Bài viết thuộc dạng cũng đăng được trong mặt bằng bài vở hồi ấy.
Lưu ý: Nhân vật được đề cập trong bài cùng pháp danh nhưng không phải Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế trung ương (nhiệm kỳ 2022 – 2027); Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng chính là Đại biểu Quốc hội (tỉnh Điện Biên) Nguyễn Tiến Thiện khóa XV.
Số là phụ trách tờ Tiền phong chủ nhật hồi ấy, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn muốn gặp Thích Đức Thiện hỏi tôi tác giả Thích Đức Thiện là như nào? Nhà sư, hòa thượng hay một chức sắc Phật giáo? Địa chỉ ở đâu? Vv… Tôi cứ ớ ra bởi không biết. Bởi chưa kịp hỏi…
Rồi lần ấy tìm đến chùa Quán Sứ. Cũng chỉ hỏi hú họa. May sao lại trúng!
Nhà chùa nói là có. Còn hỏi thêm, có phải vị này gửi bài đăng báo không?
***
Bộ y phục nhà chùa sắc gụ đã ngả thâm choàng lấy dáng người manh mảnh. Nước da xanh. Rất khó đoán tuổi. Cái mũ chùm trên đầu.
Mở đầu câu chuyện lần sơ kiến ấy, ông thân mật bảo tôi nên gọi là sư ông, thay vì đại đức! Chả hiểu sao. Nhưng tôi cứ y tên gọi mà phụ trách nhà chùa đã giới thiệu.
…Thời điểm những năm cuối 80 đầu 90, chắc thường trực một số tòa báo ở Hà Nội đã quá quen với hình ảnh một người rất khó đoán tuổi. Khuôn hình gày gò. Khi vận nâu sồng khi thường phục. Thuở ấy chưa có phong trào đội mũ bảo hiểm, nhưng đại đức lúc nào cũng cẩn trọng tùm hum cái mũ đi xe máy. Mà cái Mobilet ông dùng đã quá cũ. Kêu pành pành.
Đại đức Thích Đức Thiện đấy! Ông đến đưa bài.
Trước khi vào chốn Thiền môn, đại đức Thích Đức Thiện có một cuộc đời cũng bình thường như nhiều chúng sinh khác. Ông từng là đại uý sĩ quan pháo binh. Có hẳn một gia thất. Một vợ hai con đùm đuề. Nhưng hình như căn tu tiềm ẩn từ kiếp nào đã tới hồi gọi, ông thu xếp cùng dọn mình cũng nhanh thôi. Ông để cái mảng trần tục ấy lại phía sau...
Trước khi vào chùa Quán Sứ, ông đã ở một vài ngôi chùa. Nhưng có lẽ ông có “duyên’’ lâu nhất với Quán Sứ.
Chẳng hay ông thụ lý giáo giới nhà Phật và đọc nhiều thứ sách cũng như sự thông làu tiếng Anh tiếng Pháp vào thời gian nào? Vị sư ông này kiến thức khá uyên bác. Ông am hiểu nhiều lĩnh vực, tất nhiên rành thạo vẫn là Phật giáo. Bài vở ông gửi cho các báo về nhiều đề tài khác nhau. Một nửa là dịch từ báo nước ngoài. Dần dà đại đức gần như là cộng tác viên (CTV) ruột của tờ Tiền Phong.
Chất giọng rủ rỉ, chuyện ông thì nghe lạ, hấp dẫn. Như khái niệm triết lý nhập thế xuất thế, nghe thì rắc rối nhưng ngồi với đại đức chỉ nửa buổi đã vỡ ra nhiều thứ.
Đại đức Thích Đức Thiện dẫn ra trường hợp sư Thiện Chiếu quê ở Gò Công. Từ nhỏ sư Thiện Chiếu đã chứng kiến bao cơ cực của đồng bào quê nhà dưới ách cai trị của chủ đất và bọn Pháp. Đang thời kỳ tu hành, sư đã bí mật hoạt động và theo Việt Minh. Sư có viết đôi câu đối dán ở cổng chùa Linh Sơn (Cầu Muối, Sài Gòn):
Phật giáo thị nhập thế phi yếm thế
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh
(Phật giáo là nhập thế chứ không phải yếm thế
Từ bi mà sát sinh để cứu độ chúng sinh)
Đại đức có nhấn nhá thêm rằng, sư Thiện Chiếu đã cân phân một cách chín chắn! Bởi theo quan điểm truyền thống Phật Giáo Việt Nam, muốn đạt đến sự giác ngộ giải thoát theo Hạnh nguyện Bồ Tát phải theo một qui trình khép kín cuả một trục tam giác Hoằng dương Phật pháp/An dân Hộ quốc/Lợi đạo ích đời.
