LTS: Trước những thông tin dự thảo chương trình giáo dục tổng thể, thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ một số ý kiến của mình về chương trình giáo dục bậc Trung học cơ sở.
Theo thầy Nguyễn Cao, vấn đề của chương trình mới là cần giải quyết bài toán giáo viên, trong đó, cần chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhìn vào dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” lần này, ta thấy một số môn học truyền thống đã không còn, điều này được thể hiện rõ ở cấp Trung học cơ sở như môn Sinh học, Vật lí, Hóa học; Lịch sử, Địa lí… mà thay vào đó là các môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lí.
Ngoài ra chúng ta thấy có một số môn học mới được đưa vào nhà trường kể cả ở cấp Tiểu học và Trung học phổ thông.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành giáo dục phải tính toán đến đội ngũ giáo viên đảm nhận các môn học này. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một bài toán lớn cho ngành giáo dục trong hoàn cảnh thực tại.
Khi phóng viên đài truyền hình Việt Nam đặt câu hỏi vào thời điểm tháng 8/2015, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết: “Khi ghép các môn học hiện nay thành 1 môn thì chỉ có một giáo viên giảng dạy”.
Phóng viên hỏi tiếp rằng liệu giáo viên có được dạy được kiến thức cả 3 môn không thì được ông Nguyễn Vinh Hiển trả lời: “Được chứ, vì các môn học trên giáo viên đã được học ở phổ thông cả rồi”.
Câu trả lời của nguyên Thứ trưởng đặt ra một dấu hỏi lớn cho nhiều độc giả và nhất là đối với đội ngũ giáo viên.
Bởi giáo viên có dạy được môn học “tích hợp” hay không thì lãnh đạo của Bộ cứ xuống cơ sở dự một vài tiết sẽ rõ.
Thực tế, nhiều giáo viên đang dạy 1 môn nhiều khi còn cảm thấy khó khăn, chầy chật từ chính môn học của mình, nhất là khi sau mỗi kì thi học sinh giỏi, nhiều giáo viên trong tổ chụm lại giải đề của học sinh còn toát cả mồ hôi chưa ra đáp án!
Như chúng ta đã biết, phần lớn đội ngũ giáo viên cấp Trung học cơ sở hiện nay được đào hệ Cao đẳng sư phạm, thậm chí có nhiều giáo viên được đào tạo hệ 12+2, sau đó hàm thụ lên dần.
Điều này cũng đồng nghĩa giáo viên chỉ nắm sâu được một chuyên ngành. Ví dụ ở bậc Cao đẳng ngày trước, các trường đào tạo theo tỉ lệ 70/30, nghĩa là môn chính được đào tạo 70% thời lượng và một môn phụ đào tạo 30% thời lượng.
Khi ra trường thì giáo viên được phân công dạy các môn đào tạo chính. Và, cứ như thế, hàng chục năm đứng lớp, giáo viên chỉ dạy môn học chính của mình đã được đào tạo.
Nhưng, bây giờ theo khung chương trình giáo dục mới thì giáo viên dạy các môn học gộp lại như Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lí liệu có cáng đáng nổi không?
Phát biểu trước giảng viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chiều ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:
“Muốn có đội ngũ giáo viên như ý thì phải bồi dưỡng từ giờ để 4 năm sau mới có đội ngũ hoàn chỉnh.
Trong khi đó, chuẩn bị chương trình phải từ bây giờ, nếu không làm đồng bộ, đồng cấp thì chương trình và sách giáo khoa mới có rồi mà đội ngũ giáo viên chưa có thì việc đổi mới sẽ rất khó khăn”.
Ông còn chia sẻ thêm: “Tới đây có chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì nhiệm vụ bổi dưỡng, đào tạo lại lẫn đào tạo mới đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp, thực nghiệp, kỹ thuật công nghệ sẽ rất nhiều”.
Có lẽ tham vọng của vị tư lệnh ngành và ngành giáo dục là rất lớn về sự đổi mới lần này để thay đổi cả chất và lượng, nhằm đáp ứng được sự kì vọng của xã hội.
Nhưng, bài toán giáo viên sẽ cực kì khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
Nếu để đội ngũ giáo viên hiện tại của các môn học được ghép trong lần thay đổi sách giáo khoa sắp tới e phần lớn giáo viên sẽ không cáng đáng được.
Những môn về khoa học xã hội có thể giáo viên còn có thể “gắng gượng” được bởi dù sao đó cũng là môn học “thuộc bài” còn những môn khoa học tự nhiên dưới dạng tích hợp nhiều môn học lại thì xem chừng không mấy khả quan.
Vì sao thế, bởi hiện nay chỉ một môn giáo viên còn đang chầy chật trong mỗi lần chỉnh sửa, đổi mới sách giáo khoa hàng năm.
Cứ nhìn vào điểm tuyển sinh đại học sư phạm những năm qua, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được những khó khăn cho những năm sắp tới.
Những học sinh giỏi và nhà có điều kiện thì không mấy em lại thi sư phạm nên ngành sư phạm chỉ có tuyển được những học sinh có học lực trung bình, học sinh khá giỏi vào sư phạm chỉ có những em có hoàn cảnh khó khăn (nhưng không nhiều).
Rồi một bộ phận giáo viên do lịch sử để lại có mặt bằng trình độ không cao, giáo viên giỏi thực sự không nhiều nhưng khi chúng ta áp dụng đại trà thì bắt buộc giáo viên phải đảm nhận giảng dạy lượng kiến thức như nhau.
Trong khi các môn tự nhiên như môn Hóa học phải thuộc được các công thức hóa học, hóa trị, khối lượng nguyên tử… Môn Vật lí phải nhớ được hàng trăm công thức, định luật…
Nếu giáo viên giảng dạy mà nắm không chắc, hiểu không kĩ kiến thức thì làm sao dạy được học trò, chẳng lẽ lại vừa dạy vừa nhìn sách tham khảo thì còn ra thể thống gì và có phải chúng ta lại quay lại thời kì đọc chép không?
Trong trường hợp mà một môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên mà phân công cho 3 giáo viên dạy thì rắc rối vô cùng, chẳng lẽ một môn học mà 3 giáo viên dạy trong một lớp.
Nhưng, nếu không làm như vậy thì giáo viên có đảm nhận được mà sự thiệt thòi sẽ thuộc về học trò và không đúng với chủ trương của người viết chương trình mới.
Tuy nhiên, trong khi giáo viên về môn học mới này ngay cả trường đại học cũng chưa được đào tạo mà nếu có được đào tạo thì đội ngũ giáo viên cũ phải giảm biên chế chăng?
Còn nói như nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói “các môn học trên giáo viên đã được học ở phổ thông cả rồi” thì e đó là điều khiên cưỡng.
Mọi việc đâu có thể đơn giản như thế, chuyện “học ở phổ thông” khác xa với khi đóng vai trò là người truyền đạt tri thức.
Việc đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng có thành công hay không thì yếu tố then chốt nhất vẫn là chất lượng của người thầy.
Việc chúng ta gộp một số môn học truyền thống thành những môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở nếu không có sự chuẩn bị bài bản, có tính chiến lược thì sẽ thất bại hoặc không đạt được mục đích như chúng ta đang kì vọng.
Vì thế, bài toán chất lượng giáo viên cần phải được cân nhắc và chuẩn bị đào tạo kĩ lưỡng ngay từ bây giờ.