Chưa phân làn trên tất cả các tuyến phố Hà Nội

TP - Được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo phải phân làn trên tất cả các tuyến phố, nhưng Sở GTVT vừa cho biết, từ nay đến cuối năm, liên ngành Công an- GTVT chỉ phân làn trên 13 tuyến.

> Bộ GTVT cử cán bộ khảo sát xe buýt Hà Nội
> Cột biển báo phân làn dễ gây tai nạn

Hà Nội đã chi hơn 23 tỷ đồng cho phân làn. Ảnh: Trọng Đảng.
 

Theo Sở GTVT, sau khi có chủ trương của thành phố và xét các điều kiện để có thể phân làn phương tiện, Sở GTVT đã chọn ra 13 tuyến phố để liên ngành triển khai việc tách dòng phương tiện theo làn. Trong gần một tháng qua, đã có 5 tuyến phố được triển khai, 8 tuyến còn lại cũng lần lượt được triển khai tiếp từ nay đến cuối năm.

Về việc UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo Sở GTVT phải phân làn trên tất cả các tuyến phố, một lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, trước mắt phải để theo dõi, duy trì hoạt động trên 13 tuyến phố sau khi được tách dòng phương tiện, xem chuyển biến thế nào. Sau đó, nếu tình hình tốt, người dân đi lại có trật tự hơn, sang năm 2012, liên ngành tiếp tục nghiên cứu phương án phân làn cho các phố tiếp theo.

“Theo chỉ đạo thì Sở GTVT cơ bản phải tổ chức phân làn trên tất cả các tuyến phố. Tuy nhiên, tiến độ, và thực hiện thế nào cần có thời gian nghiên cứu, theo dõi. Hơn nữa ngoài 13 tuyến phố trên, các tuyến phố ở trung tâm hiện nay lòng đường nhỏ hẹp, mật độ phương tiện dày đặc, điều kiện tổ chức giao thông ở đây rất khó khăn”, vị lãnh đạo này nói.

Về điều kiện để tổ chức phân làn trên các tuyến phố, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội chỉ có hai tuyến là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đại lộ Thăng Long là đủ tiêu chuẩn để phân làn. Tuy nhiên trước tình trạng ùn tắc và để các phương tiện bớt xung đột, đi lại lộn xộn với tiêu chí là các tuyến phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố đã phân luồng một chiều và có mặt cắt ngang mỗi chiều tối thiểu từ 10m trở lên, Sở GTVT đã đưa ra phương án tách dòng phương tiện cho 13 tuyến phố.

“Trước mắt, từ giờ đến hết năm 2011, liên ngành sẽ thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện cho 13 tuyến phố đã được lựa chọn theo tiêu chí trên”, ông Tân nhấn mạnh.

Không cảnh báo từ xa, không có phản quang về đêm là những nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn trên phố phân làn.
Ảnh: Nguyễn Thành.

80% đường không đủ tiêu chuẩn phân làn

Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, hiện trên toàn thành phố Hà Nội có hơn 7.300 km đường giao thông, trong đó đường có mặt cắt dưới 11m chiếm 80%. Như vậy theo các chuyên gia, nếu xét theo tiêu chí mà Sở GTVT đưa ra để thực hiện phân làn thì có 80% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên10m) để thực hiện phân làn.

Tuy nhiên, trong văn bản số 8417 gửi các sở, ngành, quận huyện đầu tháng 10 vừa qua, UBND TP Hà Nội vẫn yêu cầu Sở GTVT chủ trì xây dựng phương án tổ chức phân làn phương tiện trên tất cả các tuyến phố. Nhiều chuyên gia cho rằng, tổ chức giao thông theo làn là hợp lý với một đô thị văn minh.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh đường sá, hạ tầng chưa cho phép chỉ nên nghiên cứu thực hiện trên các tuyến đường phù hợp, các tuyến còn lại muốn phân làn cần nghiên cứu, đánh giá khoa học kỹ lưỡng, không nên theo phong trào”, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nói.

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, việc phân làn Hà Nội đang làm theo kiểu riêng. Ở đó người vi phạm hay tuân thủ pháp luật đều như nhau, và khi có lực lượng chức năng cưỡng chế thì lưu thông theo ý đồ nhà tổ chức, vắng lực lượng này mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Theo Báo giấy