Chuyên gia Nhật Bản tham vấn lập bản đồ cảnh báo sạt lở ở Đà Lạt

TPO - Sau khi khảo sát một số khu vực sạt lở đất tại TP Đà Lạt, đoàn chuyên gia Nhật Bản đề xuất nên thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm ở những vùng có nguy cơ sạt lở.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát hiện trường vụ sạt lở ở hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám.

Ngày 19/7, đoàn chuyên gia Nhật Bản làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt nhằm đánh giá nguyên nhân và tham vấn biện pháp phòng ngừa sạt lở đất.

Đoàn gồm các ông Takami Kanno, Numakunai Makoto và Kumagai Yuga, những kỹ sư địa chất có nhiều kinh nghiệm khảo sát địa vật lý và đo đạc.

Chuyên gia Nhật Bản làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt.

Ông Takami Kanno - Trưởng Văn phòng đại diện Cty Kawasaki tại Hà Nội, thông tin: Ngày 18/7, đoàn đã khảo sát hiện trường vụ sạt lở đất khiến 2 người tử vong và 5 người bị thương tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám. Vị trí sạt lở thuộc khu vực đất bồi trên cao.

Các kỹ sư Nhật Bản khảo sát điểm sạt lở ở TP Đà Lạt.

Qua quan sát hình ảnh vệ tinh, vào các năm 2010 và tháng 4/2015, khu vực này đã xảy ra sạt lở nhỏ; đến tháng 4/2022 có công trình đắp đất xây dựng.

Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia Nhật Bản, vụ sạt lở ta luy khiến khoảng 20.000m3 đất đá chảy xuống từ đỉnh đồi. Nguyên nhân là do mưa lớn khiến lượng nước quá nhiều, không thoát được nên kéo theo đất đá chảy xuống dẫn tới sạt lở; mặt khác, vật liệu xây dựng ta luy cũng không đảm bảo.

Theo các chuyên gia, trước mắt, cần xử lý đất trên đỉnh đồi để tránh tiếp tục sạt lở; phía dưới cần làm bờ chắn để ngăn đất chảy xuống, đồng thời lập rãnh thoát nước cho khu vực này.

Kỹ sư Kanno dẫn chứng một vụ sạt lở tương tự xảy ra ở Nhật Bản năm 2021 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua so sánh hình ảnh vệ tinh năm 2011 và giai đoạn 2017-2020 cũng cho thấy có việc đắp đất; đến tháng 5/2023 thì xảy ra sạt lở ở vùng đất bồi.

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ hình ảnh sạt lở đất ở Nhật để đối chứng với vụ sạt lở tại Đà Lạt.

Ông cho biết, sau vụ sạt lở nghiêm trọng đó, vào tháng 5/2023, Nhật Bản đã ban hành quy định riêng, chặt chẽ về việc đắp đất tại các khu vực nguy hiểm: Quản lý cấp phép, giám sát công trình bồi đất; tiêu chuẩn an toàn về phòng chống sạt lở đất; thiết bị, hệ thống thoát nước; vùng đất đắp lên cần được đầm cho cứng…

Một vấn đề quan trọng khác mà đoàn chuyên gia đưa ra là thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

Theo đó, căn cứ vào cơ sở dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh để phát hiện khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ đến hiện trường xác nhận tình trạng, khoan thăm dò địa chất và thường xuyên theo dõi hiện trường để kịp thời phát hiện sạt lở.

Đối với địa hình đồi núi, hiện tượng bồi đắp đất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở. Do đó, TP Đà Lạt nên thiết lập sơ đồ, bản đồ để tìm và quản lý vùng có thể sạt lở. Với khu vực đắp đất, cần kiểm tra toàn bộ, thường xuyên để tính toán độ an toàn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Xây dựng đồng tình với đề xuất lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở để kịp thời phòng ngừa, giảm trừ thiệt hại do sạt lở đất gây ra; việc xây kè chắn là hợp lý nhưng cần tính toán tới sự thay đổi của mạch nước ngầm.

Vụ sập kè ta luy dẫn đến sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Đà Lạt.

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc ghi nhận những khuyến cáo, giải pháp bước đầu mà đoàn chuyên gia Nhật Bản đưa ra sau khi khảo sát thực địa tại 3 địa điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở tại TP Đà Lạt.