Chuẩn bị tâm lí cho trẻ khi quay lại trường học

TP - TS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian qua, Khoa tiếp nhận và thăm khám một số trẻ có vấn đề tâm lí khi học trực tuyến ở nhà một thời gian dài.

Học sinh trường THPT Phan Đình Phùng quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: Trọng Tài

Tại khoa Sức khỏe Vị thành niên, bệnh nhi H.M.N (15 tuổi, ở Hà Nội) được mẹ đưa đến khám vì bé cảm thấy lo sợ vô cớ, lo lắng quá mức, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ. Chị Hoài, mẹ của N., cho biết, thời gian ở nhà chống dịch, học trực tuyến con có biểu hiện lo sợ nặng lên, không tập trung học hành. Bác sĩ khám và kết luận trẻ bị rối loạn lo âu lan tỏa và phải điều trị tâm lí.

TS Loan cho hay, khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi do trước đó trẻ đã ở nhà trong một thời gian dài. Tùy độ tuổi, tâm lí của trẻ sẽ có sự biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác.

“Với một số trẻ nhỏ cấp tiểu học, trẻ đã quen với việc học ở nhà, có bố mẹ chăm sóc thì tới đây, khi đến trường học, trẻ phải làm quen với môi trường mới. Trẻ sẽ không còn là trung tâm của mọi hoạt động vì một cô giáo sẽ cùng chăm sóc cho nhiều bạn. Đây cũng là một sang chấn tâm lí đối với trẻ, khiến trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong thời gian đầu mới quay trở lại trường”, bác sĩ Loan cảnh báo.

Theo TS. Loan, chuẩn bị tâm lí vững vàng cho trẻ trước khi đến trường là hết sức cần thiết. Cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Hãy cho trẻ biết một số vấn đề có thể gặp phải khi quay trở lại trường học như: Phải dậy sớm hơn để có thời gian vệ sinh cá nhân, chuẩn bị quần áo, cặp sách đi học vì thế cần đi ngủ sớm hơn để đảm bảo đủ thời gian ngủ, tránh bị mệt mỏi, buồn ngủ khi đến lớp.

“Cha mẹ nên theo sát con đặc biệt là trong 1-2 tuần đầu con đi học, nếu có vấn đề tâm lí bất thường cần tâm sự trò chuyện với trẻ để có thể tư vấn cho con hợp lí. Trẻ em ở độ tuổi tiểu học có thể gặp tình trạng dễ sợ hãi, hung hăng, đeo bám, gặp ác mộng, trốn học, kém tập trung, và rút lui khỏi các hoạt động và bạn bè. Trẻ vị thành niên có thể bị rối loạn ăn và ngủ, kích động hoặc buồn bã, gia tăng xung đột, phàn nàn về thể chất, từ chối đi học, kém tập trung trong việc học tập”, bác sĩ Loan thông tin.

Vì thế, theo các bác sĩ tâm lí, quá trình thích nghi cần một thời gian, do đó cha mẹ cũng không nên trầm trọng hoá vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kĩ năng, cách thức bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh.