Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019)

Chuyện nghề, chuyện mạng và 'nước mình nó thế'

TP - Khi báo Tiền Phong ra 5 kỳ “Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội”, các đồng nghiệp trêu chúng tôi rằng: “Tận dụng tai bay vạ gió để làm thương hiệu ghê quá” và “Đúng là phải biến cái hạn của mình thành hạn của những kẻ đó chứ!”.  
 Loạt bài 5 kỳ “Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội” của báo Tiền Phong  in tháng 5/2018 vừa đoạt giải C báo chí Quốc gia 

NHỚ LẠI CÁI “HẠN”

Sơ sơ để bạn đọc hình dung về cái hạn mà hai phóng viên gặp phải vào ngày 8/2/2018, cơn cớ dẫn đến loạt bài nêu trên, vừa đoạt giải C báo chí quốc gia.

Nhận được đơn thư phản ánh của công dân số nhà 10 Hàng Chuối phường Phạm Đình Hổ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nằm ở mặt đường  số nhà này, hai phóng viên đến phường làm việc, được yêu cầu xuất trình giấy giới thiệu và cả giấy tờ tùy thân+ thẻ nhà báo. Chúng tôi làm theo, và có cuộc làm việc ngắn, tưởng không có gì bất thường.

Bất ngờ, tối muộn cùng ngày trên Facebook, tại địa chỉ tên là Diễn đàn Độc giả Trẻ bỗng xuất hiện bản chụp thẻ nhà báo của một trong hai phóng viên và giấy giới thiệu của cơ quan, ghi tên hai người. Những bản chụp này minh họa cho bài viết “như đúng rồi”, khẳng định hai phóng viên thuộc loại “kền kền đếm tầng”, kiếm chác 20 đến 40 triệu/bài cho mỗi vụ tranh chấp đất đai!

Chỉ nửa ngày sau chúng tôi cả cười khi hiểu được nguồn cơn, nhưng ban đầu cũng bối rối chứ, không hiểu sao mình lại trở thành nạn nhân của mạng xã hội, “đang đi đường yên lành thì bị phân chim rơi trúng đầu”. Hai kẻ trong cuộc nói với nhau: “Phải chiến thôi, bởi mấy chục năm làm báo tôi không có một phốt nghề nghiệp nào để bất cứ ai có thể bắt thóp, túm gáy, nhân đây bới ra việc này việc nọ. Chú thì sao?”, “Em cũng thế, nên là chẳng sợ bố con thằng nào”.

Bẩn trên Diễn đàn Độc giả Trẻ và FB Hương Vũ- với tham vọng bóc phốt nhiều ngành, giới nhưng lại dễ dàng bị bóc ngược.

NHỮNG NHÂN VẬT BÁ ĐẠO

Đọc loạt bài Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội, độc giả hẳn đã hiểu khúc nhôi sự tình. Rằng té ra ông thanh tra xây dựng mà chúng tôi làm việc hôm đó (người của quận, đóng tại phường) đã sao chụp giấy tờ công vụ của phóng viên rồi gửi cho chính đối tượng vi phạm TTXD để cuối cùng giao cho một bà Facebooker “thụ lý”, lấy tư cách admin để tung lên mạng nhằm dằn mặt phóng viên! Ảnh, tài liệu là thật nhưng thông tin thì giả, vu khống, bịa đặt! Dấu hiệu bảo kê của ông thanh tra là rõ, còn bà Facebooker tự coi mình là nhà báo công dân và độc giả chân chính quyết “bóc phốt kền kền” - cả hai bẽ bàng thế nào khi sự thật phơi lộ, thôi khỏi mất công kể thêm. 

