Chuyện ba người cùng làng: Đồng đội

TP - Thật tình cờ, cùng quê Xuân Quang với nhà văn  Từ Nguyên Tĩnh (Lê Văn Tĩnh) huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cùng tuổi 19 cũng cùng họ Lê cùng nhập ngũ một ngày rồi cùng về đại đội 4 (sau này là Đại đội anh hùng (C4- Đồi Quyết Thắng) trong đội hình Trung đoàn Pháo cao xạ 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng suốt 10 năm trời còn có 2 người nữa…
Cựu binh Lê Xuân Thanh

Câu chuyện với Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa Lê Xuân Giang 3 khóa liền ( 1994 đến 2007) khó dứt ra bởi bộn bề kỷ niệm về một quá vãng xứ Thanh gian khó. Nhưng rồi cũng nhanh chóng trở lại với những kỷ niệm Hàm Rồng!

Hàm Rồng những năm bời bời bom đạn, chiến sĩ binh nhì Lê Xuân Giang dự trận đầu rồi liên miên các trận khác ở trận địa C4 trên đồi Quyết Thắng.  Trận ác liệt nhất là ngày 28/7/1965. Máy bay Mỹ nhiều tầng nhiều nấc thay nhau bổ nhào xuống trận địa.  Ngoài bom phá bom xuyên, chúng còn dùng kèm đạn 20 ly như vãi trấu.  Khẩu đội 4 bị thương 4 người, pháo thủ Nguyễn Văn Điền bị mảnh đạn 20 ly găm vào 11 chỗ nhưng vẫn chiến đấu cho đến khi bị ngất. Những người bị thương còn lại vẫn không rời vị trí. Câu khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” ra đời trong thời điểm ấy và được các chiến sĩ khắc sâu trong tâm trí.

Trận 18/1/1967, thực sự ác liệt. Chúng không dùng bom bi mà là bom sát thương. Khẩu đội 4 đánh dai đánh rát lại là mục tiêu của chúng. Khẩu đội có 6 pháo thủ thì 5 pháo thủ hy sinh. Cựu binh Lê Xuân Giang, khi đó là chuẩn úy, chính trị viên đại đội C4 giọng xót xa, mắt ậng nước kể lại thời điểm làm công tác thương binh tử sĩ. Bom sát thương của kẻ thù tàn ác đã làm biến dạng hình hài của anh em, đành phải lấy quần áo, giày dép để phân biệt được danh tính từng liệt sĩ.

 Ngay đêm đó, hàng chục chiến sĩ xung phong bổ sung vào C4 thay thế những đồng đội đã hy sinh. Chiến sĩ duy nhất sống sót trong trận chiến ngày 18/1 là chiến sĩ Lê Xuân Thanh đã tình nguyện ở lại chiến đấu và làm khẩu đội trưởng tiếp tục chỉ huy. Về nhân vật Lê Xuân Thanh cùng làng với chính trị viên C4 Lê Xuân Giang sẽ nói sau.

Trận  ngày 3/9/1967, địch dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa. Khẩu đội 4 thiệt hại nặng nề. 4 chiến sĩ hy sinh trong đó có khẩu đội trưởng. Khẩu đội có 6 người thì hy sinh 4, 2 người còn lại bị thương. Máu của các anh tràn trên mâm pháo. Bi hùng là hình ảnh  chân các chiến sĩ đặt vào vòng đạp cò nên sau khi hy sinh pháo vẫn tiếp tục nhả đạn. Và, dù gục xuống vẫn nguyên vị trí theo đội hình. Sau trận đánh này, câu khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang.

