Chưa tìm thấy hiện tượng trấn yểm nào trong lịch sử

TP - Trước những thông tin được báo Bảo vệ Pháp luật Cuối tuần đề cập  trong loạt bài "Thánh vật ở sông Tô Lịch" làm cho nhiều người bán tín, bán nghi, GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống khẳng định như trên.

GS Trần Lâm Biền nói: Nhận thức chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam về thế giới bên kia chủ yếu dựa trên nghiệm chứng, “bất khả tư nghị” (không thể luận bàn được). Vì thế, người xưa không luận bàn về vấn đề này.

Bởi vậy, mọi lý luận về nó cho đến nay thường dựa vào ý chủ quan của cá nhân.

Đương nhiên, chúng ta vẫn tôn trọng những ý kiến nghiên cứu của những người quan tâm tới vấn đề với phương diện hay góc độ “giả thiết để làm việc”.

Vậy cái gọi là Thánh vật ở sông Tô Lịch có phải là một ngoại lệ, thưa ông?

Từ sự nhìn nhận bằng quan điểm đó chúng ta quan tâm tới hiện tượng như báo Bảo vệ pháp luật Cuối tuần đã đề cập trong thời gian gần đây thông qua những câu chuyện, những ý kiến được coi là của người trong cuộc, “ngoại cảm” cũng chỉ dừng lại ở mức độ là hiện tượng thôi.

Trong tất cả những hiện tượng đó hầu như đều chưa được kiểm nghiệm bởi những tổ chức chuyên môn và có trách nhiệm nên việc sớm “công bố” những tình tiết huyền bí đó nhiều khi mang tính mê hoặc xã hội và chứa đựng yếu tố tiêu cực cao hơn là bản chất khoa học của vấn đề. Nó không có một ngoại lệ nào cả.

Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng ở sông Tô Lịch?

Chúng ta cũng đã từng thấy có hiện tượng nhiều người xuống giếng đã bị chết. Nhưng, để lý giải được cái chết đó và tránh được những đồn thổi thiếu căn cứ thì các nhà khoa học tự nhiên đã vào cuộc đồng thời có sự giải thích rõ ràng.

Vậy, vấn đề hay còn gọi là hiện tượng ở sông Tô Lịch mà gần đây báo chí giật tít là Thánh vật ở sông Tô Lịch khi chưa có đầy đủ các cơ quan chức năng tham gia nghiên cứu, lý giải bằng cơ sở khoa học thì sự tuyên truyền một chiều như vừa qua cần phải được xem xét ý đồ đằng sau của người viết.

Một điểm cụ thể là, việc cố GS Trần Quốc Vượng bị ung thư thực quản phải nằm viện trong nhiều tháng, được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi bị đồng nhất với hiện tượng “ma ám” do cầm một số hiện vật là điều không thể chấp nhận được.

Mặt khác, những rủi ro của xã hội cũng không nên vận vào với việc thần linh ở sông Tô Lịch. Sự “liên kết này” có thể đã làm méo mó nhận thức của một bộ phận quần chúng đối với những tiêu cực nảy sinh trong cơ chế thị trường hiện nay.

Đồng thời sự gán ghép ấy vô hình trung khiến cho không ít người nghi ngờ thế lực của thế giới bên kia, kèm theo nghi ngờ lời dạy của tổ tiên.

Vì người xưa (theo bia chùa Bối Khê, thế kỷ 15 - Thanh Oai, Hà Tây) đã từng chỉ ra rằng, anh tú của đất trời là sông núi, anh tú của sông núi thần linh. Thần linh là vẻ đẹp thánh thiện, đem mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi đến với thế gian. Vậy, những thông tin như báo Bảo vệ Pháp luật Cuối tuần đã đăng phần nào đi ngược lại nhận thức bản sắc văn hóa của dân tộc.

GS Trần Lâm Biền

Với tư cách là nhà nghiên cứu lâu năm về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, ông có cho rằng trong lịch sử có hiện tượng trấn yểm không?

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam rất khó tìm thấy sự tai ác trong việc dùng người để yểm của thời quá khứ.

Và hiện tượng này hầu như không gặp, trong bất kể di tích kiến trúc, nghệ thuật lẫn di tích khảo cổ học, đồng thời cũng không tìm thấy ở một số nghĩa trang cổ.

Người ta chỉ thấy được hiện tượng tại nghĩa trang của người Mường cổ ở Đống Thếch (Hòa Bình) với trung tâm là một mộ lớn có kết cấu hầm, buồng. Xung quanh đó là mộ cắm đá của người khác.

Đã có nhiều ý kiến về hệ thống mộ này nhưng không hề thấy có hiện tượng trấn yểm hay yểm bùa. Vậy thì, nếu ở khúc sông Tô Lịch đó có cái gọi là trấn yểm, yểm bùa thì các nhà nghiên cứu phải giải thích bằng được, rằng hiện tượng yểm bùa này để làm gì, bắt nguồn từ đâu?

Cũng đã nghe một số ý kiến rằng người xưa, thời Bắc thuộc có trấn yểm, yểm bùa nhưng khi hỏi bằng chứng hiện vật thì ai nấy cũng đành chịu. Do vậy, để trả lời có hay không thì phải có sự nghiên cứu đa ngành, liên ngành thì mới mong có được những nhận định mang tính khoa học.

Nghe nói ở sông Tô Lịch có vị thần cai quản?

Mỗi một con sông đều có một vị thần, cụ thể ở sông Tô Lịch có ông Tô Lịch. Ngày xưa, xung quanh sông Tô Lịch có nhiều đền, đình thờ ông Tô Lịch (thời Bắc thuộc) làm Thành hoàng làng.

Khi nhà Lý với sự phát triển của mình bằng kinh tế nông nghiệp thì người ta lại nhập thần Linh Lang vào con sông này. Vì thế, hiện nay nhiều đền thờ dọc sông Tô Lịch có thờ thần Linh Lang để phù trợ cho người dân có mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, yên bình.

Đứng ở góc độ người dân bình thường, ông có khoảng bao nhiêu phần trăm tin vào chuyện “thánh vật”?

Tôi thật sự không tin mặc dù là người nghiên cứu sâu về tín ngưỡng, tôn giáo. Sở dĩ nói như vậy là bởi ẩn nấp ở đằng sau cách viết của tác giả là hình thức mê tín dị đoan. Nó đánh đúng vào nhu cầu sẵn có của một bộ phận quần chúng.

Xin cám ơn ông.