Lại còn có một nguyên lý khác trợ duyên, đó là “Phật pháp bất ly thế gian giác” (muốn đem lại an lành cho số đông cũng không thể rời thế gian mà phục vụ).
Chuyện với đại đức khá ấn tượng. Ghé thân chốn cửa Thiền Quán Sứ này, đại đức vắn tắt, có những số phận lạ lùng... như Hòa thượng Thích Thanh Tứ, mà như đại đức nói, một vị hòa thượng nhập thế.
Lần ấy, đại đức Thích Đức Thiện giới thiệu cho tôi được gặp cụ Thích Thanh Tứ, Chánh văn Phòng Hội Phật giáo Việt Nam.
… Tôi tò mò ngắm hơi lâu vị cao tăng có sắc da màu men sứ này. Ấn tượng cụ có khoảng nhân trung khá dài. Vị cao tăng 75 tuổi kiêm đại biểu Quốc hội này vận bộ y Phật bằng lụa mịn sắc nâu đã ngả sang màu đất, đôi bàn chân được bó bằng thứ lụa màu sáng trông rất tươm tất.
Tò mò bởi khó mà hình dung được, Hòa thượng nguyên ủy là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc một đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Hưng Yên. Trần Văn Long, tên ngoài đời của Hoà thượng.
Hình như Phật cho được căn tu khá sớm? Năm lên 6 tuổi, cậu bé Long đã được gửi vào chùa Miêu Nha ngay ở làng để sớm hôm hầu hạ đèn sách kinh bổn cho sư cụ Đàm Ân trụ trì chùa. Rồi sau đó cậu bé Long rời Miêu Nha sang chùa Gia Lâm ở Kim Động. Năm 12 tuổi xuống chùa Đống Long. Chính tại đây chú tiểu Trần Văn Long đã được giác ngộ cách mạng và cái năm phá kho thóc của Nhật, Trần Văn Long đã cầm cờ Việt Minh chỉ huy đội tự vệ mấy bận cướp kho thóc chia cho dân nghèo. Rồi lại có chân trong Hội Phật giáo Cứu quốc. Kháng chiến toàn quốc, sư ông chùa Kim Động gia nhập Vệ quốc đoàn và trở thành chiến sĩ trong một đại đội chủ lực bộ đội địa phương vùng Tả ngạn Hưng Yên. Đơn vị của sư ông đã dự nhiều trận dọc đường số 5 khiến giặc khiếp đảm, rồi kiêm thêm nhiệm vụ quấy rối sau lưng địch.
Trong một trận càn của Pháp vào huyện Phù Cừ, giặc khui trúng hầm bí mật và Trần Văn Long bị bắt... Pháp đưa ông về Hưng Yên tra khảo rất dã man. Trần Văn Long vẫn lỳ chịu đòn, không khai báo.
Giặc hết đưa ông về bốt Kẻ Sặt một thời gian rồi bốt Lực Điền là những bốt kiên cố và có nhiều ác ôn khét tiếng nhưng vẫn không moi thêm ở vị sư ông trẻ ấy điều gì! Sau một thời gian giam ở “căng’’ Hải Dương, Pháp đưa ông về nhà tù Hoả Lò. Có thời gian gần một năm ông bị biệt giam ở xà lim số 1. Giữa năm 1953, chúng buộc phải thả hơn 100 người trong đó có Trần Văn Long.
Ông lại về vùng cài răng lược (nửa tề nửa tự do) của quê hương làm xã đội phó phụ trách tác chiến cho đến tháng 9 năm 1954 quê hương được giải phóng. Hoà bình, ông về chùa Gia Lâm ở Kim Động kiêm công tác Phật giáo vùng Hưng Yên rồi tỉnh Hải Hưng. Năm 1973, Hoà thượng Thích Thanh Tứ tức Trần Văn Long lên chùa Quán Sứ giữ chức Chánh thư ký Trung ương Hội Phật giáo yêu nước. Một thời gian sau kiêm luôn chức Chánh văn phòng. Rồi ngài thời gian sau được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Phật giáo VN kiêm Viện trưởng Phật giáo Việt Nam.
***
Và lạ, có một người sống xuyên hai thiên niên kỷ cũng đã từng tá túc ở chùa Quán Sứ này.
Quê vị Hòa thượng ấy mãi tận Hòn Đất, Kiên Giang. Và từng đắc đạo tại Ấn Độ. Lạ nữa, vị ấy cũng có vợ ở Ấn Độ. Vợ lại là cháu ruột Thủ tướng Ấn Độ Giaohaclan Nêru (Jawaharlal Nehru). Nhưng vị hòa thượng này đã bỏ lại mảnh đời trần tục đi Phật sự tại Campuchia.