Lê Xuân Giang may mắn cũng có khiếu văn chương viết lách nhưng không may mắn được trội như Từ Nguyên Tĩnh. Sau hai tác phẩm Ký sự Hàm Rồng (viết chung với Từ Nguyên Tĩnh)  hội viên hội văn nghệ xứ Thanh Lê Xuân Giang được gọi về Trường viết văn Nguyễn Du học cùng khóa với nhà văn Bảo Ninh. Tốt nghiệp anh về Hội văn nghệ Thanh Hóa. Rồi lên đảm chức Chủ tịch Hội trong thời điểm khó khăn. Cánh văn nghệ sĩ Xứ Thanh trước đó  những bị chia lòng chia trí, năm bè bảy mối. Chủ tịch Lê Xuân Giang như một cú hích để gây dựng không khí đoàn kết thân ái duy trì đến tận bây giờ. Cái tâm với Hội với anh em viết đã bầu lên một Chủ tịch Hội Lê Xuân Giang liền ba khóa. Lần gặp ông Chủ tịch Hội vào năm đã xa ấy khá ấn tượng với câu ông tâm sự là, ông nhớ lâu một bộc bạch của một quan chức rằng việc của bọn tôi cứ xong nhiệm kỳ là ra về và dân họ quên ngay. Nhưng các ông nhà văn thì thường được sống rất dài với thời gian và tác phẩm của mình! Cái may mắn được sống sót được nguyên lành qua hàng trăm trận bão lửa Hàm Rồng và được  tiếp tục viết về đồng đội về một quá vãng hào hùng bi thương. Lê Xuân Giang luôn  coi đó là một lời răn lời nhắc hữu hiệu.  Tất tả với việc quản lý nhưng Lê Xuân Giang cũng lựa được thời gian ngồi vào bàn viết. Tập ký Nơi neo đậu hồn quê Lê Xuân Giang mới in ở NXB Hội Nhà văn cũng lại váng vất một quá vãng Hàm Rồng…

Lại nói tiếp về người lính Hàm Rồng thứ ba quê ở Xuân Quang cùng làng với Từ Nguyên Tĩnh và Lê Xuân Giang.

Do những thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc ở trận địa C4 Hàm Rồng, năm 1968 khẩu đội trưởng Lê Xuân Thanh được vinh dự về Hà Nội gặp Bác Hồ trong đội hình các anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ.

Tại quê nhà Xuân Quang, cựu binh chiến trường Hàm Rồng Lê Xuân Thanh, nguyên tiểu đoàn phó, Trung đoàn 228, đại đội 4 Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng kể:

Đó là sáng  ngày 20/7/1968. Trước lúc gặp Bác, mọi người được dặn kỹ: “Bác đang rất mệt, mọi người chỉ được bắt tay không được ôm Bác”. Bác xuất hiện trong bộ quần áo lụa, đi đôi dép cao su, tay chống gậy được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa xuống cùng một người nữa.

Nhìn thấy Bác, tất cả mọi người đều reo mừng. Bác vẫy tay ra hiệu chúng tôi ngồi và mời mọi người ăn kẹo đi, nhưng mọi người rưng rưng nhìn Bác và chiếc kẹo cố giữ như báu vật.

Bác thong thả hỏi họ tên, quê quán, sức khỏe từng người. Riêng tôi Bác dặn : “Cháu còn trẻ nhưng phải giữ gìn sức khỏe vì cuộc chiến còn dài”. Sau đó, Bác hỏi tiếp: “Thế các cháu chiến đấu ở Hàm Rồng thế nào”. Tôi đáp: “Dạ, thưa Bác, riêng Hàm Rồng đã bắn rơi 99 chiếc...”.

Lúc này, Bác đang ngồi nhưng đứng ngay dậy, giơ lên một ngón tay: “Cháu về nói với quân dân Hàm Rồng, khi nào bắn rơi chiếc thứ 100 thì nhất định Bác vào thăm”. Khi nghe Bác nói vậy, tôi đứng dậy dõng dạc thưa: “Dạ, thưa Bác, cháu xin hứa sẽ về báo quân dân Hàm Rồng quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng cho đến ngày giải phóng đất nước, để Bác đáp chuyến tàu đầu tiên qua cầu Hàm Rồng vào thăm miền Nam”.

Khi trở về đơn vị, ông đã truyền đạt lời Bác căn dặn “Hàm Rồng quyết tâm bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 để đón Bác vào thăm”. Nhưng sau đó tại chiến trường Hàm Rồng đã không có chiếc máy bay địch nào bén mảng. Mãi đến ngày 26/12/1971, quân dân Hàm Rồng mới bắn rơi thêm chiếc máy bay thứ 100 và Người đã mãi mãi đi xa...

Năm 1980, người lính Lê Xuân Quang trở về với quê nhà Xuân Quang.  Vẫn nết lam làm chăm chỉ. Ông đào ao nuôi cá chăm vườn quả lại được bà con tín nhiệm bầu chức Trưởng thôn nhiều năm liền. May mắn ông có một mái ấm với  con cái đã trưởng thành, các cháu đều chăm ngoan học giỏi…

 Ông Lê Xuân Giang

Được biết ba người lính cùng làng ấy vẫn thi thoảng gặp nhau mỗi khi có dịp. Dẫu mỗi người một số phận nhưng đều may mắn lành lặn qua cuộc chiến, được ngồi với nhau ôn lại quá vãng máu lửa trong những ngày yên hàn này.