Chuyến bay định mệnh của 15 biệt kích tiêu diệt Bin Laden

Chỉ hơn 3 tháng sau ngày, đội biệt kích Team 6 (thuộc Lực lượng SEAL, Hải quân Mỹ) giết chết Bin Laden, một chiếc trực thăng Chinook CH47D chở 38 người đã bị một tay súng Taliban bắn hạ bằng một quả tên lửa vác vai.
15 biệt kích Team 6 trên chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17.

Tất cả những người trên trực thăng đều thiệt mạng - trong đó có 15 thành viên đội Team 6 - là những người đã trực tiếp tham gia tiêu diệt Bin Laden.

Kế hoạch tiêu diệt Qari Tahir

Vài phút trước 2 giờ sáng ngày 6/8/2011, tại một căn cứ không quân Mỹ nằm cách thủ đô Kabul, Afghanistan 40 dặm về phía nam, hai chiếc trực thăng Chinook CH47D bắt đầu nổ máy, chuẩn bị cất cánh để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt. Nhằm giữ bí mật, các phi công đều không mở đèn hiệu và đèn chiếu sáng ở cả đầu lẫn đuôi máy bay mà thay vào đó, họ sử dụng kính nhìn đêm. Trong buồng lái, chỉ có vài ánh sáng màu xanh lờ mờ trên các bảng đồng hồ điều khiển. Trong phi vụ này, chiếc Chinook số hiệu 16 được đặt cho mật danh là “kẻ tống tiền”, còn chiếc số 17 thì mật danh của nó là “kẻ chiếm đoạt”.

2 giờ 10 phút sáng, hai chiếc Chinook đồng loạt bốc mình lên khỏi mặt đất. rồi tăng tốc độ hướng về phía tây. Yểm trợ nó là hai trực thăng vũ trang AH-64 Apache, hai máy bay vận tải vũ trang gồm một chiếc CH-47, một AC-130 và một máy bay không người lái (UAV) Black Hawk. Theo tin tình báo, tại ngôi làng Jaw-e-Mekh Zareen nằm trong thung lũng Tangi, hiện đang có mặt Qari Tahir - kẻ cầm đầu lực lượng Taliban ở vùng này và sáng ngày 6/8, gã sẽ tham dự một cuộc họp chỉ đạo các phương án tác chiến chống lại lính Mỹ và quân Chính phủ Afghanistan.

Nhiệm vụ của 15 thành viên đội Team 6 cùng 20 lính Lực lượng đặc biệt là tổ chức một cuộc đột kích bất ngờ, tiêu diệt Qari Tahir cùng tất cả những thành viên Taliban có mặt trong buổi họp, cụ thể là hai chiếc AH64 Apache cùng chiếc AC 130 sẽ tấn công dọn đường bằng rocket, pháo 105mm, đại liên Vulcan 6 nòng dưới sự hướng dẫn của máy bay không người lái.

Tiếp theo, một trung đội thuộc Trung đoàn Biệt động quân Mỹ với 1 con chó săn và một đơn vị gồm 7 người lính Afghanistan cùng một phiên dịch sẽ bao vây mặt sau ngôi làng Jaw-e-Mekh Zareen để phục kích những phần tử Taliban còn sống sót nếu chúng chạy thoát ra ngoài, cũng như chặn đánh quân tiếp viện trong lúc đội Team 6 cùng 20 lính Lực lượng đặc biệt từ chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” xông vào địa điểm diễn ra cuộc họp. Sau khi đã tiêu diệt xong Qari Tahir và đồng bọn, “kẻ chiếm đoạt” 17 lập tức quay trở lại căn cứ nơi xuất phát còn “kẻ tống tiền” 16 làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh hoặc người chết nếu xảy ra tổn thất về nhân mạng.

Điều khiển chiếc trực thăng số hiệu 17 “kẻ chiếm đoạt” là David R. Carter, phi công thuộc đơn vị Vệ binh quốc gia bang Colorado, còn phi công phụ là Bryan J. Nichols thuộc đơn vị quân dự bị bang Kansas. Đã có hơn 4.000 giờ bay, David R. Carter được coi là một trong những phi công trực thăng giàu kinh nghiệm nhất nước Mỹ.

Bên cạnh đó, ông còn là giảng viên môn bay địa hình tại Trung tâm huấn luyện không quân quốc gia ở Bridgeport, bang California. Hầu hết phi công trực thăng Mỹ trước khi sang chiến đấu tại Afghanistan đều trải qua một khóa học tại trung tâm này, chủ yếu là học bay đêm trong mọi thời tiết và đặc biệt nhất là bay mà không có hệ thống dẫn đường, chỉ dựa vào sự phán đoán chính xác, phản xạ nhanh nhạy của người điều khiển.

