đinh Ngọc Liên cho tuyển vào đội quân nhạc ba cô gái Hà Nội có năng khiếu hát là Bùi Thị Thái, Bùi Thị Dung, Bùi Thị Hồi. Cùng họ Bùi nhưng chẳng phải ruột rà. Lên chiến khu các cô gái gắn bó với các chiến sĩ như anh em một nhà. Một trăm cái hòm đựng nhạc cụ và tổng phổ ấy đã tan tành trong trận Pháp nhảy dù tháng 10/1947. Đang lúc hoang mang bấn bách ấy, Đội trưởng Đội quân nhạc Đinh Ngọc Liên bất ngờ nhận được tin dữ. Vợ con ông ở vùng tạm chiếm Phú Nhai đã bị địch sát hại!?

Mới tuổi ba mươi lăm. Nỗi buồn có lẽ được giải tỏa bởi công việc ngập đầu. Thời gian khỏa lấp nỗi đau khi người chỉ huy đoàn nhạc binh cảm mến cô văn công trẻ đẹp Bùi Thị Thái mới hai mươi ba tuổi!

Những gian nan cơ cực của những trận sốt rét rừng những bom đạn và cái đói cố hữu hình như chỉ là thứ gió làm cho cái bếp tình ấy càng thêm nồng đượm. Một trai hai gái, kết quả của tình yêu ấy đã ra đời ở chiến khu như thế!

Dịp mừng đại thắng Điện Biên tại Mường Phăng vắng bóng đoàn quân nhạc. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bật hỏi Đinh Ngọc Liên đâu?

Đinh Ngọc Liên khi ấy đang biệt phái mãi tận trường lục quân đóng ở Vân Nam Trung Quốc. Đinh Ngọc Liên đâu cũng có nghĩa là quân nhạc đâu? Ông được điều cấp tốc trở về thành lập tiểu đoàn quân nhạc. 425 nhạc công trong đoàn quân nhạc trong đó có một đại đội sáo trúc đã thăng hoa thêm niềm vui của dân Thủ đô ngày tiếp quản cũng như đợt đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về lại thủ đô.

(Còn nữa).