Đồn đoán được đẩy lên cao trào khi xảy ra vụ người đàn ông bị cắt cổ trên chiếc xe Lexus sang trọng rạng sáng 14/2 vừa qua (đúng Ngày Tình nhân, Valentine), chết ngay cạnh cổng nhà này.
Hình thù kì quái
Lần đầu tiên tôi nghe nói về ngôi nhà ở Kim Mã này là tận tỉnh miền trung Hà Tĩnh mấy năm trước, từ những người đi lễ đền ông Hoàng Mười. Hôm ấy, một chị ngoại tứ tuần trong đám lễ bảo có nghe vợ giám đốc một Cty ngoài Hà Nội thao thao kể ngôi nhà bỏ hoang hàng chục năm nay.
Ít nhất, theo lời chị ta, có một người đàn ông ngoại quốc và một cô gái người Việt bỏ mạng trong ngôi nhà nằm ở hai mặt phố, giữa ngã tư trên con phố đẹp nhất Hà Nội.
Chị kể tiếp, sau đó, một Cty đến thuê lại làm trụ sở. Không rõ vì lý do gì, họ phải bỏ đi. Sau đấy còn có một Cty khác nhảy vào. Chưa trụ được một năm, lỗ chổng vó, Cty cũng âm thầm rút.
Ngôi nhà được đánh số 300. Giáp phía bên đường Kim Mã là trụ sở của cơ quan ngoại giao đoàn. Đối diện bên phố Vạn Bảo là tòa nhà của đại học RMIT lúc nào cũng tấp nập.
Ban đêm ánh đèn vàng vọt từ chiếc bóng đèn tròn duy nhất treo trước hiên của ngôi nhà số 300 hắt ra càng khiến nó trở nên lạnh lẽo âm u. Hai cánh cổng sắt im ỉm gỉ hoen. Ban ngày thi thoảng từ bên ngoài nhìn vào cũng thấy một người đàn ông cao tuổi chăm sóc mấy chậu cây cảnh.
Bác ơi cho cháu hỏi nhờ một tí. “Lại hỏi chuyện ấy à. Không tiếp đâu”, dừng tay xới đất, người đàn ông nói nhỏ nhẹ rồi lại lúi húi làm việc. Dường như tiếng ồn ào của xe cộ hay những ánh mắt tò mò của ai đó nghé qua chẳng làm ông bận tâm.
“Mấy ông bảo vệ trước không hiểu sao lại xin nghỉ. Thỉnh thoảng họ vẫn đến đây uống nước chè. Có mỗi bác bảo vệ lần này, chắc là cao vía nên không sao. Đêm xuống nhìn vào nhà cứ lạnh cả người”, chị bán hoa quả rong góp chuyện.
“Ma mãnh gì, ma ở cái đầu người ta đấy. Đơn giản là chủ nhà giàu quá, chưa sử dụng đến chỗ này thôi. Họ mà bán, có tiền tôi cũng mua về ở”, chị bán nước chè ngay cổng mắng khi chúng tôi hỏi.
Nhà 300 có hai cổng một chính một phụ đều quay ra đường Kim Mã, luôn đóng chặt. Ngôi nhà được chia thành ba khối, xây theo hình chữ U. Khoảng trống ở giữa là hành lang chạy thẳng vào phía trong một khối nhà.
Hành lang có mái che bê tông hình hộp với bốn cột trụ lớn. Nằm vắt ngang phía trên hành lang này là mái che, nối đầu hai khối nhà còn lại. Mái che là một hình hộp sáu cạnh. Hai khối nhà bên có bốn cửa vào.
Toàn bộ tòa nhà cao hai tầng, tường bên ngoài được trát bằng đá rửa, một phong cách xây dựng những năm đầu 90 thế kỷ trước.
Cái khối hình chữ nhật được đỡ bằng bốn trụ xi măng theo dân mê tín là hãm. “Trông như cái cái quan tài có bốn người đang khênh”. Mặt chính ngôi nhà hướng ra đường Kim Mã, toàn bộ một bên hông nhà chạy dài trên phố Vạn Bảo.
Cổng giáp trụ sở ngoại giao đoàn chính là nơi người đàn ông bị cắt cổ trên chiếc xe lexus chết. Khi cơ quan điều tra làm rõ vụ án xảy ra nơi khác, nạn nhân đi đến đây mới tắt thở cũng là lúc những bộ não vốn hay đưa chuyện lại được dịp phán tiếp về nhà 300 bỏ hoang.
Thêu dệt trên internet
Ngay sau khi vụ giết người đầy tình tiết bí ẩn và éo le lôi kéo dư luận kết thúc điều tra cũng là lúc chuyện ngôi nhà hoang lại nóng.
Ầm ĩ nhất là cư dân mạng với những câu chuyện được thêu dệt ly kỳ. “Hôm trước báo đăng nhận ngay ra cái xe lexus nằm ngay gần đấy, lại còn chụp góc xéo nhìn được cả 300 Kim Mã chứ, chả hiểu có ý đồ gì không nữa”, nick có cái tên toctochan thể hiện cái nhìn thám tử.
