Chuyện ông Tây điều hành hãng xe khách Việt

TP - Nhiều người đi xe khách Phương Trang không khỏi ngạc nhiên khi có một ông Tây cao lớn, không nói được tiếng Việt, nhưng luôn nở nụ cười thân thiện, tận tình xách đồ giúp. Những hành khách nước ngoài gặp ông Tây này rất khoái vì có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng. Còn không hiếm người Việt nhìn cảnh này cứ tự hỏi: Tổng giám đốc mà gần gũi và hoà đồng đến thế, hẳn nhân viên sẽ chiều khách biết mấy.
Ông Tây làm thuê muốn hãng xe Phương Trang đem lại nhiều tiện ích cho người dân hơn là lợi nhuận

Tổng GĐ ngoại xách hành lý, đẩy xe hàng

Tony Williamson - tân Tổng giám đốc (TGĐ) của Hãng xe Vận tải khách Phương Trang xuất hiện trước chúng tôi bệ vệ trong bộ comple đen phẳng phiu; tóc bạc húi cua. Trong giới kinh doanh xe khách Việt Nam, có lẽ ông Tony là người ngoại quốc đầu tiên được mời về nắm vị trí điều hành doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ chiếm lĩnh vị trí số 1 Việt Nam về vận tải bằng xe khách. Ở vị trí đó, chúng tôi có thể dẫn dắt, buộc các hãng xe khác phải cạnh tranh, nâng cao dịch vụ. Cuối cùng, người dân và đất nước các bạn sẽ có lợi”.

Ông Tony Williamson

Ông Tây Tony nhận việc mới trước Tết Âm lịch - thời điểm Phương Trang rơi vào tình trạng quá tải, khách ken cứng quầy vé và phòng chờ. Những ngày đó, ở Bến xe Miền Tây (TP HCM), người ta thấy một ông Tây chạy quanh chiếc những xe khách màu cam của Phương Trang chỉ trỏ; dắt tay, bê đồ cho khách. Nhân viên của Phương Trang biết đó là Tổng GĐ mới, răm rắp nghe theo. Khách không biết, tưởng Tony là ông Tây rỗi việc, thấy cảnh đông đúc, xắn tay hỗ trợ. Tổng GĐ Bến xe Miền Tây, Kiều Nam Thành cười sặc, nhớ lại lần đầu gặp Tony: “Ban đầu, tui tưởng ông Tây nào bị lạc, định lại giúp, sau mới biết là Tổng GĐ mới của Phương Trang. Đến 1, 2 giờ sáng, đi kiểm tra, tôi vẫn thấy ổng cùng nhân viên bê hành lý cho khách”.

 

Bây giờ, Tony xuất hiện thường xuyên hơn tại các điểm hoạt động của Phương Trang nên không còn lạ. Khi ra bến xe, Tony luôn tay chỉnh cái này, dịch cái kia cho thẳng thớm. Khi vào phòng vé, Tony chỉ cho nhân viên “chiêu” cầm tệp vé rồi phập con dấu nhanh như máy. Gặp buổi đông khách, ông lại vẫn khuân vác, chỉ chỗ cho khách. Thành ra, khi Tony xuất hiện, nhân viên lại nháo nhào làm nhanh, ngại việc ông phải động tay vào.

Khi đến phòng chờ hay nơi bán vé, Tony thường đi thẳng đến chỗ khách ngồi, yêu cầu cậu phiên dịch: “Tôi là Tony, TGĐ mới của Cty Phương Trang, ông/bà có thể góp ý để chúng tôi hoạt động tốt hơn không?”. Sau đó, Tony ngồi xổm, thấp hơn khách để lắng nghe.

Đưa xe khách hoạt động như hàng không

Việc lớn đầu tiên mà ông Tony làm ngay sau khi nhậm chức là xây dựng và vận hành chương trình bán vé qua mạng internet để tháo gỡ tình trạng khách rồng rắn xếp hàng ở phòng vé. Phần mềm này được Tony và đồng sự tự xây dựng dựa vào việc tham khảo công nghệ của Amazon - “gã” khổng lồ bán hàng trực tuyến và và các hãng hàng không.

“Ban đầu, chúng tôi đặt mục tiêu  phục vụ trước hết cho khách ở độ tuổi 16-25 để làm sao họ mua được vé qua máy tính không quá 3 phút. Các biện pháp tốn thời gian hơn bị loại bỏ. Hiện nay, sau khi áp dụng, chúng tôi đã đạt mức trung bình 2,5 phút/lần đặt vé” - Tony nói.

Tony coi mạng xã hội Facebook là môi trường về thương mại điện tử quan trọng và tham mưu lãnh đạo Phương Trang sớm phát triển kênh bán hàng và quảng bá này. Tất nhiên, đây không phải là cách làm mới, nhiều mảng kinh doanh trong đó các hãng hàng không áp dụng nhưng với xe khách, ít người nghĩ tới.

Khi vừa tới Việt Nam, Tony cất công công khảo sát và nhận ra rằng, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và số người muốn đến các tỉnh lẻ không thua kém các điểm du lịch nổi tiếng. “Các bạn thường nghĩ người nước ngoài đến các bãi biển đẹp, công trình kỹ vĩ, nhưng thực ra việc trải nghiệm ở vùng quê, ăn bữa cơm gia đình với người Việt cuốn hút họ hơn. Và đó là đất sống cho những công ty xe khách” - Tony nói. Vì thế, ông quyết định, trên website, tại các điểm phục vụ của Phương Trang tới đây sẽ sử dụng cùng lúc cả tiếng tiếng Việt và tiếng Anh, ít nhất vào dịp lễ tết để phục vụ khách nước ngoài.

