Hội nghị quốc tế về Syria với sự tham gia của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Kuwait, lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả Rập và Liên minh châu Âu hôm 30-6 vừa qua đã thống nhất việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp ở đất nước Syria.
Theo đó, chính quyền chuyển tiếp được thành lập dựa trên cơ sở sự đồng thuận và bao gồm đại diện của chính phủ hiện tại cũng như của phe đối lập. Trước mắt, các bên lập tức chấm dứt bạo lực và ngồi vào bàn đàm phán.
Tại buổi họp báo, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn các quốc gia Ả Rập Kofi Annan, cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất những triển vọng tương lai, có thể được sự chia sẻ của tất cả mọi người ở Syria, đó là một nhà nước thực sự dân chủ và quốc gia đa nguyên với bầu cử tự do, tôn trọng quyền con người và văn bản pháp luật, với cơ hội bình đẳng cho tất cả. Đó là những bước đi rõ ràng tới thời kỳ quá độ, mà khung thời gian không cố định. Cơ quan quản lý chuyển tiếp sẽ có đầy đủ quyền hạn của chính quyền hành pháp”.
Theo báo giới, hội nghị tập trung vào các nội dung: chính quyền quá độ, kết thúc bạo lực với chấm dứt cung cấp vũ khí và rút quân đội khỏi các điểm dân cư, cũng như áp lực tiếp theo với Syria từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, căng thẳng và kéo dài thời gian nhất chính là vai trò của Tổng thống Bashar al - Assad trong chính quyền chuyển tiếp. Và đây cũng chính là mấu chốt thể hiện sự khác biệt về lập trường giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và đồng minh.
Trả lời báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, tuyên bố cuối cùng của hội nghị không mang đòi hỏi Bashar al-Assad phải từ chức.
“Quá trình chuyển đổi sang một giai đoạn mới sẽ do người dân Syria quyết định. Việc loại bỏ bất kỳ bên nào ra khỏi tiến trình chuyển giao ở Syria là điều không thể chấp nhận được” – Đài tiếng nói nước Nga ngày 1-7 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh: “Giải pháp chính trị cho vấn đề Syria chỉ có thể do người Syria thực hiện và được các bên liên quan chấp thuận. Các thế lực bên ngoài không thể ra quyết định thay cho người dân Syria”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng những nhượng bộ mà người Mỹ chấp nhận khi thỏa thuận các vấn đề tại Geneva là "tối thiểu và không ảnh hưởng đến bản chất của chính văn bản”.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, những thỏa thuận tại Geneva không cho phép ông Assad tham gia vào Chính phủ chuyển tiếp của Syria, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các nguyên tắc Geneva tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho rằng, ông Bashar al - Assad cần phải ra đi trước khi chính quyền chuyển tiếp được thành lập.
Ngoại trưởng Pháp tuyên bố: "Văn kiện nói cụ thể rằng sẽ có một chính phủ chuyền tiếp với toàn bộ quyền lực. Đó không phải là ông Bashar al-Assad bởi vì đó sẽ là những người được các bên đồng thuận. Phe đối lập sẽ không bao giờ chấp nhận ông ta, vì vậy văn bản này gợi ý rằng ông Assad phải ra đi và điều đó có nghĩa ông ta đã hết thời".
Ông Fabius cũng nói rằng nếu thỏa thuận tại Geneva là không đủ, Pháp sẽ trở lại Hội đồng Bảo an để yêu cầu kế hoạch này được chiểu theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (Chương 7 của Hiến chương cho phép Hội đồng Bảo an chấp thuận các hành động từ trừng phạt đến can thiệp quân sự).
Tạm gác lại những bất đồng, các thành viên tham dự hội nghị thống nhất xúc tiến tiến trình hòa giải tại Syria, trước mắt là đổi mới Hiến pháp và tiến hành các cuộc bầu cử đa đảng. Mà theo như nhận định của đặc phái viên Kofi Annan, “bây giờ bắt đầu công việc khó khăn. Các đại biểu hội nghị và các bên tham gia cuộc xung đột ở Syria cần hoàn thành tất cả những gì đã thỏa thuận”.
Ngay lập tức, hãng AP, Mỹ, ngày 1-7 dẫn nguồn tin các nhóm đối lập Syria đã chính thức bác bỏ kế hoạch hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ về một cuộc chuyển giao chính trị tại quốc gia Trung Đông này, coi kế hoạch đó là mơ hồ và lãng phí thời gian, đồng thời tuyên bố không thỏa hiệp với Tổng thống Bashar al-Assad hay những thành viên của chế độ "sát nhân" hiện nay.
Nhân vật đối lập kỳ cựu Haitham Maleh tuyên bố: "Thật là thảm họa, đất nước đã bị hủy hoại và họ muốn chúng tôi ngồi chung với kẻ sát nhân?".
Ông Maleh cho rằng kế hoạch trên là sự lãng phí thời gian và "không có giá trị thực tế".
Nữ phát ngôn viên Bassma Kodmani của Hội đồng Dân tộc Syria thì gọi thỏa thuận này là "mơ hồ" và thiếu một cơ chế hay lịch trình để thực thi.
Cùng ngày, truyền thông nhà nước Syria cũng có chung nhận định với phe đối lập. Tờ Al-Baath của đảng Baath cầm quyền khẳng định hội nghị tại Geneva đã "thất bại"
Với những tuyên bố đáp trả cứng rắn từ các phía về kết quả hội nghị Geneva, có thể thấy, ước vọng hòa bình cho Syria vẫn rất xa vời.