Hồi đó, khi ông thanh tra không còn cách nào khác là thú nhận sự thật, chúng tôi khéo léo đề nghị ông làm rõ hơn: cho xem cách mà ông chuyển giấy tờ công vụ của chúng tôi cho đối tượng vi phạm TTXD (để ông làm luật hay làm gì?), thì ông này, chả hiểu lên cơn thật thà hay tình thế bắt buộc, bèn ngoan ngoãn mở điện thoại di động cho xem tất tần tật, giúp chúng tôi hiểu thấu đường đi của mọi chuyện! Đã chụp lúc nào xong gửi cho ai, vì đâu lại được tung lên mạng để ngàn người đọc một lúc, và nhảy vào bình luận cũng “như đúng rồi”!

“ĐỒ KHÔNG BIẾT GÌ VỀ MẠNG CÓ KHÁC!”

Diễn dàn Độc giả Trẻ có khoảng chục quản trị viên (admin). Chúng tôi đến gặp một trong số đó, người cho biết mình là nhà báo và “chơi mạng kỳ cựu, tiếng tăm”. Mang theo công văn của bản báo gửi Ban Quản trị diễn đàn, chúng tôi biết thừa cách mà họ sẽ đối phó vụ việc. Nhưng vẫn không khỏi thú vị, chẳng hạn qua đoạn hội thoại dưới đây.

Anh này là Phó Tổng Biên tập của một tạp chí không nhiều người biết, thoạt tiên làm bộ ngơ ngác về vụ việc vu khống bôi nhọ trắng trợn phóng viên Tiền Phong trên diễn đàn mà mình làm admin. Lúc sau anh lại hở ra là “có nghe loáng thoáng”, và lập tức tỏ ra vô can: “Admin chả liên quan gì! Tôi quản trị ba chục diễn đàn, sao nắm hết được. Admin không có trách nhiệm lọc thông tin. Ai làm nấy chịu chứ!”

Khi chúng tôi tò mò hỏi anh admin, rằng ba chục diễn đàn anh góp phần lập ra trong đó có Độc giả Trẻ, có phải vì mục đích tài chính không, là thế lực mới nổi  không, doanh nghiệp và cá nhân bị nói xấu muốn gỡ bài có phải làm luật như loại báo mạng “sáng đăng trưa gặp chiều gỡ” không, anh đáp là không nhận tiền. Nhưng cho biết có dùng quyền admin để xóa bài nhằm bảo vệ các mối quan hệ riêng. 

Hỏi: “Cơ chế hoạt động của Diễn đàn Độc giả Trẻ?”. Đáp: “Là tập hợp những người chơi mạng do một admin lập ra”. “Đó là ai?”. “Không nhớ. Hoàn toàn không có cơ chế nào ràng buộc”. “Admin và thành viên có khác nhau không? “Khác. Admin có quyền ad thành viên vào và đưa thành viên ra, còn quyền đăng bài là như nhau, bất kỳ ai cũng có thể đăng”. “Đăng bài có kiểm soát nội dung không?” “Không”. “Vai trò BQT trong việc lọc thông tin?”. “Chả có vai trò gì! Diễn đàn 3,4 vạn thành viên, ai muốn đăng gì cũng được!”. “Diễn đàn lập với mục đích gì? “Chả có mục đích, tôn chỉ gì. Lập để chơi thôi”.  

Trong khi đó, trang chủ diễn đàn này, ngoài ghi tên của các admin thì còn phi lộ thế này, oách lắm: “Group ta là group của những người độc giả nhân dân, người độc giả nhân dân chỉ dám lấy cái tâm sáng mà giáo hóa kền kền quay về với chính nghĩa”. (Đã độc giả lại còn “người”, “nhân dân” hihi).

