“Chúa sơn lâm” trong vườn thú

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu ví Vườn thú Hà Nội (Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội) như một khu rừng của muôn loài, thì những du khách đến đây tham quan khó có thể bỏ qua việc quan sát loài động vật được gọi là “chúa sơn lâm”. Với những “chúa sơn lâm” này trong vườn thú, có những câu chuyện còn ít được biết…

Gắn bó cùng “mãnh hổ”

Tôi đến Vườn thú Hà Nội để tìm hiểu về những “chúa sơn lâm” đang sống tại đây. Dịp này, do đại dịch COVID-19 nên vườn thú không nhiều khách đến tham quan.“Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên vườn thú có lúc phải đóng cửa, nhưng việc chăm sóc các loài vật tại đây vẫn phải tiến hành bình thường”- anh Đức Quang, bác sĩ thú y Vườn thú Hà Nội cho biết.

Đợt này, Vườn thú Hà Nội đang cải tạo, xây dựng một số chuồng trại để tạo không gian tốt hơn cho một số loài vật, trong đó có các “chúa sơn lâm”. Anh Đức Quang đưa tôi vào nơi ở tạm của một số con hổ để được quan sát gần hơn loài mãnh thú này. Tại đây, tôi gặp chị Trần Thị Ngọc, một công nhân từng gắn bó, chăm sóc hổ hơn hai mươi năm. Lúc này, chị Ngọc đứng gần một con hổ lớn, nói chuyện với nó như người bạn. Con hổ trông to lớn, hung dữ, nhưng lại tỏ ra thân thiện với chị Ngọc.

Chị cho biết, chú hổ đực này tên My, thuộc loại to lớn và già tuổi nhất trong số những con hổ đang sống tại vườn thú. “Hổ My sinh năm 2003, nặng gần 200kg, là hổ Đông Dương, một loài hổ đẹp và quý hiện nay”- chị Ngọc cho hay. Rồi qua câu chuyện của anh Quang và chị Ngọc, tôi được biết hổ My có mẹ là Lâm Nhi, một con hổ gắn liền với câu chuyện nổi tiếng cách đây hơn hai mươi năm.

Đó vào năm 1998, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện và ngăn chặn một vụ buôn bán động vật hoang dã. Trong số tang vật thu giữ có một chú hổ cái con, nặng khoảng 30kg, bị thương khá nặng do mắc bẫy của thợ săn. Do bị đau, lại thèm sữa lẫn nhớ mẹ, nhớ rừng nên hổ con kêu gào thảm thiết.Chú hổ lập tức được đưa đi cứu chữa.Sau một thời gian dài chăm nuôi thành công, chú hổ này được kiểm lâm Thừa Thiên-Huế tặng cho Vườn thú Hà Nội để tiếp tục nuôi dưỡng.

Những ngày đầu về Vườn thú Hà Nội, chú hổ cái non này được đặt tên là Huế Mi. Sau đó, báo Hoa Học Trò (nay sáp nhập về báo Tiền Phong-PV) đã tổ chức cuộc phát động đặt tên cho chú hổ con này. Qua hàng ngàn cái tên được gửi đến Ban Tổ chức, cuối cùng tên hổ Lâm Nhi được chọn. Đến năm 2003, Lâm Nhi đã sinh được hổ My, trở thành một sự kiện khi lần đầu tiên tại Việt Nam, một con hổ Đông Dương sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Đến khi trưởng thành, hổ My lại được phối giống để sinh sản. Một số con của nó hiện sống tại Vườn thú Hà Nội.

“Chúa sơn lâm” trong vườn thú ảnh 1

Chị Ngọc chăm sóc Bống và Bi. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Cạnh chuồng của hổ My có hai con hổ non là Bống và Bi, trước đây cũng được giải cứu khi lực lượng chức năng bắt được đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Khi đó, Rừng Quốc gia Cúc Phương đã tặng hai chú hổ này cho Vườn thú Hà Nội. Lúc nhận về, hai chú hổ con được gần 4 tháng tuổi, nặng tầm 12kg, khá hung dữ, không cho người chăm sóc lại gần. Chị Ngọc cho biết, vì là thú dữ, nên việc chăm sóc hổ cũng cần đến bản lĩnh.Khi hổ còn nhỏ, do tiếp xúc trực tiếp với nhau nên có lúc bản năng trỗi dậy, Bống hoặc Bi cũng rình và chộp người chăm sóc.

Vì hổ còn nhỏ nên cú chộp theo kiểu vồ mồi ấy không gây thương tích, chỉ tím hoặc xước da người chăm sóc. Rồi lúc lớn, mọc răng nên thỉnh thoảng hổ lại đùa nghịch và cắn người chăm sóc. Có lần do phản xạ chậm hơn, chị Ngọc cũng bị Bống và Bi cắn. Khi đó chị không quát mà chỉ mắng yêu: “Sao lại cắn mẹ”. Hai chú hổ dường như hiểu ra, vội lủi đi chỗ khác, sau đó len lén lại gần dụi đầu vào tay chị Ngọc như hối lỗi. “Tuy là loài thú dữ, nhưng hổ cũng có tình cảm.Khi mình chăm sóc các bạn ấy bằng tình cảm, các bạn ấy cũng sẽ có tình cảm với mình”- chị Ngọc chia sẻ.