David “Pat” Gates, một phi công thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn trực thăng số 132 - người đã từng được Carter huấn luyện kỹ thuật bay địa hình kể: “Tôi đã bay hàng trăm phi vụ. Trung đoàn của tôi hoạt động trên khắp đất nước Iraq, chủ yếu là vào ban đêm để hỗ trợ những hoạt động đặc biệt”.

Hình chụp cuối cùng chiếc Chinook “Kẻ chiếm đoạt” 17 rời căn cứ trong phi vụ tiêu diệt Qari Tahir.

Diễn tiến cuộc đột kích

Gần 6 giờ sáng, những chiếc máy bay yểm trợ bắt đầu khai hỏa xuống các mục tiêu trong làng Jaw-e-Mekh Zareen ở thung lũng Tangi, tỉnh Wardak. Khi những tiếng nổ chát chúa của rocket, của pháo 105mm và của đại liên Vulcan 6 nòng vừa ngớt, hai chiếc Chinook lập tức hạ cánh, cách nhau khoảng 100m để có thể kịp thời hỗ trợ cho nhau.

Trên chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17, 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt chia thành hai nhóm, lao ra khỏi cửa đuôi máy bay nhưng ngay lập tức, họ vấp phải sự chống trả mãnh liệt của 8 tay súng Taliban, vũ trang bằng tiểu liên AK47 cùng súng chống tăng RPG. Một chiếc trực thăng AH-64 sau khi xác định được vị trí của nhóm Taliban qua màn hình hồng ngoại gắn trong buồng lái, đã phóng vào đó 1 quả rocket, giết chết 6 tên. 2 tên còn lại chui vào một rặng cây rồi biến mất.

Sau những phút bất ngờ, lực lượng Taliban ở làng Jaw-e-Mekh Zareen nhanh chóng tập hợp lại đội ngũ và tổ chức phản công. Những hình ảnh từ bộ cảm biến trên chiếc máy bay không người lái truyền về trung tâm chỉ huy cho thấy cạnh những bức tường đắp bằng đất và trên sân thượng của một số căn nhà, các nhóm Taliban vừa bắn vừa di chuyển, lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma.

Điều này đã gây khó khăn cho nhóm đột kích bởi lẽ họ vừa quét sạch vài tên Taliban ở một ngã tư trước mặt và khi họ chuẩn bị tiến lên thì một số tên Taliban khác lại xuất hiện, bắn họ từ sau lưng. Theo lệnh của trung tâm chỉ huy, trung đội Biệt động quân Mỹ cùng đơn vị lính Afghanistan làm nhiệm vụ chặn hậu nhanh chóng triển khai thành lực lượng phản ứng tức thời để hỗ trợ cho đội Team 6.

Trận đấu súng kéo dài gần 30 phút. 15 biệt kích đội Team 6 đã chiếm được căn nhà nơi được dùng làm chỗ họp của Taliban. Họ bắt được một số tù binh nhưng không có Qari Tahir. Theo lệnh của trung tâm chỉ huy, tất cả 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt quay về căn cứ trên chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” 17, còn chiếc “kẻ tống tiền” 16 bay không, tù binh thì giao cho trung đội Biệt động quân. Vài phút sau đó, mệnh lệnh này biến thành định mệnh tàn khốc, cướp đi sinh mạng của 38 người, trong đó có 15 biệt kích Team 6, những chiến binh được đánh giá là “giỏi nhất trong số những người giỏi nhất quân đội Mỹ”.

Tại chiến trường Afghanistan, trực thăng CH-47 Chinook luôn được coi là phương tiện tốt nhất để thả quân vì ngoài tính cơ động, chở được 45 lính vũ trang đầy đủ, nó còn có thể bay ở độ cao rất thấp. Nhằm tăng tính hiệu quả, hãng chế tạo Boeing Integrated Defense Systems đã lắp thêm vòi tiếp nhiên liệu trước mũi máy bay, nâng công suất động cơ và gắn thêm hệ thống cảm biến hồng ngoại để phục vụ những cuộc hành quân - nhất là vào ban đêm. Sở hữu 163 chiếc Chinook MH47 tại Afghanistan là Trung đoàn “siêu bí mật” 160 Special Operations Aviation, còn các phi công điều khiển loại máy bay này được gọi là “Kẻ rình mò ban đêm - Night Stalker”.

