Chuyện cắt và nhãn '50 sắc thái'

TP - Những ồn ào xung quanh bộ phim “50 sắc thái: Đen” lại một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi xung quanh câu chuyện kiểm duyệt phim ở Việt Nam.
“50 sắc thái” chỉ còn lại vài sắc thái tẻ nhạt sau khi bị “cắt và dán nhãn”

Ăn phở bò mà không có… thịt bò

Sau sức nóng của phần 1, “50 sắc thái” tiếp tục trở lại với phần 2 khiến công chúng Việt Nam vô cùng mong ngóng, chờ đợi ngày phim ra rạp. Vẫn tiếp nối chuyện tình mãnh liệt, kỳ lạ giữa doanh nhân Christian Grey và nữ sinh Ana, trong phần 2, quá khứ bi kịch của Christian Grey được sáng tỏ, nguồn gốc thói quen bạo dâm của anh được hé lộ. Bằng tình yêu chân thành, Ana đã giúp Christian vượt qua chính mình.

Khi công chiếu ở các nước khác trên thế giới, phần 2 “50 sắc thái: Đen” có bản gốc dài 118 phút và được dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Sau khi kiểm duyệt ở Việt Nam, bộ phim chỉ còn lại 111 phút và dán nhãn 18+ (chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên).

Những tưởng 7 phút bị cắt “chả đáng là bao” nhưng lại khiến khán giả vô cùng bức xúc, thậm chí phẫn nộ. Bị cắt đi hầu hết cảnh nóng dù đã được dán nhãn 18+, bộ phim “50 sắc thái: Đen” chỉ còn lại vài sắc thái tẻ nhạt. Và hầu hết khán giả thì có chung một sắc thái: phẫn nộ, cảm giác như bị lừa.

“Phim bị cắt hết sạch cảnh nóng, tôi có cảm giác như xem một bộ phim ngôn tình sến sẩm hơn là một tác phẩm điện ảnh dữ dội, mãnh liệt về chủ đề bạo dâm.”- Chị Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Một khán giả không giấu nổi sự thất vọng sau khi ra khỏi phòng chiếu: “Cả phim chỉ có một cảnh thân mật ban đầu nhưng chỉ được vài giây, còn lại hai nhân vật chính vừa cởi áo đã cắt, vừa ôm nhau đã thấy sáng hôm sau, vừa chạm vào nhau đã chuyển cảnh. Cảnh được mong chờ nhất  lúc hai nhân vật tình tứ trong Căn phòng màu đỏ lại bị cắt nhiều nhất. Không hiểu vì sao phim vẫn cộp mác 18+”.

Facebook Quang Vũ chia sẻ cảm xúc lên trang cá nhân: “Hầu hết mọi người đều bực bội khi bộ phim bị cắt một cách lộ liễu. Rạp chiếu cũng nên thông báo rằng bộ phim đã bị chỉnh sửa và cắt hết cảnh nóng. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra”.

Bình luận trên một trang mạng giới thiệu phim, một độc giả có nickname thuanduong thẳng thắn: “Tôi khuyên mọi người nên chờ bản full trên mạng. Đừng xem rạp mà phí tiền. Chả khác gì ăn phở bò mà không có thịt bò. Trong khi người ta bỏ tiền chỉ để mua mấy miếng thịt bò đó”.

Nói về hậu quả của việc cảnh nóng bị cắt trong phim “50 sắc thái: Đen”, nhà biên kịch Trịnh Thu Thủy cho rằng: “Có thể những cảnh bị cắt không gây ảnh hưởng tới nội dung cốt truyện nhưng khiến nhịp phim bị vấp, phá mất không gian lãng mạn và tình tứ của câu chuyện, làm tuột cảm xúc người xem. Có cảnh tình tứ trở nên giả tạo bởi không đủ thời lượng cần thiết để mô tả các hành vi âu yếm giữa hai nhân vật”.

Bao nhiêu sắc thái của kiểm duyệt phim?

Có thể nói “50 sắc thái: Đen” là tác phẩm bị cắt nhiều nhất ở rạp Việt từ đầu năm 2017 đến nay. Trước đó, hồi 2015, phần 1 của phim cũng từng gây ồn ào khi tác phẩm mang nhãn C16 và cũng bị cắt hầu như tất cả những cảnh nhạy cảm, tình tứ.

Những gì đang xảy ra với phần 2 của bộ phim có lẽ sẽ không “gây bão” nếu như không có chuyện đầu tháng 1 năm 2017, Cục Điện ảnh thông qua bảng phân loại phim mới với 4 mức là P, C13, C16, C18. Trong đó, C18 có nội dung phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả trên 18 tuổi. Hạng mục này chấp nhận cảnh khỏa thân, tình dục và cảnh bạo lực tình dục. Phim cũng chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu. Ngoài ra, ngôn ngữ thô tục, ngôn ngữ nhạy cảm như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện.