Các loại thịt trước khi cho ăn đều phải rửa sạch để hổ không bị ảnh hưởng về tiêu hóa, ngoài ra cho mỗi con hổ ăn 20gam muối/ngày. Nuôi thú, đặc biệt là thú dữ do không thể lại gần khám bệnh, nên thường phải quan sát để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hiện trên phòng Kỹ thuật và dưới khu chăn nuôi đều có sổ nhật ký cập nhật tình hình sức khỏe, việc điều trị của từng loại động vật, chim cảnh… trong Vườn thú.

Bù đắp nỗi nhớ rừng

Hằng ngày, cứ 10 giờ sáng, tổ chăm sóc thú của chị Ngọc lại cho hổ ăn. Đây là bữa ăn duy nhất của các “chúa sơn lâm” trong ngày. Khẩu phần ăn mỗi ngày của hổ trưởng thành là 5kg thịt bò, 1kg sườn, 0,5 kg gan. Nhưng hổ chỉ ăn 6 bữa trong tuần, còn một ngày nhịn để tăng tính thèm ăn của hổ, đồng thời cũng gần với thực tiễn hơn vì sống trong môi trường tự nhiên không phải ngày nào hổ cũng săn được mồi. Đối với hổ nhỏ, như Bống và Bi trước đây, khẩu phần ăn hằng ngày là 1,5kg thịt bò, 0,5kg sườn, một con gà trọng lượng 1,5kg. Khẩu phần này có thể chia, cho ăn bữa chính vào 10 giờ sáng, còn lại ăn nhẹ vào buổi chiều. Hiện nay Bống và Bi đã được hơn hai tuổi, nặng 100kg, nên từ lâu theo quy định người chăm sóc không được tiếp xúc trực tiếp để bảo đảm an toàn.

Ông Phạm Đình Mạnh, trưởng phòng Kỹ thuật Vườn thú Hà Nội cho biết, tại Vườn thú hiện có 10 cá thể hổ, trong đó chủ yếu là loài hổ Đông Dương (như hổ My, Bống và Bi…), ngoài ra có thêm cá thể hổ A-mua và hổ trắng (là đột biến gen của loài hổ Bengal). Hổ Đông Dương có màu vàng tươi, dáng thon đẹp, là loài hổ quý hiện nay.

Chứng kiến cảnh chị Ngọc cho hổ ăn, tôi ngộ ra sự thân thiện giữa người chăm sóc và “chúa sơn lâm”.Mến chị Ngọc, nên Bi và Bống cứ ghé sát miệng vào rào sắt để bày tỏ tình cảm trước khi ăn. Khi đó, tay của “mẹ” Ngọc chạm vào râu của chúng một cách tự nhiên. “Khi hổ bị ốm, chúng tôi thường rạch thịt để nhét thuốc vào trong rồi cho chúng ăn.Có lúc phát hiện thuốc đắng, hổ tỏ thái độ nhè thịt không ăn. Những lúc như thế, chúng tôi lại phải chọn loại thực phẩm mà con hổ này thích ăn nhất để “lồng” thuốc vào. Còn khi tiêm, do không thể lại gần, chúng tôi thường dùng ống thổi để “bắn” mũi tiêm vào cơ thể hổ. Khi đó chúng bị đau, thường lồng lên. Kim trên mình hổ một lát sau sẽ tự rụng xuống”- anh Đức Quang cho biết.

“Chúa sơn lâm” trong vườn thú ảnh 2

Chị Ngọc chăm sóc Bống khi còn nhỏ. (ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP)

Trò chuyện với các nhân viên trong Vườn thú Hà Nội, tôi được biết khi sống trong điều kiện nuôi nhốt, không tránh khỏi có những lúc các “chúa sơn lâm” nhớ rừng. Mỗi lần như vậy, khi một con gầm vang, những con khác cũng gầm lên đáp trả, tạo ra thứ âm thanh đặc trưng của núi rừng.

Do việc nuôi nhốt không được như tự nhiên, nên phải cố gắng làm sao để hổ được sống trong điều kiện khả dĩ nhất, bù đắp cho chúng nỗi nhớ rừng. Trong chuồng bố trí những khúc gỗ để hổ cào móng, thỉnh thoảng có thể vần theo kiểu vồ mồi để chúng giải phóng năng lượng, giảm bớt căng thẳng. Hổ cũng thích tắm, nên ngoài việc làm bể nước trong chuồng, thỉnh thoảng cũng cần dùng vòi phun để tắm cho hổ…

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.