Chương trình 'lao động kỹ năng đặc định': Người lao động vẫn phải chờ

TP - Chương trình “Lao động kỹ năng đặc định” được Nhật Bản thông qua và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, đến nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vẫn chưa ban hành các quy định cụ thể.
Chương trình kỹ năng đặc định mở ra cơ hội lớn cho lao động Việt với việc làm ổn định, thu nhập cao hơn (ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, lao động đi làm việc theo chương trình “kỹ năng đặc định” sẽ được hưởng mức lương ngang với lao động Nhật Bản làm cùng công việc, được làm việc 5 năm tại Nhật Bản và có thể gia hạn thêm, có cơ hội xin cư trú vĩnh viễn. Ngoài ra, người lao động còn được phép chọn lựa công việc và thay đổi công ty nếu có lý do chính đáng, những điều trước đây không thể thực hiện.

“Với chương trình này, lao động Việt không chỉ có nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao, môi trường tốt mà có thể tránh được các hình thức lợi dụng, thu phí cao của những tổ chức không có chức năng. Ngoài ra, chương trình còn góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế”, ông Dũng đánh giá.

Chưa xong quy trình

Sức hút từ chương trình kỹ năng đặc định đang được đông đảo người lao động quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang chậm trễ trong việc xây dựng quy trình thực hiện. Hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn tuyển lao động nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai.  

L.T.N (27 tuổi, Thanh Hóa), một  thực tập sinh đang làm việc tại Nhật cho biết, chỉ còn 3 tháng nữa, anh hết hợp đồng với công ty Nhật và muốn chuyển sang visa kỹ năng đặc định để làm việc lâu dài hơn. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy định cụ thể nên anh chưa biết thực hiện như thế nào. “Nhiều thực tập sinh đang làm việc tại nghiệp đoàn cũng đang sốt ruột về chương trình”, anh N cho hay. 

Lãnh đạo một công ty (đề nghị giấu tên) nói, khi chương trình được phía Nhật thông qua, các công ty phái cử đều rất vui mừng. Nhưng đến nay, các đơn vị đều tỏ ra rất mơ hồ vì không biết sẽ được lựa chọn hay không, thu phí hay không được thu phí…

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi nhận được hàng trăm bộ hồ sơ của người lao động về chương trình kỹ năng đặc định nhưng không dám nhận triển khai”, vị này nói.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động cho biết, kỹ năng đặc định là một chương trình mới, thu hút sự quan tâm rất lớn của người lao động nên ngay từ đầu, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chương trình được triển khai ngay. Tuy nhiên, thời gian qua, phía cơ quan chức năng vẫn chưa có sự chủ động nên tạo ra sự lúng túng cho cả doanh nghiệp và người lao động.  “Biết chương trình là mới, Bộ và Cục cần phải thận trọng nhưng với tiến độ như hiện tại là chậm so với nhu cầu thực tế”, ông Tân nói.

Theo ông Tân, trong các hội nghị gần đây, các doanh nghiệp đều mong muốn phía Bộ LĐ-TB&XH sớm có những tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải chủ động thông tin sớm về chương trình, tránh để những tổ chức, cá nhân lợi dụng lừa người lao động.

Chiều 9/10, thông tin đến phóng viên, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, cơ quan này vẫn đang đàm phán với các cơ quan của Nhật để xây dựng các tiêu chí. “Đến hôm nay, Cục vẫn đang họp nên chưa thể trả lời được”, ông Nam nói.