Chuyển hồ sơ 4 dự án thua lỗ, yếu kém sang Bộ Công an

TPO - Về công tác điều tra, theo Bộ Công Thương, đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sau lỗ triền miên, xơ sợi polyeste Đình Vũ “khởi động lại”?

Không cấp thêm vốn

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Quan điểm được đưa ra là, kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, mục tiêu sẽ là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020: Hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (gồm Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung). 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS).

Đối với 3 dự án, doanh nghiệp trước đây bị dừng sản xuất, trước tiên phải kể đến dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đây là dự án đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại từ tháng 5 năm 2014. Tuy nhiên, nhà máy liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng cao hơn giá bán sản phẩm.

Sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến tháng 4/2018, với sự quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Tập đoàn PVN, Chủ đầu tư Dự án và các đơn vị liên quan, Dự án nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ đã khởi động lại được một phần với việc vận hành lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament.

Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng. Tháng 5/2018, nhà máy đã tiêu thụ được 67 tấn sản phẩm. Dự kiến đến tháng 12/2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Ngoài ra, ngày 27 tháng 4 năm 2018, PVTex đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác sản xuất kinh doanh và vận hành Nhà máy với liên doanh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài với mục tiêu sẽ ký kết Hợp đồng hợp tác trong tháng 7 năm 2018 làm cơ sở điều động chuyên gia nước ngoài, cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đưa Nhà máy vận hành lại hoàn toàn vào tháng 12 năm 2018.

4 dự án chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Về công tác điều tra, theo Bộ Công Thương, đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “Cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex)”, trong đó có các sai phạm liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với 2 dự án (Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi), sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An tiếp tục thụ lý, xác minh các dấu hiệu sai phạm. Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố vào cuối quí II năm 2018.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.

Về giải pháp, phía Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành sản xuất trong nước. Tập trung vào các giải pháp chung về đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm nhiên liệu sinh học, phân bón, thép, đóng tàu; các giải pháp về áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ và quyền lợi của các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực phân bón, thép, xơ sợi...