TPO - Nhà quá xa, hàng trăm học sinh ở vùng cao Nghệ An được bố trí cho ở tạm tại trường để học tập. Không có điện, thầy trò phải thắp nến để học bài mỗi đêm.
Theo lộ trình năm học 2022 - 2023, tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 bậc tiểu học. Để thực hiện việc phổ cập 2 bộ môn này cho học sinh, từ đầu năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã đưa học sinh từ lớp 3-5 ở các điểm trường lẻ về trường chính để học tập.
Địa hình cách trở, nhiều học sinh đi học phải mất nửa ngày trời, do đó các em ở xa được sắp xếp ở bán trú ngay tại trường. Tuy nhiên, nhiều trường trên địa bàn chưa được công nhận là trường bán trú, nên không có cơ sở vật chất phục vụ ở bán trú cho học sinh. Nhiều trường hiện còn thiếu thốn từ phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, nhà bán trú… thậm chí còn chưa có điện lưới.
Thầy Nguyễn Văn Khoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Lý 2 (huyện Kỳ Sơn) cho biết, nhiều học sinh nhà cách trường hơn 20km, không thể đi về mỗi ngày. Để có chỗ ăn ở bán trú cho 135 học sinh, các giáo viên đã phải tận dụng các vật liệu từ căn nhà cũ đã tháo dỡ lắp đặt một căn nhà chung.
“Một số em được cho ở ghép phòng với các thầy, còn lại ở chung một phòng. Khó khăn đủ thứ, nhưng khó nhất hiện nay vẫn là thiếu điện. Không có điện nên rất vất vả cho việc dạy và học của thầy trò. Nhất là buổi tối, thầy trò phải thắp nến để ăn, học bài, soạn giáo án… cực lắm”, thầy Khoa nói.
Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, hiện trên địa bàn còn có 5 trường tiểu học và 1 trường mầm non chưa có điện. Việc chưa có điện lưới gây khó khăn cho việc dạy và học, nhất là với 2 bộ môn mới tiếng Anh và Tin học.
Ngoài ra, học sinh ở nội trú không có điện để học bài, sinh hoạt buổi đêm. Thức ăn cho thầy trò cũng không thể dự trữ vì không có điện chạy tủ lạnh.
Trước nhu cầu bức thiết trên, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn đã phát động, kêu gọi các cá nhân, đơn vị hảo tâm ủng hộ lắp đặt các bộ điện pin mặt trời lưu trữ giúp đỡ các trường để phục vụ công tác dạy và học.