Chưa Tết đã ùn ùn nhập viện vì tai nạn do bia rượu

TPO - Dù còn gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc sử dụng bia rượu và số vụ ngộ độc do rượu đã tăng lên đáng kể. 
Ảnh minh hoạ: Internet

"Đệ tử lưu linh" kéo nhau vào ... bệnh viện

Khoa cấp cứu, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã quá nửa đêm vẫn tấp nập người, tiếng chân chạy rầm rập, thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu lại hú từng hồi khiến nhiều người giật mình. Tại khu vực sảnh của khoa, 2 thanh niên xước xát khắp người vừa được đưa vội lên bàn cấp cứu, miệng vẫn còn lảm nhảm, mùi rượu nồng nặc. Một y tá trẻ vội đẩy chiếc bàn dụng cụ cấp cứu tới, lắc đầu ngao ngán "lại thêm một đệ tử lưu linh nữa rồi. Từ tối đến giờ, đây là ca thứ 7 cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) do say rượu gây ra, nhưng 2 ca này xem ra còn nhẹ, chứ mấy ca lúc tối vào gẫy cả xương sườn, có ca đến viện đã hôn mê".

Theo một BS trực tại Khoa cấp cứu cho biết, mỗi ngày khoa phải tiếp nhận vài chục cấp cứu từ TNGT, tại nạn sinh hoạt, tại nạn lao động cho tới các vụ tai nạn do đánh nhau gây ra. Nhưng vào dịp tết, số vụ cấp cứu nhiều khi tăng lên hơn trăm ca mỗi ngày. Phần lớn các ca cấp cứu do tai nạn vào dịp Tết có nguyên nhân từ say rượu, say bia gây ra và hầu hết trong tình trạng rất nặng, nhất là những ca TNGT thường bị chấn thương sọ não hoặc đa chấn thương.

Rượu bia không chỉ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT, đánh lộn nhau mà lạm dụng rượu bia còn dẫn tới tình trạng ngộ độc vô cùng nguy hiểm. 

Đặc biệt là với những loại rượu giả, rượu kém chất lượng được nấu thủ công pha trộn cả hóa chất, hoặc ngâm những loại cây thuốc nguy hại. Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, những ngày này, hầu như ngày nào cũng phải tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu bia. 

Tại khu điều trị của trung tâm, nạn nhân L.Q.M ( 21 tuổi) đã vào đây cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy gan chỉ vì trong  "trận tất niên" với bạn bè cũng lớp, đã nổi hứng làm liền một hơi 2 chai Vorka Hà Nội. Cùng điều trị với bệnh nhân L.Q.M còn có một thanh niên là cán bộ một công ty lớn cũng bị ngộ độc nhưng là ngộ độc rượu thuốc ngâm … " thập toàn đại bổ" và cũng đang trong tình trạng tụt huyết áp, giãn mạch, dị ứng toàn thân và sốc.

"Vui có chừng, dừng đúng lúc" để bảo vệ mình và không gây hoạ cho người khác

Rõ ràng những tai họa do rượu bia gây ra vào các dịp Tết là vô cùng lớn, nhưng hiện những biện pháp kiểm soát tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn chỉ ở mức tương đối. Thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế thì Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia nhiều trên thế giới. 

Theo Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, bình quân tiêu thụ đồ uống có cồn không vượt quá 9 lít/người/năm, nhưng ở Việt Nam con số này lên mức 19 lít/người/năm. Tính trung bình, mỗi năm cả nước hơn 450 triệu lít rượu các loại, trong đó có trên 250 triệu lít rượu thủ công do người dân, hoặc các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ tự nấu. Đặc biệt vào dịp Tết khi lượng rượu bia được tiêu thụ mạnh thì cũng dịp để nhiều loại " quốc lủi", rượu giả, không đảm bảo, hàm lượng độc tố cao gây nguy hiểm cho người sử dụng được tung ra thị trường.

Theo TS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, mọi người khi sử dụng rượu bia vào những ngày Tết cần phải tự kiểm soát bản thân, có chừng mực và hạn chế tối đa việc uống nhiều loại rượu bia khác nhau và không nên uống vào sáng sớm hoặc lúc đói. Bởi lẽ những tác hại, hậu quả do say rượu bia gây ra rất nguy hiểm. 

Chỉ ngộ độc rượu nhẹ, nạn nhân cũng có thể bị mất kiểm soát, dẫn đến rối loạn hành vi. Còn nếu nặng, nhiều, nồng độ cồn trong máu quá cao sẽ bị ngộ độc cấp tính, gây ra ức chế hệ thống thần kinh trung ương dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.