Trước những câu hỏi ngây ngô của chúng tôi, anh buồn cười thật hay giả vờ buồn cười, mà cứ nhắc đi nhắc lại rằng nếu báo Tiền Phong định kiện anh, kiện diễn đàn và các quản trị viên, thì buồn cười quá, có mà điên! Anh thách thức: “Admin làm gì có vai trò gì. Anh chị thích tôi ad anh chị làm admin của diễn đàn này ngay bây giờ không? Ad cả trăm người một lúc ấy. Chả nhẽ anh chị và trăm người này lại phải chịu trách nhiệm về  người khác?”. “Theo chúng tôi tìm hiểu thì cái gọi là Diễn đàn Độc giả Trẻ chỉ hơn chục admin, nghĩa là có vai vế đấy chứ, có phải ai cũng nhảy vào làm đâu?”. “Đầy diễn đàn vài chục admin nhưng hôm nay ông này mai lại đổi ông khác. Ví dụ Trại Súc Vật lập ra toàn để chửi nhau, hôm nay ông này mai ông khác làm admin, sao kiểm soát được! Admin chỉ được cái là có quyền xóa bài của người khác”.

Hỏi anh từng dùng tư cách admin xóa bài admin khác chứ, lúc đầu anh bảo không nhớ, sau đó khoe: Gần đây hai lần được báo Tuổi Trẻ nhờ, cho nên đã xóa giùm hai bài bêu xấu báo này. 
“Anh quản trị ba chục diễn đàn, là những cái nào?”. “Bận lắm không nhớ được, thời gian đâu mà để ý. Có người còn quản lý 3.000 diễn đàn chứ ba chục là gì! Bây giờ đầy nơi chửi bới, như Góc nhìn Báo chí Công dân chủ yếu lập ra để chửi Đảng, nhà nước, lãnh tụ, chửi mọi thứ, nếu admin P.L phải đi tù thì có mà tù 70 lần! Nên báo Tiền Phong định kiện là rất buồn cười”.

“Diễn đàn Độc giả Trẻ của anh chửi Đảng, Nhà nước, lãnh tụ, và muốn chửi ai thì chửi cũng không sao đúng không?” “Ai chửi người ấy chịu trách nhiệm! Anh chị không chơi FB nên không hiểu thôi”. “Vậy là diễn đàn của anh mạnh ai nấy post, giả sử có người post bài động đến anh và người thân, mà không ai lọc thông tin thì làm thế nào?”.

“Cơ chế hiện nay thông tin độc hại đầy! Những người làm nghề quản lý mạng như ông T.L (một quan chức của Bộ TT&TT) mà còn phải chịu bị bêu xấu, làm gì được nhau. Có kiện thì đi mà kiện thằng Facebook ấy! Đảng, Nhà nước, nguyên thủ còn chả kiến nghị được ông P.L xóa bài trên Góc nhìn Báo chí Công dân, nữa là người bình thường!”.

Đây là vụ việc của báo Tiền Phong- cơ quan báo chí chính thống, thế còn những người thấp cổ bé họng ở tỉnh lẻ, thậm chí không có cả điện thoại thông minh và không tham gia mạng xã hội, họ biết làm gì nếu bị vu khống bôi nhọ? “Thì phải chịu thôi. Xã hội bây giờ nó vận hành như thế! Bản thân tôi cũng bị nói là chuyên tống tiền, bị tay Người Buôn Gió gọi là dư luận viên, nó viết thế tôi cóp luôn về nhà tôi chứ ngán gì. Bị nói thì lên FB nói lại, không có FB thì phải chịu. Dùng giang hồ để xử lý cũng là một cách”. 

Chúng tôi lại ngù ngà ngù ngờ, thắc mắc (đúng như anh nói- không biết gì về mạng nên mới thế): “Có những người lợi dụng quyền admin để đưa thông tin xấu độc, tổn hại uy tín, sự nghiệp của tổ chức hoặc cá nhân nhưng các thành viên quản trị khác không hề bắt trưng bằng chứng?”. “Sức anh chị một ngày biên tập bao nhiêu bài mà phải đi biên tập bài không liên quan đến mình?”.

