Những ngày vừa qua, dư luận bàn tán về một clip dài gần 1 phút 40 giây ghi lại cảnh học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc ĐH Cần Thơ) chơi trò tập thể mang tên "chuyền thẻ qua mặt". Nhiều ý kiến cho rằng phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục.
Trò chơi được thực hiện theo cách thức một học sinh nằm xuống đất đặt tấm thẻ lên môi. Học sinh khác giới sẽ nằm đè lên người nằm dưới, đồng thời đặt môi lên tấm thẻ, cả hai sẽ lăn một vòng để giữ cố định sao cho tấm thẻ không rơi xuống.
Trò chơi này được Trường THPT Thực hành Sư phạm tổ chức vào ngày 19/8. Một học sinh của trường quay clip nhằm lưu giữ kỷ niệm. Sau đó, học sinh này đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè, với nhận thức đây là hoạt động vui chơi bình thường của học sinh.
Trò chơi vui nhưng vẫn phải mang tính chất sư phạm
Ths. Vũ Thu Hà, chuyên gia tham vấn tâm lý học đường cho rằng, khi lựa chọn trò chơi nào đó thì phải chú ý, trò chơi truyền tải thông tin kiến thức. Qua đó, học sinh có kết quả gì từ trải nghiệm đó.
Ths Hà nhấn mạnh, hoạt động trò chơi cần phù hợp với nội dung của bài học, mang tính chất sư phạm, vui nhưng phải mang tính chất sư phạm. Ở lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 thì cần cân nhắc Vì chơi như vậy các em sẽ ngại, xấu hổ khi có sự tương tác như vậy.
“Hoạt động đó quá thiên nhiều về đụng chạm đến cơ thể. Trò chơi ở mức độ vừa phải thì không sao nhưng ở mức độ kiểu như người lớn như thế này thì phải cân nhắc. Có thể nhiều người nghĩ trò chơi đó chỉ là trò đùa với các con nhưng các con sẽ nghĩ ở cách khác. Trò chơi ấy có thể thực hiện được nhưng với người lớn phù hợp hơn”- Ths Hà chia sẻ.
Cũng theo vị thạc sĩ tâm lý này, các trường có thể cho học sinh chơi trò chơi tương tác nhưng ở mức độ tương tác bằng tay, vai thay vì tương tác cả cơ thể.
“Tương tác theo kiểu bản năng của người lớn như thế là không nên dù người ta đã cố gắng không phải là như thế đấy, chúng ta phải tâm sinh lý lứa tuổi, con đang ở lứa tuổi tò mò, xẩu hổ, vô tình lúc đó không nghĩ gì đâu nhưng sau đó tạo ra cái đụng chạm nếu các con muốn. Cho học sinh chơi trò này là không nên”- bà Hà khẳng định.
Cũng theo bà Hà, chúng ta có nhiều trò chơi. Các hoạt động sẽ tìm các trò chơi khác nhau, cái nào phù hợp nhất thì chọn vì trò chơi chỉ là phương pháp truyền kiến thức, tạo ra tương tác, giúp các con phát triển vận động.
Bộ GD&ĐT: Trách nhiệm thuộc về ban giám hiệu nhà trường
Trước thông tin này, trả lời báo chí, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết ĐH Cần Thơ và Sở GD&ĐT Cần Thơ đã có báo cáo bước đầu về vụ việc. Theo đó, trò chơi này nằm trong chuỗi các hoạt động đầu năm học mới với mục đích giúp các em học sinh đầu cấp học giao lưu, làm quen với bạn bè, trường lớp và giáo viên.
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên nêu quan điểm, trường THPT Thực hành thuộc trường ĐH Cần Thơ đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng khi vận dụng trò chơi của một số nước vào trong hoạt động này. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện không đúng, máy móc, quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ khi tổ chức trò chơi để đảm bảo tính giáo dục, công tác tổ chức trò chơi chưa đạt yêu cầu.
Tất cả các trò chơi (trên mạng và trực tiếp) cũng như các hoạt động liên quan đến học sinh, sinh viên mang tính chất nhạy cảm, bạo lực… không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục toàn diện người học đều không được tổ chức trong các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT khẳng định, ĐH Cần Thơ đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng khi vận dụng trò chơi của một số nước. Để xảy ra sự việc, trách nhiệm thuộc về ban giám hiệu, đoàn trường.
“Để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về ban giám hiệu, Đoàn trường THPT Thực hành Sư phạm”- Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT Cần Thơ kiểm tra, xác minh vụ việc, làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo về Bộ trước ngày 30/8.