Chuyện cán bộ xã hy sinh khi cứu dân

TP - Những sự kiện dồn dập ở Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337… đã thu hút sự chú ý, khiến vụ việc núi lở đuổi theo cả đoàn công tác ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chưa được nhiều người biết đến.
Hình ảnh đưa thi thể Thượng úy Trương Văn Thắng về xuôi để mai táng gây xúc động mạnh - ảnh tư liệu

Tiếng nổ “ục” như dội lên từ lòng đất. Đoàn cán bộ UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lặn lội vào núi và đi thành 2 tốp vội vã dừng lại. Nhưng mọi sự đề phòng đã quá muộn. Một dòng thác từ trên đỉnh núi và dội xuống đầu họ. Dòng thác đó không chỉ là nước, mà cả cây cối, đá, đất sét dẻo quánh. Con người không có đôi cánh bay lên như chim, vì vậy, đang ở vị trí trên sườn núi thì bão nước trên đỉnh núi dội xuống thì không ai có thể thoát ra được… Đó là hồi tưởng của Đại úy Lê Văn Dùy- cán bộ biên phòng tăng cường về xã Hướng Việt giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, về sự việc xảy ra vào tối ngày 17/10.

Sáng ngày 23/10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã đáp xuống xã Hướng Việt, chở theo 1,5 tấn lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho người dân ở ngôi làng đang bị cô lập, sau đó “cẩu” luôn 2 cán bộ bị thương do gặp lũ quét vào chiều tối ngày 17/10. Đó là Đại úy Lê Văn Dùy và ông Hồ Trọng Sinh, Chủ tịch UBND xã. Hai bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị, anh Dùy bị gãy chân và ông Sinh bị đa chấn thương. Cùng gặp nạn hôm đó, Thượng úy Trương Văn Thắng, cán bộ công an xã đã hy sinh.

Trên chiếc cáng lắc lư đưa từ phòng hồi sức sau mổ về Khoa Chấn thương chỉnh hình, Đại úy Dùy nhìn trân trân lên nóc nhà. Có lẽ hình ảnh, âm thanh kinh hoàng trong đêm ngày 17/10 vẫn khiến anh bị ám ảnh nặng nề. Đại úy Dùy cho biết, là cán bộ địa phương, khi nghe người dân chạy lên ủy ban xã báo cáo có 7 người dân vào rẫy làm nương ở trên núi, hiện nay trời mưa to, nhưng cả 7 người bị nạn. Vậy là từ Chủ tịch xã, cho đến cán bộ công an, dân quân đều lao vào rừng.

Khi đoàn cán bộ xã chia thành 2 tốp tiến lên núi, tới cách vị trí 7 người dân bị nạn 50 mét thì bất chợt cây, đất, bùn đá như một dòng thác ùa xuống. Bên phải đoàn người là vực sâu, bên trái là núi cao. Đại úy Dùy bị nước hất ngã sấp, chỉ trong nháy mắt, người anh đã bị chôn sâu dưới bùn lầy. Cố gượng dậy trên đôi chân đau nhói thì đất, đá lại tiếp tục phủ lên người.

Đại úy Dùy là người có kinh nghiệm đi rừng. Vậy nhưng khi gặp tình huống này thì anh cũng đành bó tay. Vì cả cơ thể trở nên nặng chịch bởi khối đất đá chôn xuống, giống như một khối bê tông. Anh cố gượng dậy, bò ra thật nhanh khỏi vũng lầy lội. Cơn đau nhói từ dưới chân và anh hiểu, chân đã bị gãy, những vẫn phải bò đi thật nhanh ra khỏi luồng nước chảy, nếu không sẽ bị dập xuống dưới lòng suối, ép vào khe đá và chôn dưới lớp bùn dày cả mét.

Đại úy Lê Văn Dùy kể về nỗi đau vì mất đồng đội (ảnh: Văn Chương)

Giữa âm thanh khủng khiếp của núi rừng thì vẫn nghe văng vẳng tiếng la hét của những người trong đoàn đang chạy lùi xuống. Thượng úy Trương Văn Thắng bị đất vùi lấp đến 2 lần. Anh Thắng cố bám vào sườn núi, cây cối, nhưng vẫn ngã vật và trôi theo dòng nước, sau đó bị hất văng vào kẽ đá, chấn thương tay chân, vỡ xương chậu, dập xương sườn, không còn sức để gượng dậy trước dòng nước điên cuồng. Anh Thắng đã tắt thở khi được anh em trong đoàn cõng về tới Trạm y tế xã Hướng Việt trong cái đêm kinh hoàng đó.

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã cũng bị vùi dập như Thượng úy Thắng. Ông Sinh cố gượng đứng dậy nhưng vẫn bị nước cuốn trôi đi, hất văng xuống khe suối. Hình ảnh rùng rợn nhất là chủ tịch xã bị bùn đá, cây phủ lên người, chỉ còn thò ra khuôn mặt ngọ nguậy và mọi người cố lôi nhưng không “nhổ” được chủ tịch xã ra khỏi vũng lầy. Sau đó một dòng nước mạnh hất xuống và cuốn chủ tịch xã trôi theo bờ suối.

Đoàn người khi thấy mất chủ tịch xã thì quay lại tìm kiếm. Nhưng âm thanh ầm ầm liên tục nổ ra. Mọi người ngước nhìn lên đỉnh núi đen ngòm và không đoán định được khi nào mảng núi kia sẽ ập xuống đầu, vì vậy đành phải rút lui. Khi về tới bản làng, khung cảnh bình yên nơi đây đã biến thành một vùng chiến địa. Lũ cực lớn từ núi ào xuống đã biến ngôi làng thành một vũng bùn khổng lồ, nhà cửa xiêu vẹo, khắp nơi nghe tiếng la hét, trâu bò, heo gà chạy tán loạn. Sáng hôm sau, đoàn tìm kiếm trở lại núi thì tìm thấy Chủ tịch UBND xã nằm thoi thóp bên suối, vết thương đầy cơ thể.

Xã Hướng Việt bị cô lập, nên 2 bệnh nhân phải nằm cầm cự 6 ngày ở Trạm Y tế xã Hướng Việt. Riêng Thượng úy Thắng hy sinh thì được đồng đội vào rừng cõng xuyên núi để kịp ngày an táng. Trong cái đêm kinh hoàng đó, ông Sinh, Chủ tịch UBND xã và Thượng úy Thắng đều bị đất chôn tới cổ, nằm gần nhau, nhưng cuối cùng chỉ còn 1 người trở về.

Trong những ngày qua, hình ảnh đoàn cán bộ công an vào xã Hướng Việt để cáng thi thể Thượng úy Trương Văn Thắng đi giữa dòng suối chảy xiết đã gây xúc động mạnh. Những cán bộ của xã đi cùng anh Thắng trong đêm 17/10 đã rơi nước mắt khi cả đoàn đi tìm người dân mất tích, nhưng cuối cùng 1 đồng chí hy sinh, 2 đồng chí bị thương nặng.