“Nhưng nếu tôi làm quản trị viên thì tôi nghĩ mình ắt phải chịu trách nhiệm đấy”. “Anh chị có nick ko, tôi ad luôn nhé, để chịu trách nhiệm về việc người khác làm. Anh chị không có nhu cầu tôi cũng ad, báo Tiền Phong mấy trăm phóng viên, đêm nay tôi ad toàn bộ làm admin mà không cần ai đồng ý, kể cả ông tổng biên tập!”. “Thế anh cũng không có nhu cầu nhưng bị ép làm admin à? “Tôi chả quan tâm”. Vân vân. Cứ thế.

“NƯỚC MÌNH NÓ THẾ” VÀ ĐỀ TÀI “HOT” CỦA BÁO CHÍ

Từ vụ việc hy hữu của báo Tiền Phong năm ngoái, dẫn đến đề tài “rất báo chí” về mạng xã hội, chúng tôi thoạt tiên dặn đồng nghiệp, nửa đùa nửa thật rằng: “Nhớ là đi làm việc ở phường, quận mà người ta bắt trình chứng minh thư thì đừng nhé, và chớ có cho ai bê giấy tờ công vụ đi đâu, kẻo làm mồi ngon cho mạng xã hội”. 

Cả nước đang xôn xao với vụ các quan thanh tra đi kinh lý rồi mắc kẹt ở Vĩnh Phúc. Nhân ngồi viết bài này, lại liên tưởng một chút đến những thanh tra cỡ nhỏ hơn, cũng góp phần làm xói mòn niềm tin của dân chúng. Tai tiếng lâu rồi. Cả cách giải quyết vụ việc kiểu như phường Phạm Đình Hổ và quận Hai Bà Trưng nữa, tiêu biểu cho cung cách mà chúng ta vẫn nói: “Nước mình nó thế”. Số là sau loạt 5 kỳ trên báo Tiền Phong, cấp trên có công văn chỉ đạo xử lý cán bộ và công trình vi phạm nhưng cấp dưới thì muốn ỉm đi, để lâu cứt trâu hóa bùn.

Còn mạng xã hội, nơi mà nhiều người đang say sưa ăn ngủ cùng nó! Ích lợi của mạng xã hội ai cũng thấy, còn mặt trái? Không chỉ nhà văn Lê Minh Khuê nhận ra: “Mạng xã hội rất hợp tính cách người Việt! Nó không khắc chế được bản tính hoang dã của nhiều người, mà lại tạo điều kiện cho sự hoang dã, bạt mạng đó”. Không hiếm khi chúng ta thấy mạng xã hội làm con người ác lên đồng thời hèn đi. Người ngay sợ kẻ gian, nếu anh chỉ “ngay” mà không đủ dũng khí, sức mạnh. 

Một tháng sau loạt bài khởi sự về mạng xã hội năm ngoái, dự tọa đàm của Bộ TT&TT quanh dự thảo “Bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội”, chúng tôi thấy anh nhà báo vốn là admin của những ba chục diễn đàn trên kia, lên đăng đàn dạy dỗ về ứng xử trên mạng! Anh cũng chính là loại đối tượng mà một quan chức cấp Cục của Bộ TT&TT, ta thán trong tọa đàm: “Có những người lên mạng, không nói tục không xong”. Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc thì tham luận về một số vấn đề, trong đó có: “Chúng tôi biết nhiều nhà báo tạo một thứ quyền lực trên mạng xã hội nhưng thường đưa thông tin không đúng, vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm”. Thế mà như đã nói, ung dung đứng đó góp ý cho Bộ! Đã bảo, nước mình nó thế. 

Kỳ cuối bài Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội chúng tôi có hẹn rằng đây chỉ là bước khởi sự, và “sẽ còn trở lại để lên tiếng về mạng xã hội và hệ lụy của nó, hy vọng thêm tia nắng giúp không gian sống của chúng ta được trong lành hơn”. Đương nhiên rồi, ít ra trong vài năm tới, mạng xã hội vẫn là mảng đề tài xứng đáng để báo chí đào sâu.