Còn trên một diễn đàn khác thành viên có nickname ngasocola gợi chuyện: “Tớ mới được nghe đứa bạn kể về số nhà 300 Kim Mã, không ai có thể ở trong nhà đó. Các công ty trong và ngoài nước đã thuê để làm văn phòng ở đó cũng không thể ở được”.
Câu chuyện càng gợi tò mò hơn khi có thành viên chia sẻ thông tin: “Mình nghe ngôi nhà đó trước cũng được mấy công ty thuê làm văn phòng. Nhưng không hiểu sao cứ sáng đến mở cửa là thấy bàn ghế bị xếp chổng ngược lên trời, kể cả những cái bàn họp rất to cũng bị. Rồi tối đến bên trong có những tiếng động rất lạ. Ngày nào cũng bị như vậy nên các công ty sợ quá, chả ai dám thuê nữa.”
“Bạn em học trường Amsterdam (sinh năm 85) một lần cũng tò mò nhảy vào ngôi nhà đó (đi cả hội), rồi hò hét là lá la. Làm gì có ma. Hôm sau bị xe bus cán vỡ xương chậu nằm bất động sáu tháng. Hic, hi vọng chỉ là trùng lặp thui”, nick meyeuemchot.
Trước khi bài báo này lên khuôn, dân mạng còn lan truyền ngôi nhà đã được một công ty nước ngoài thuê. Tuy nhiên chủ nhân của nó còn phải mời một thầy địa lý cao tay bên Trung Quốc sang chấn trạch mới vào làm việc.
Chủ nhà chưa tiếp quản?
Phóng viên Tiền Phong mở cuộc truy tìm nho nhỏ chủ nhân đích thực của nó. Nhưng dường như vẫn chưa có được câu trả lời thỏa mãn.
Theo UBND Phường Kim Mã, nhà số 300 thuộc khu vực quản lý của phường. Nhưng một cán bộ cho biết, cũng chỉ nghe nói đó là nhà của một cơ quan ngoại giao chứ chưa có bất cứ hồ sơ, giấy tờ nào trong tay chứng minh điều đó.
Anh Cường, cán bộ địa chính của phường Kim Mã, cho biết, về công tác ở đây 10 năm, anh vẫn thấy ngôi nhà đó như vậy.
Mới đây phường làm công tác kê khai nhà đất theo Chỉ thị 31 của Chính phủ, không thấy bên ngoại giao đoàn kê khai. Bản thân phường cũng đang rất muốn có tài liệu để làm báo cáo với UBND quận về tình hình quản lý và sử dụng nhà ở trên địa bàn phường, trong đó có số nhà 300 Kim Mã.
Trên địa bàn phường Kim Mã có mấy khu nhà của đại sứ quán nhưng không thuộc quyền quản lý của phường.
Vẫn theo cán bộ phường, cái chính là không được phép vào. “Nếu vào được, chúng tôi sẽ kiểm tra xem đơn vị nào đang quản lý sử dụng. Nghe nói có đơn vị đến thuê nhưng, từ đợt tôi về đây làm, chưa có đơn vị nào”, anh Cường nói tiếp. “Tôi cũng không nắm được thời gian bỏ không bao lâu. Chỉ biết từ những năm 1990 đã thấy nhà không sử dụng”.
Anh Cường cho biết thêm, vừa rồi, UBND TP Hà Nội có đề nghị hoàn tất hồ sơ địa giới hành chính, về việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn phường .
Hiện thời trong hồ sơ không có bất kỳ tài liệu nào về ngôi nhà số 300 nên đang gửi công văn sang lấy ý kiến của ngoại giao đoàn. Đất của đại sứ quán, muốn vào cũng không được, nói gì đến việc đo đạc ngôi nhà.
Xác minh thông tin này, ông Đặng Thành Công, Phó Chủ tịch UBND Phường Kim Mã, cũng cho hay, những gì ông nắm được về nhà 300 Kim Mã là của đại sứ quán Bulgaria.
Theo nguyên tắc ngoại giao, đại sứ quán thuộc lãnh thổ riêng, chính vì vậy chính quyền sở tại như cấp phường, cấp quận không nhiệm vụ không được vào.
Liên hệ với chính quyền địa phương, có chăng, chỉ để họ xin xác nhận danh bạ, còn quản lý sử dụng hay giao cho ai quản lý, quản lý như thế nào thì thuộc cấp trên.
Vẫn theo ông Công, phường đang nhận được chỉ đạo của quận giao tìm hiểu thêm điều này. Hiện tại phường không có bất cứ tư liệu gì để cung cấp.
“Giờ chẳng may có va chạm, tranh chấp gì với dân mà ra hỏi giấy tờ sử dụng của ngôi nhà 300 đó đâu thì chúng tôi cũng không biết, bởi vì thẩm quyền của chúng tôi chỉ đến vậy”, ông Công nói.
