Chuyển đổi năng lượng xanh cho Việt Nam: Cần giải bài toán vốn và cơ chế

TPO - Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nguồn điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam hiện đã đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỉ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tại tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam” do Báo Công Thương phối hợp với Tập đoàn General Electric (GE) tại Việt Nam tổ chức, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Ông Sean Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho rằng, dù lượng công suất lắp đặt đang gia tăng nhanh chóng nhưng điện gió, điện mặt trời không phải là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng. Theo ông Sean Lawlor, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng, vốn đã thực hiện từ 2019, và chuyển đổi nhiên liệu. Tức là ngoài khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió, cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá...

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam tới đây nhanh hơn, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực phải là trụ cột.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam đang gặp thách thức khi nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống (than, thuỷ điện...) đang suy giảm nhanh chóng và việc huy động lượng vốn lớn cho quá trình chuyển đổi này không dễ dàng.

Theo tính toán nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn, lưới điện tại dự thảo quy hoạch điện VIII là gần 14 tỷ USD một năm, trong đó 75% vốn cho nguồn điện, 25% vốn cho lưới điện. Nguồn vốn này chưa tính tới thay đổi công nghệ, nhiên liệu cho chuyển đổi năng lượng. Vì thế, lượng vốn cần huy động để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững và giảm phát thải về 0 vào 2050 sẽ rất lớn.

“Để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam tới đây nhanh hơn, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực phải là trụ cột. Ví dụ, quy hoạch điện VIII tới đây sẽ ưu tiên phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi, thì cơ chế, chính sách ra sao để đạt mục tiêu này, cũng cần rõ ràng", ông Hưng nói.

Vấn đề chi phí cũng là băn khoăn của Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khi Việt Nam chuyển đổi năng lượng sang các dạng năng lượng mới hơn như biomass, amoniac hay hydrogen trong tương lai. Theo ông, các công nghệ như trên chi phí vẫn rất cao, chưa được chấp nhận thương mại.

"Có nhiều thách thức về chính sách, cơ chế để thực hiện và đảm bảo chuyển đổi năng lượng thành công nhưng chi phí phải hợp lý nhất", ông Tài Anh nói.

Cơ chế để phát triển dịch vụ phụ trợ và cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) là hai vấn đề được ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhấn mạnh khi muốn đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng để phát triển bền vững trong thời gian tới

Ông Ninh cũng lưu ý giải các bài toán liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách vận hành hệ thống và thị trường, áp dụng tính giá 1 vùng hay tính giá nhiều vùng khi muốn chuyển đổi mạnh lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Hiện tại, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỉ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện. Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than xuống còn khoảng 9,5% đồng thời phát triển điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045.