Thế mà nghe tin Cách mạng Tháng tám thành công, vị Hoà thượng này một thời đã được tôn là “vua Phật” ở Ấn Độ đã từ Campuchia bỏ hết mọi thứ trở về nước ủng hộ Việt Minh. Hòa thượng không quên xách theo một va ly bạc và chiếc xe hơi Renaul rồi ra bưng biền tham gia kháng chiến.
Năm 1945, vị Hoà thượng đó tập kết ra Bắc về sư đoàn 328 rồi 320 dưới quyền chỉ huy của tướng Đồng Văn Cống. Rồi ông được chọn đi học trường cao cấp quân sự ở Liên Xô. Nhưng có lẽ nghề chọn người, ông theo học binh nghiệp hổng có vô! Trở về nước ông được về chùa Quán Sứ một thời gian. Nhưng có lẽ căn tu đến kỳ đã hết, nghề chẳng chọn người nữa nên ông xin ra làm chủ nhiệm một hợp tác xã xe ba gác ở bãi Phúc Xá rồi Bí thư chi bộ cho đến ngày miền Nam giải phóng. Đại đức Thích Đức Thiện cũng cho biết vị Hòa thượng có tên ngoài đời là Lưu Công Danh ấy năm ấy vẫn còn sống và đang cư ngụ ở thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Nghe chuyện tôi háo hức bạch với đại đức nên viết về những nhân vật độc đáo Đời lẫn Đạo từng ghé chốn Thiền môn này trong đó có ông Lưu Công Danh. Nhưng đại đức chỉ cười. Tôi cũng có ý đợi mãi… Gì chứ sức viết của Đại đức một cộng tác viên của Tiền Phong - một cây viết cứng thì chuyện này cứ gọi là “băng tê” đi!
Lần ấy ông đưa tôi một tập dày viết tay. Càng coi thấy dậy lên cảm giác kinh, lạ! Có thể gọi là một công trình xiết kể mấy mươi mà mình chưa bao giờ được chứng kiến!
Ấy là đại đức đã tỷ mẩn thống kê những lỗi đã mắc phải do morat lẫn khâu biên tập cũng như lỗi của phóng viên khi viết bài. Mà trải suốt cả ba trăm mấy mươi số báo, tóm lại là trọn một năm trời xuất bản của tờ Tiền Phong!
Lỗi nào ông dẫn, ông trích ra cũng khá đích đáng. Ngó qua lẫn gẫm kỹ, tác giả bài viết cũng như bổn báo phải tâm phục khẩu phục.
Với tư cách của một tác giả được đại đức dẫn ra cũng kha khá, lại đương giữ chân Phó thơ ký Chi hội, tôi được BBT phân công trình bày tóm tắt công trình của đại đức trong một buổi sinh hoạt nghiệp vụ! Còn nhớ có tha thiết mời đại đức đến cùng dự nhưng bữa ấy ông lại mắc việc.
Buổi sinh hoạt nghiệp vụ khá xôm tụ sinh động. Anh em phóng viên chúng tôi đều cho đây là một việc làm hy hữu, không tiền khoáng hậu của một CTV nhiệt thành lẫn trách nhiệm với tờ báo mà mình cộng tác! Sau nữa, từ những lỗi do đại đức dẫn ra, nhiều ý kiến sôi nổi góp thêm nhằm cảnh giới khâu viết lách biên tập nhất là sai sót trong dịch thuật tiếng nước ngoài thường phạm phải.
Một dạo khá lâu, bẵng đi đến vài năm không thấy ông xuất hiện. Thì ra ông đi tu nghiệp ở Mỹ và một vài nước châu Âu khác về Phật giáo. Một thời gian sau, nghe nói ông đang trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Hà Nội.
…Bẵng đi dễ gần hai chục năm nay, không nghe tin tức gì thêm về đại đức Thích Đức Thiện! Mặc dù tôi có tìm đến những mối manh cũ… Nhân bài viết này, có những người quen chung mà tôi chưa được gặp, ai biết được vị đại đức Thích Đức Thiện một CTV của nhiều tờ báo ở Thủ đô những năm cuối 80 đầu 90 ấy đang ở đâu xin liên hệ với tác giả bài viết với nhé!
Tôi có hỏi nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn có còn giữ tấm hình Hoàng Sơn và đại đức mà phóng viên ảnh Phạm Yên đã chụp không? Cả Hoàng Sơn lẫn Phạm Yên đều không giữ được.
Một tấm hình của đại đức lưu lại cũng không! Cũng là tại cái thói sơ suất của người viết bài này như có lần đại đức đã chỉ ra vậy!