Chuyện ít biết về những 'bảo mẫu' cho hổ ở vườn thú Hà Nội
Đều đặn 7h30 mỗi ngày, anh Nguyễn Quang Phúc - Tổ trưởng Tổ Thú dữ thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vườn thú Hà Nội lại có mặt tại chuồng nuôi hổ để cùng những công nhân khác bắt đầu ngày làm việc của mình.
Những du khách đến tham quan Công viên Thủ lệ (Hà Nội) hay còn gọi là Vườn Bách Thú đều ấn tượng bởi những chú hổ dũng mãnh với thân hình lực lưỡng nhưng ít ai biết đằng sau là cả một tổ những công nhân chăm sóc kỹ càng cho chúng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với những nhân viên tại Công viên Thủ Lệ, việc hằng ngày tiếp xúc và chăm sóc cho những chú hổ hung dữ là chuyện rất đỗi bình thường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đều đặn 7h30 mỗi ngày, anh Nguyễn Quang Phúc - Tổ trưởng Tổ Thú dữ thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vườn thú Hà Nội lại có mặt tại chuồng nuôi hổ để cùng những công nhân khác bắt đầu cho ngày làm việc của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hơn 26 năm gắn bó với công việc làm 'bảo mẫu' cho những chú hổ, anh Nguyễn Quang Phúc (52 tuổi) chia sẻ lịch làm việc của anh em trong đội bắt đầu từ 7h30 đến 16h30. Công việc cụ thể là dọn vệ sinh chuồng trại, cho ăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu ai được tận mắt chứng kiến công việc của những cán bộ nơi đây sẽ hiểu được nỗi vất vả với một tổ hơn chục thành viên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thời gian dịch COVID-19 kéo dài, anh Phúc cùng đồng nghiệp phải liên tục vệ sinh chuồng trại, phun khử khuẩn đảm bảo sức khỏe cho thú dữ tại đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm hiện có 9 cá thể hổ, đa phần thuộc giống hổ Đông Dương và chia làm 2 khu vực: Khu vực chăn nuôi hổ trưng bày và khu vực chăn nuôi hổ sinh sản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Giống với anh Phúc, chị Trần Thị Ngọc (47 tuổi) hàng ngày bắt đầu công việc của mình với việc chăm nuôi những chú hổ - những con vật mà chị luôn coi chúng như những người bạn của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi chuồng hổ ở đây được bố trí thành 2 khu vực riêng biệt, cách nhau bằng bức tường bêtông có cửa sắt. Cánh cửa này được thiết kế rất nặng nên các thành viên trong tổ phải huy động 2-3 người kéo bằng hệ thống tời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu trước là nơi hổ vui chơi và tắm nắng để cho khách tham quan nhìn ngắm, phía sau là chỗ ăn, ngủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng ngày, tổ chia ca dọn vệ sinh 'buồng' ngủ sau khi lùa hổ ra khu trước. Nhân viên phải khóa cửa cẩn thận trước khi dọn rửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Ngọc cho biết hơn 20 năm nay công việc của mình là tắm rửa và chăm sóc cho những chú hổ. Những ngày đầu khi mới đến làm việc tại công viên chị cũng gặp khá nhiều khó khăn vì sợ nhưng dần chị thấy quen và càng yêu thích công việc của mình hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khoảng 9 giờ 30, các cán bộ lại lựa chọn thịt bò tươi và xương trong những chiếc rổ rồi tỉ mẩn cân theo khẩu phần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thông thường tiêu chuẩn dành cho mỗi cá thể hổ là 5kg thịt và 1kg sườn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiện Vườn thú Hà Nội có khoảng 9 cá thể hổ. Trong đó cá thể nhỏ tuổi nhất là 3 tuổi, già nhất 16-17 tuổi, (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Việc chuẩn bị thức ăn cho những chú hổ rất kỳ công. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài thức ăn như thịt bò, sườn... những chú hổ còn được các cán bộ tại đây bổ sung thêm vitamin cho mỗi khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
10 giờ là thời điểm những chú hổ bắt đầu ăn. Hổ chỉ ăn một bữa mỗi ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Lê Thu Hà là bác sỹ thú y duy nhất ở đây. Chị Hà tâm sự, việc chăm sóc các cá thể hổ vừa là niềm vui nhưng cũng nhiều khó khăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng ngày chị phải kiểm tra tất cả các cá thể từ sáng sớm xem có bất thường như uể oải hay bỏ ăn không. Nếu cá thể nào có hiện tượng lạ phải báo cáo lãnh đạo, kết hợp với các đồng nghiệp để điều trị phù hợp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thời gian đầu mới vào làm, chưa quen việc, thỉnh thoảng đến gần chuồng, thấy hơi lạ hổ gầm lên khiến chị giật bắn, hoảng hốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy nhiên sau hơn 10 năm gắn bó tại đây, chị Hà lại cảm thấy thân thuộc, tình cảm dành cho những chú hổ ngày càng nhiều. Ngày nào cũng phải nhìn thấy những chú hổ khỏe mạnh chị mới yên tâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mùa hè, các chú hổ được trang bị hệ thống quạt hơi nước để đảm bảo nhiệt độ. Mùa đông có quạt sưởi giữ ấm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Việc thường xuyên tiếp xúc với thú dữ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cán bộ chăm sóc đều phải thực hiện nghiêm túc quy tắc, khi đã bước chân vào chuồng thú luôn ghi nhớ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không đứng sát chấn song, cẩn thận khi kéo cửa thả thú làm vệ sinh khu trong và khu trưng bày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Họ thường xuyên kiểm tra chuồng, hệ thống cửa, song sắt xem có bị hỏng hóc thì phải kịp thời gia cố, sửa ngay. Bởi chỉ cần một chút bất cẩn là tai nạn có thể ập đến. Khi làm việc, họ luôn để mắt tới nhau, người này khóa cửa, người kia kiểm tra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi đây hiện đang nuôi một cá thể hổ trắng Bengal. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những 'bảo mẫu' tại đây đều tự nhủ với nhau chăm sóc hổ phải có tâm mới gắn bó được với nghề. Đôi khi việc chăm sóc những chú hổ còn hơn cả bản thân họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi một chú hổ ốm không chịu ăn, từ ban giám đốc đến anh em công nhân đều lo lắng. Nhiều khi các cán bộ phải trải chiếu, ăn ngủ ngay cạnh chú hổ, dỗ cho chúng uống từng miếng nước, thức ăn. Đây là những kỷ niệm mà những người 'bảo mẫu' cho 'ông ba mươi' không bao giờ quên được. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Link bài gốc: https://www.vietnamplus.vn/mot-ngay-cua-nhung-nguoi-cham-soc-ong-ba-muoi-o-vuon-thu-ha-noi/769822.vnp