Chương trình sữa học đường: Băn khoăn chất lượng, giá cả

TP - Phụ huynh học sinh và giáo viên rất đồng tình với chương trình sữa học đường tại Hà Nội khi học sinh được tài trợ ít nhất 50% giá sữa. Tuy nhiên, xung quanh chất lượng, giá thành và quy trình triển khai cho học sinh uống sữa vẫn còn nhiều lo ngại.
Chương trình sữa học đường quốc gia nếu được triển khai tốt sẽ có tác động rất lớn đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ khó khăn

Sữa tốt sẽ tham gia ngay

Chị Nguyệt Anh, có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, tuần trước gia đình mới khai vào tờ phiếu đăng ký chương trình “Sữa học đường” cho con. Phần cuối của tờ phiếu là mục có đồng ý hay không đồng ý tham gia chương trình. Nếu đồng ý chỉ cần đánh dấu, còn không đồng ý thì cần nói lý do.

“Thú thực khi cầm tờ phiếu đăng ký từ con, cha mẹ dù có băn khoăn thì vẫn xác định cuối cùng là đồng ý. Chẳng lẽ trong lớp phần lớn các bạn uống sữa con mình lại không, nên cần đồng thuận, dù cũng chưa biết các con uống loại sữa gì”- chị Nguyệt Anh chia sẻ.

Rồi chị cho biết thêm, hôm sau gặp cô chủ nhiệm, chị có hỏi các con được uống loại sữa gì thì cô giáo nói chưa biết. Vì vậy, chị dặn con, khi nào được phát sữa thì chưa uống ngay mà mang về để gia đình xem đó là loại sữa gì, hạn sử dụng ra sao… rồi từ đó mới sử dụng. “Tuy nhiên, nếu chất lượng sữa tốt, trong khi áp dụng chương trình này các cháu được trợ giá một nửa tiền sữa thì rất nên tham gia”- chị Nguyệt Anh nói.

Chị Phạm Thị Là, trú tại phường Long Biên (quận Long Biên), đang có con học lớp 5 chia sẻ rằng, chị cùng nhiều phụ huynh khác trong trường rất quan tâm đến chương trình “Sữa học đường”. Mối quan tâm chung của không ít cha mẹ học sinh là vấn đề chất lượng. “Tôi và nhiều phụ huynh khác rất e ngại nguồn sữa đưa vào trường học liệu có sắp hết hạn sử dụng và có bị thổi giá lên hay không, mặc dù được trợ giá. Thêm vào đó, các nhà cung cấp sữa cũng phải được lựa chọn kỹ và nên có đấu thầu công khai để nhà trường và phụ huynh cùng biết, như vậy sẽ minh bạch”, chị Là bày tỏ.

Nhà trường lo lắng về bảo quản

Trao đổi với Tiền Phong, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) lo lắng: Nhà trường rất khó kiểm tra chất lượng nguồn sữa và chưa biết công ty nào cung cấp. “Theo hướng dẫn của Sở GĐ&ĐT Hà Nội, trong 5 ngày, nhà trường nhận tối thiểu 7.000 hộp sữa nên gặp những khó khăn về nhà kho bảo quản sữa và khó có thể kiểm soát được hoàn toàn liệu có hộp sữa nào có vấn đề hay không”, cô Oanh nói.

Cũng theo cô giáo Oanh, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo rằng nhà trường có thể yên tâm về chất lượng sữa, các lô sữa đưa vào trường học đều có nhãn mác, có số lô của nhà sản xuất.

Cô Oanh mong muốn:  Nếu nhà sản xuất mang sữa đến trường thì cần có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng cho từng lô sữa. Mỗi lô sữa cần quy định rõ bao nhiêu hộp sữa cần lưu trong bao nhiêu ngày và có biên bản lưu để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời, nếu xảy ra vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh xuất phát từ nguồn sữa đưa vào nhà trường thì đơn vị cung cấp phải cam kết xử lý, nhanh chóng phối hợp với nhà trường khắc phục. “Xét ở góc độ quản lý nhà trường, tôi mong muốn quy trình giao nhận, lưu niệm, hồ sơ giao nhận và xử lý khi xảy ra sự cố cần phải chặt chẽ”, cô Oanh nhấn mạnh.

Lợi ích của chương trình Sữa học đường

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trung bình, nam thanh niên Việt Nam chỉ cao 163,7cm, thấp hơn 13,1cm với chuẩn của WHO. Nữ cao trung bình 153cm, thấp hơn 10,7cm. Các nghiên cứu khoa học xác định: Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do, ở lứa tuổi “vàng” (12 năm đầu của cuộc đời), trẻ không ăn uống đủ chất. Cả nước hiện có 22 triệu trẻ em từ 2 đến 12 tuổi. Khoa học chứng minh, 86% thể lực (kèm theo trí lực) của mỗi người được phát triển trong giai đoạn này. Vì vậy, việc can thiệp dinh dưỡng ở lứa tuổi “vàng” này sẽ có tác động lớn đến từng cá thể và thế hệ trẻ, nguồn lao động tương lai.

Theo kinh nghiệm quốc tế, sữa bò – thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất (đặc biệt giàu canxi) trở thành lựa chọn tốt nhất sau sữa mẹ để thúc đẩy thể chất, tạo nền tảng để phát triển trí tuệ cho trẻ. Người Hà Lan nhờ sữa học đường mà có chiều cao trung bình cao nhất toàn cầu. Quan niệm về người Nhật lùn được đẩy lùi từ khi họ ban hành Luật sữa học đường ngay sau Thế chiến thứ II.

Tại Hà Nội, HĐND đã thông qua nghị quyết cung cấp cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống 1 lần), mỗi lần 1 hộp 180ml và trong 9 tháng đến trường của năm học. Về phương thức tài chính, phụ huynh chi trả 50% chi phí mua sữa, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%. Việc chọn nhà cung cấp thông qua đấu thầu. Đây cũng là cách làm được Chính phủ khuyến khích trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020).

Bảo An