Nhân viên phục vụ bên Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, anh Trần Đức Tâm, cho hay, do một số nguyên nhân liên quan đến thủ tục nên ĐSQ Bulgaria chưa sử dụng ngôi nhà 300 Kim Mã. Chính vì thế Cục chưa có quyền quản lý hành chính. “Chỉ khi nào họ có hồ sơ giấy tờ về trụ sở của đại sứ quán họ đặt tại đó, sử dụng nó, nhà 300 Kim Mã mới được chúng tôi quản lý”.
Một cán bộ phiên dịch của sứ quán Bulgary đề nghị giấu tên nói, ngôi nhà 300 Kim Mã là của ĐSQ thuê trong 99 năm. Nó được xây xong từ năm 1992, từ đó đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng vì nhiều lý do. Cũng chính vì chưa đưa vào sử dụng nên chưa nối điện nước chính thức vào đó.
“Thời gian qua, cũng có nhiều đơn vị đến muốn thuê. Nhưng đây là ngôi nhà nằm trên đất của đại sứ quán nên họ toàn quyền quyết định việc cho thuê hay không. Bảo vệ trông coi nhà cũng do ĐSQ thuê. Như vậy những câu chuyện lỳ kỳ về ngôi nhà 300 Kim Mã chỉ là tin đồn. Bởi từ ngày xây dựng nó chưa một lần được sử dụng”.
Đất lành, dữ không phải lỗi của kiến trúc
Về nhà 300 Kim Mã, TS. Vũ Văn Bằng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nghiên cứu Môi trường Tia Đất - Bảo vệ Sức khỏe, lý giải, đó là ngôi nhà đắc địa, ở vị trí rất đẹp, xung quanh là ngã ba ngã tư, lại nằm trên khu đất của ngoại giao đoàn, vừa gần với đường phố tấp nập, lại vừa có được sự yên tĩnh của khu ngoại giao đoàn, cây cối tươi tốt.
TS. Bằng nguyên là kỹ sư ngành địa chất công trình, từng có nhiều năm nghiên cứu ở Viện Địa chất, thuộc Viện KH&CN Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng từng làm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Ông cho biết thêm, về kiến trúc, ngôi nhà 300 Kim Mã nhìn từ ngoài vào không đẹp là điều ai cũng thấy, trông như cái lô cốt.
Tuy nhiên theo ý kiến của TS. Bằng, không có cơ sở để nói kiến trúc không đẹp do đất ở đó không tốt, hay có ma mãnh gì. Việc chủ nhà không ở được, hay bỏ hoang như thế, phong thủy hướng nhà, cửa nhà ra sao hay cấu trúc ngôi nhà thế nào không phải là nguyên nhân.
Nếu nói về phong thủy, yếu tố môi trường tại khu đất đó mới là trên hết. Tức là nguyên nhân không ở được có thể là do có tia đất xấu, không tốt cho sức khỏe. Nhưng “phải vào trong nhà đo đạc cụ thể về bức xạ, chứ không thể đứng ngoài bằng mắt thường lại đưa ra kết luận có tia đất xấu. Để làm được điều đó thì bản thân chủ nhà phải có nhu cầu” TS. Bằng nói.
Chia sẻ quan điểm với TS. Bằng, bà Nguyễn Thị Việt Triều, Giám đốc Công ty Tia Đất, nói ngôi nhà đẹp về mặt địa thế, nhưng kiến trúc không đẹp, hiển nhiên gây khó cho người ở. Với lối kiến trúc từ cách đây gần hai chục năm, bây giờ không còn phù hợp nữa là đương nhiên.
Tuy nhiên, theo TS Bằng, các nhà nghiên cứu năng lượng sinh học nhận định, bề mặt Trái Đất quả thực có những vùng nguy hiểm, tác động xấu đến sức khoẻ con người, gọi là vùng gây bệnh địa chất. Nếu vùng gây bệnh địa chất tồn tại trong nhà, sẽ gây tác động xấu tới sức khỏe, làm giảm khả năng miễn dịch, gây đau ốm vặt, thậm chí dẫn đến các bệnh hiểm nghèo.
Giải thích của TS Bằng về vùng xấu của trái đất là vùng có tia đất xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Tia đất là một dạng năng lượng thoát ra từ trong lòng đất và lan tỏa trên mặt đất, dưới dạng bức xạ, gọi là địa bức xạ. Có tia đất xấu, cũng có tia đất tốt.
Theo ông Bằng, người bình thường chỉ cần có mặt ở vùng xấu từ 3 – 8 tiếng mỗi ngày là cảm thấy sức khỏe giảm sút, thậm chí có thể phát sinh những bệnh hiểm nghèo.
Nếu nằm ngủ mà bụng luôn ở vị trí có tia đất xấu chiếu vào thì dễ bị viêm loét dạ dày. Nếu đầu đặt ở vùng xấu thì dễ bị đau nhức không rõ nguyên nhân, hoặc bị cao huyết áp, mất ngủ, trầm uất, trí óc kém minh mẫn. Người lớn ngồi làm việc lâu ở vùng xấu hay cảm thấy mệt mỏi, váng đầu. Trẻ em ngồi học thì khó ngồi ngay ngắn mà luôn cúi gập mình xuống.