Chuyện chưa kể về chế tác cụ rùa Hồ Gươm cuối cùng

TPO - Để tìm loại nhựa phù hợp với điều kiện Việt Nam, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực từ hóa học, vật liệu đến sinh học phải cùng nghiên cứu, phân tích, tính toán. Loại nhựa này được thử nghiệm trên mẫu cua đinh trước khi thử nghiệm trên mẫu vật cụ rùa Hồ Gươm.

Mẫu vật cụ rùa cuối cùng trưng bày ở Đền Ngọc Sơn từ 16/3/2019. Ảnh: Nguyễn Hoài

PGS.TS Phan Kế Long, Phó Tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, người chủ trì nhiệm vụ chế tác cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa đã chia sẻ nhiều thông tin chưa từng được tiết lộ trong quá trình 2 năm nhựa hóa cụ rùa cuối cùng của Hồ Gươm.

PGS Long chia sẻ, sau khi Hà Nội quyết định lựa chọn phương pháp nhựa hóa-phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến nhất thế giới, các nhà chế tác người Đức đã đề xuất phương án đưa mẫu vật sang Đức. Tuy nhiên, với mong muốn cụ rùa được chế tác tại Việt Nam, cũng là cơ hội cho Việt Nam học tập phương pháp nhựa hóa- phương pháp mà rất ít quốc gia trên thế giới làm được, phía Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thuyết phục được 2 nhà chế tác hàng đầu thế giới, những người từng giành thưởng cao nhất trong các cuộc thi chế tác quốc tế sang Việt Nam.

Cái khó nhất khi chế tác mẫu vật ở Việt Nam là điều kiện công nghệ không được như Đức. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam không có những bể hút chân không hiện đại phục vụ chế tác, điều kiện khí hậu cũng khác hẳn. Nếu như châu Âu thuộc vùng ôn đới, thời tiết ôn hòa, khô ráo thì Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều. Bài toán đặt ra với đội ngũ chế tác gồm 2 nhà chế tác Đức và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là phải chế tác mẫu vật phù hợp với điều kiện công nghệ và khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

 Mẫu vật cụ rùa được chế tạo tỉ mỉ từ vết bớt trên đầu đến đốm trắng trong mắt. Ảnh: Nguyễn Hoài

PGS Long cho biết, đáp ứng tiêu chí trên, loại nhựa được lựa chọn không thể giống với nhựa sử dụng ở các nước châu Âu. Trên cơ sở bảng nhựa mà nhà cung cấp gửi đến, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Viện Vật liệu, Viện Hóa học thực hiện những tính toán về kích thước phân tử, độ nóng chảy, độ khô phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sau nghiên cứu, các nhà khoa học phải thử nghiệm trên mẫu vật cua đinh 60 kg thay vì làm trực tiếp lên cụ rùa.

“Mẫu vật cụ rùa vô cùng quý hiếm và là mẫu vật có một không hai nên mọi bước phải làm hết sức chặt chẽ, không để xảy ra sai sót nào”, PGS Long chia sẻ. May mắn thời điểm đó, một mẫu vật cua đinh, loài rùa nước có da, cấu tạo cơ thể tương đối giống rùa Hoàn Kiếm được chuyển đến Bảo tàng Thiên nhiên, trở thành mẫu vật các nhà khoa học thí điểm trước khi áp dụng lên cụ rùa.

Ngay lần đầu thử nghiệm trên mẫu vật cua đinh đã cho kết quả tốt. Các nhà khoa học vui mừng thực hiện chế tác trên mẫu vật cụ rùa.

Quá trình chế tác cụ rùa phải mất tới 2 năm và hơn 3 năm sau ngày cụ rùa mất, mẫu vật mới được giới thiệu tới người dân thủ đô. Quá trình này kéo dài hơn nhiều so với dự kiến ban đầu cũng như việc nhựa hóa các mẫu vật trước đó. PGS Long chia sẻ, chính các nhà chế tác Đức cũng bất ngờ, đây là lần đầu họ chế tác một mẫu vật rùa lớn, độc đáo và hiếm thấy như thế. Rùa Hoàn Kiếm là một trong những loài rùa khổng lồ còn tồn tại trên thế giới. Ở thời điểm chết, cụ rùa có kích thước 2,08x1,08 mét, nặng 169 kg.

Theo PGS Long, hai năm chế tác cụ rùa là một kỳ công, từng chi tiết đều phải đáp ứng được tiêu chí tả thực nhất, gần với tự nhiên nhất như màu da, vết bớt trên đầu, vết loang trên mình hay đốm trắng trong mắt.  Trong đó có những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn trọng, có công đoạn mất rất nhiều thời gian và có những chi tiết của mẫu vật phải đặt riêng ở nước ngoài. Chẳng hạn như công đoạn bắt đầu chế tác, các chuyên gia phải tỉ mẩn lọc thịt, làm sạch xương, làm mỏng da, tạo dáng, loại nước tế bào.

Hai chuyên gia người Đức cùng PGS.TS Hà Đình Đức bên mẫu vật cụ rùa vừa chế tác xong. 

Ở công đoạn hiệu chỉnh mẫu và làm khô, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phải huy động rất nhiều máy móc chuyên dụng. Mẫu vật cụ rùa nằm ở phòng điều hòa, có máy hút ẩm 24/24 trong suốt 6 tháng liên tục. Mục tiêu là để đạt độ khô kiệt nhất của mẫu vật. 

Riêng con mắt, linh hồn của mẫu vật, ở Việt Nam không làm được, các chuyên gia phải dùng ảnh cận mắt cụ rùa, đo kích thước hốc mắt gửi sang Đức để chế tạo. Sau 3 tháng sản phẩm mới hoàn thiện, được gửi về Việt Nam. Mắt cụ rùa được làm bằng thủy tinh, in công nghệ 3D, lòng mắt, con ngươi sử dụng hệ thống ánh sáng tạo hiệu ứng sống động. Đốm trắng trong mắt được tạo nên chân thực.

Quá trình hoàn thiện mẫu vật, để giống thực nhất, từng vết loang trên da, vết bớt trên đầu đều được thể hiện đúng vị trí. Gần một tháng, các nhà khoa học tỉ mỉ tạo màu da, chỉnh sửa những vết loang trên thân. PGS.TS Hà Đình Đức kể, trong suốt quá trình mẫu vật, ông luôn ở gần hai nhà chế tác, chỗ nào chưa vừa ý, ông “nhắc nhở” ngay để mẫu vật giống với thực tế nhất. 

Nói về việc lựa chọn tư thế cho cụ rùa, PGS Long chia sẻ, tư thế ngẩng cao đầu như mẫu vật trưng bày là tư thế tự nhiên nhất nhưng cũng oai vệ nhất. Để có được tư thế này, đội ngũ chế tác phải thử nghiệm bằng nhiều bản thạch cao nhỏ để lựa chọn được bản ưng ý nhất. Mẫu vật cụ rùa Hồ Gươm được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn từ ngày 16/3, nhận được sự phản hồi rất tích cực từ giới chuyên môn cũng như người dân thủ đô và khách tham quan.