Với bảng tiêu chí phân loại phim mới này, không ít khán giả tỏ ra vui mừng vì từ nay phim sẽ không bị cấm chiếu hoặc bị cắt cảnh khi ra rạp nữa. Và bộ phim “50 sắc thái: Đen“ có thể coi là cái tát đầu tiên vào sự kỳ vọng đó.

Lý giải điều này, đại diện của Hội đồng thẩm định phim truyện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) khẳng định Hội đồng đã làm theo đúng quy định pháp luật. “Chúng tôi đều dựa vào Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Bản quyền… để kiểm duyệt phim. Không phải khi đã phân loại phim theo lứa tuổi thì các cảnh bạo lực hay tình dục được phổ biến rộng rãi hơn trước. Thông tư mới chỉ là để phân loại tác phẩm và khán giả hợp lý hơn. Việc phân loại cho phim theo lứa tuổi vẫn phải chịu sự tác động của các điều luật cấm trong hoạt động điện ảnh”- Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, chủ tịch Hội đồng cho biết.

Thậm chí, mới đây, trả lời phỏng vấn một trang báo mạng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã thẳng thắn khẳng định: “Tôi nghĩ khán giả dành cảm xúc cho loại phim khiêu dâm không nên tìm xem loại phim này tại rạp Việt Nam, chứ không chỉ với trường hợp 50 sắc thái đen”.

Cũng trên trang báo đó, đáp lại lời của Cục trưởng, một độc giả bức xúc phản pháo: “Đã cho là khiêu dâm thì đừng chiếu nữa. Kiểm duyệt và cắt phân đoạn theo đánh giá của Cục là không tôn trọng sự sáng tạo của ê kíp làm phim đồng thời đánh giá thấp trình độ cảm thụ một tác phẩm điện ảnh của người xem Việt Nam”. 

Có người còn chỉ ra mâu thuẫn trong lập luận của lãnh đạo Cục Điện ảnh khi dẫn chứng trường hợp bộ phim bom tấn “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” vừa mới phát hành trong dịp Tết Nguyên đán 2017 vừa qua. Bộ phim được Hội đồng kiểm duyệt đóng dấu phân loại P - tức là có thể phổ biến đến mọi đối tượng khán giả. Nhưng khi phim ra rạp, nhiều người bày tỏ sự không hài lòng trên mạng xã hội, thậm chí nhiều phụ huynh phẫn nộ khi phim chứa đựng quá nhiều cảnh hài dung tục hoặc hở hang, khiêu dâm, không phù hợp với trẻ nhỏ.

Nhà biên kịch Trịnh Thu Thủy cũng từng lên tiếng khuyến cáo bộ phim này: “Phụ huynh có con nhỏ nên cân nhắc trước khi mua vé cho cả gia đình bởi phim chứa hình ảnh ghê rợn và gợi dục dù đã được Cục điện ảnh dán nhãn P “.

Một số nhà chuyên môn đánh giá, chính những nhập nhằng khó hiểu trong việc kiểm duyệt và phân loại phim sẽ khiến không ít khán giả mất niềm tin vào hệ thống phim chiếu rạp ở Việt Nam. “Tôi nghĩ đã phân loại đối tượng xem phim mà vẫn cắt phim là điều bất cập. Nếu đó là vì yếu tố chính trị hoặc gây ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, cắt phim là điều dễ hiểu. Nhưng nếu vì bạo lực hay tình dục liên quan trực tiếp tới nội dung phim mà vẫn bị cắt, nó sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm, nhất là với các phim có nhãn C18. Khán giả chắc chắn sẽ không thể hiểu hết điều mà tác phẩm muốn truyền tải”, Anh Nguyễn Hoàng Phương - giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD nhận định.

Trong khi các nước khác đã áp dụng hệ thống phân loại phim khá lâu thì Việt Nam mới bắt đầu thực hiện từ đầu năm nay. Hội đồng thẩm định phim có khá nhiều đại diện của các cơ quan như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Đoàn Thanh niên… Nhưng lại rất ít các nhà làm phim. “Có thể xem 50 sắc thái: Đen là một trong những phép thử đầu tiên về hiệu quả của Hội đồng này. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta vẫn phải chờ thêm!”- Đạo diễn Hữu Trọng bày tỏ quan điểm.

Và ở thời điểm hệ thống phân loại phim chỉ mới chập chững những bước đầu tiên, nhiều chuyên gia khuyên rằng khán giả nên tự tìm hiểu thông tin về phim trước khi mua vé, chứ đừng chỉ căn cứ vào “cái nhãn”.