Thế nhưng chẳng hiểu sao, trung tâm chỉ huy cuộc đột kích vào làng Jaw-e-Mekh Zareen để tiêu diệt Qari Tahir lại không sử dụng những chiếc trực thăng MH47 của trung đoàn “siêu bí mật” 160, mà họ lại quyết định dùng loại trực thăng Chinook CH47D của trung đoàn 132 - là loại chưa được cải tiến. Thiếu tá Matthew Brady, phi công thuộc trung đoàn 160 nói: “Đó là sự tính toán của cấp trên nhưng theo tôi, sự hỗ trợ có thể sẽ tốt hơn nếu nhóm đột kích bay bằng MH47…”.

Một trong những bàn thờ truy điệu các thành viên Team 6 thiệt mạng cùng chiếc trực thăng.

Taliban giương bẫy hay chỉ là sự trùng hợp tình cờ?

Khi lệnh triệt thoái được ban ra, chưa đầy 1 phút, 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt đã ngồi gọn trong lòng chiếc CH47D “kẻ chiếm đoạt”. Qua kính nhìn đêm, phi công David R. Carter chỉ thấy một màu xanh đục tạo ra bởi những đám khói bụi của đạn 105mm và rocket, cũng như từ sức gió của cánh quạt trực thăng.

Để có thể cất cánh, Carter yêu cầu chiếc máy bay vận tải vũ trang AC 130 chỉ điểm vị trí cho ông bằng một tia hồng ngoại. Ngay lập tức, chiếc AC 130 lượn vòng rồi thông báo qua radio là họ đã sẵn sàng. Giây lát, khoảnh đất trước mũi chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17 rực lên một màu đỏ tươi nhưng chỉ thấy được bằng kính nhìn đêm. Carter tăng tốc động cơ, kéo cần lái rồi nói qua radio: “Ok. Takeoff - Tôi cất cánh”.

Vài giây sau, chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” 17 bốc lên cao khoảng 30m với tốc độ 100km/giờ.  Đột nhiên, trên sân thượng của một tòa nhà 2 tầng nằm cách chiếc trực thăng khoảng 25m về phía nam, xuất hiện 3 tay súng Taliban với 2 khẩu súng chống tăng RPG và 1 khẩu AK.. Quả đạn đầu tiên bắn đi từ khẩu RPG thứ nhất bay vòng phía trên cánh quạt rồi nổ tung khi rơi xuống đất nhưng quả thứ hai nổ ngay cánh quạt sau của chiếc Chinook làm đứt lìa một phần cánh quạt khiến nó mất thăng bằng rồi lao xuống theo hình xoáy trôn ốc.

Khi chạm đất - là một con rạch không có nước, chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” nổ tung, làm bùng lên một quả cầu lửa, giết chết tất cả 38 người. Thiếu tá Doug Glover, chuyên viên điều hành hệ thống cảm biến vũ khí thuộc Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ nói: “ Đạn RPG không có laser dẫn đường. Nó bay theo quỹ đạo nơi khẩu súng bắn ra, tốc độ quả đạn lại không nhanh nên việc chiếc Chinook bị rơi có thể chỉ là một cú bắn cầu may của một tên Taliban nào đó”.

Sau khi tin tức về 15 biệt kích Team 6 thiệt mạng cùng chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” bị tiết lộ, Taliban đã tuyên truyền ầm ĩ về việc này. Trên mạng Internet, họ cho rằng “việc cố ý rò rỉ thông tin lãnh đạo Qari Tahir có mặt trong buổi họp là một cái bẫy để trả thù cho Osama bin Laden” nhưng không hề nêu ra một chứng cứ nào để khẳng định “cái bẫy” ấy có thật.

Về phía quân đội Mỹ, hai cuộc điều tra quân sự dựa trên từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” 17 - từ lúc cất cánh cho đến lúc bị bắn hạ nhằm xác định sai sót đến từ đâu. Các kết luận sau cùng cho thấy ở chiến trường Afghanistan, khoảng thời gian nguy hiểm nhất của trực thăng là lúc cất cánh và hạ cánh.

Với yếu tố đặc thù là bay chậm và thấp, nó dễ dàng trở thành mục tiêu cho mọi loại súng. Một khẩu RPG được bắn bởi một chiến binh dày dạn kinh nghiệm, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, cộng với các yếu tố môi trường như tốc độ gió, nhiệt độ đã dẫn đến sự thiệt mạng của 38 người mà 15 người trong số đó đã thành công trong việc tiêu diệt Bin Laden…

Theo Theo An Ninh Thế Giới