Vị tổng GĐ người Anh cũng đang muốn áp dụng biện pháp chưa từng có với loại hình xe khách ở Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp dịch vụ xe khách tốt nhất, nhưng có giá vé hợp lý nhất có thể. Chúng tôi cố gắng không tăng vào dịp lễ, nhưng sẽ có lúc chỉ bán 1 hay 0 đồng để khuyến khích khách đi xe” - ông Tony nói.

Dưới bàn tay của Tony, có vẻ như vẫn còn quá nhiều thứ phải chỉnh đốn cho Cty xe khách này. Tony đang lập kế hoạch mở các khóa đào tạo cho lái xe kỹ năng lái xe an toàn - tiết kiệm. “Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho lái xe nhấn ga ra sao, đạp thắng thế nào cho tiết kiệm và an toàn. Những việc đó có thể nhiều người biết nhưng rời rạc, cần lập thành quy trình” - ông Tony cho biết.  

Mỗi khi muốn khách hàng góp ý, Tổng giám đốc Phương Trang lại ngồi thấp hơn và chăm chú lắng nghe

Danh dự của một võ sư

Dù dạn dày kinh nghiệm nhưng “ông tổng” ngoại quốc này có phần bỡ ngỡ với những ngóc ngách, xảo thuật lách luật của một số hãng xe khách Việt Nam. Những chuyến xe nhồi nhét và chặt chém giá vé trong kinh doanh vận tải hành khách ở ta, Tony chưa từng được nếm trải. Ví như, chuyện xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch hoạt động trá hình như xe khách, trốn thuế là vấn đề nhức nhối nhất, Tony vẫn chưa mường tượng hết. 

“Những chuyện đó tôi chưa nắm bắt được vì ở những nơi tôi làm trước đây không có. Chẳng hạn ở Anh hoặc Tây Ban Nha, cứ khoảng vài km có một camera theo dõi; vài phút, xe khách lại rơi vào ống kính. Nếu doanh nghiệp vận tải vi phạm sẽ bị rút giấy phép. Vì thế, các công ty không bao giờ dám vi phạm” - Tony nói.  

Đặt câu hỏi: “Vậy ông có cách nào để cạnh tranh với những doanh nghiệp (hãng xe dù-PV) như vậy?”. Sếp tổng người Anh trả lời: “Nếu vì lợi nhuận, họ có lợi thế hơn chúng tôi. Nhưng ông chủ mời tôi về và việc tôi có mặt tại đây không phải để làm giống họ”.

Ở Bến xe Miền Tây, Tony vỗ vai chúng tôi và chỉ một số hãng xe khách khác: “Hãy nhìn những chiếc xe khách cũ, nóng nực, không có điều hòa kia. Chừng nào còn những chiếc xe như vậy, chúng tôi vẫn có cơ hội phát triển”. Vị Tổng GĐ này nói rằng, trong 5 năm tới, Phương Trang sẽ phát triển từ 3.000 đến 5.000 xe buýt (hiện nay 1.000 xe).

Để đạt mục tiêu đó, ưu tiên số một của ông Tony hiện nay là học tiếng Việt và văn hóa Việt để đưa ra những chiến lược sát sườn, Việt hóa những kỹ năng đang có. Chưa mường tượng hết cách Tony làm nhưng thông qua việc ông tự rèn mình đến bậc đai đen tam đẳng của môn võ Taekwondo hay dùng đũa để ăn món cá kho và cà pháo chấm mắm tôm một cách gọn gàng, chúng tôi hiểu, ông Tây này không nói chơi. Tony thổ lộ: “Tôi là một võ sư nên trọng danh dự. Tôn chỉ hoạt động của Phương Trang từ trước đến nay: Chất lượng là danh dự. Danh dự đã khiến tôi tìm về Phương Trang”.

Tony cho biết, mỗi ngày làm việc khoảng 16-17 giờ/ngày. Ông cũng chưa có ý định đưa vợ sang ở cùng vì công việc còn bề bộn. Mặc dù rất muốn được luyện võ hằng ngày, nhưng thời gian chưa cho phép. Ngay cả việc ông chọn ở trong một khách sạn đối diện với một điểm bán vé của Phương Trang cũng vì lý do công việc.

Cty Phương Trang không tiết lộ mức lương, chế độ đãi ngộ cho vị TGĐ ngoại. Nhưng nhìn vào bản lý lịch của Tony, có thể thấy, đây không phải hợp đồng thuê một ông Tây về làm màu, lấy le. Lý lịch của Tony ghi: Có bằng cao đẳng về sửa chữa ô tô, đại học quản trị kinh doanh; lập công ty vận tải riêng lúc 28 tuổi; Từng làm cho nhiều hãng vận tải lớn; có thời làm cho chính phủ Đức. Trước khi về với Phương Trang, Tony làm cho Arriva (một tập đoàn vận tải hoạt động tại 49 quốc gia với 2,5 triệu lao động). Tại Arriva, Tony phụ trách khu vực Tây Ban Nha, dưới quyền có 4.000 nhân sự, doanh thu 200 triệu Euro (gần 4.700 tỷ đồng)/năm.