Chuyên gia nói gì về cà-vẹt ô tô sai tiếng Anh?

Trước phản ứng của dư luận về dùng sai tiếng Anh trong cà-vẹt ô tô, Cục CSGT phản hồi sẽ tiếp thu để chỉnh sửa; riêng những người dùng cà-vẹt cũ thì không cần thay đổi.

Mới đây, mạng xã hội đang xôn xao hình ảnh cà-vẹt ô tô đang lưu hành sử dụng từ "sit" trong tiếng Anh để chỉ "số chỗ ngồi".

Một số người cho rằng dùng "sit" trong trường hợp này có thể "du di" hiểu được. Trong khi đó, nhiều người nêu ý kiến "không thể chấp nhận được việc giấy tờ do cơ quan nhà nước phát hành lại sai chính tả".

Theo một chuyên gia ngôn ngữ của Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, trong trường hợp này, việc sử dụng từ "sit" là không chính xác.

Cụ thể, về ngữ nghĩa, "sit" được dùng để diễn tả khi bạn ngồi ở đâu đó hoặc để (người nào đó) ở tư thế ngồi. Đây là động từ, trong khi đó "số chỗ ngồi" ở trường hợp này phải dùng danh từ để biểu thị. Như vậy, thay vì "sit", dùng từ "seat" hoặc "seating capacity" mới đúng.

Một mẫu cà-vẹt ô tô do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cấp (cũ), đang được lưu hành.

Cũng theo đối chiếu của phóng viên, việc sử dụng "số chỗ ngồi (sit)" này xuất hiện trên cả cà-vẹt cũ và mới lưu hành hiện nay. Không chỉ có cà vẹt được cấp tại TP HCM mà cà-vẹt ô tô ở nhiều tỉnh, thành cũng xuất hiện tương tự vì sử dụng chung phôi cà-vẹt từ Cục CSGT (Bộ Công an).

"Seat" được sử dụng trên sổ đăng kiểm ô tô.

Trong khi đó, trên sổ đăng kiểm của phương tiện thì "số chỗ ngồi" được dùng là "seat".

Liên quan đến vấn đề này, thượng tá Phạm Việt Công, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết việc sử dụng "sit" hay "seat" trên cà-vẹt ô tô như dư luận đang tranh cãi có thể do cách dịch nghĩa. Hiện đơn vị đã nắm được thông tin và sẽ thực hiện rà soát lại để sửa chữa cho phù hợp.

"Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát tổng thể, cái nào chưa chuẩn chúng tôi sẽ tiếp thu để chỉnh sửa theo tinh thần phù hợp cải cách hành chính, dịch vụ công" – thượng tá Công nói.

Vị này cũng khẳng định, trong trường hợp cà-vẹt mới có chỉnh sửa, thay đổi thì những người dùng cà-vẹt cũ cũng không phải đổi.

Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/chuyen-gia-noi-gi-ve-ca-vet-o-to-sai-tieng-anh-20220213181732813.html

Theo Người Lao Động