“Không nên trì hoãn sự sung sướng” - lời thoại quen thuộc của nghệ sĩ Hán Văn Tình (vai Chu Văn Quềnh) trong phim “Đất và Người” đã đi vào đời sống suốt bao nhiêu năm qua. Bộ phim ấy dường như cũng đã lấy mất tên thật của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hán Văn Tình trong tư cách của một diễn viên lâu năm của Nhà hát Tuồng Trung ương.
Dù đã có nhiều người thân, bạn hữu cũng như khán giả đồng hành cùng anh trong cuộc chiến chống bệnh trọng này, nhưng khi đối diện với chính mình, anh vẫn không tránh khỏi những niềm riêng không dễ sẻ chia…
Chu Văn Quềnh húng hắng ho từng cơn, được cô con gái dìu đi lại trong phòng bệnh sạch sẽ, trắng toát ở Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (34, Đại Cồ Việt, Hà Nội). Nhìn anh không khác gì mấy so với thường ngày, với dáng người gầy gò, ốm yếu, tuy nhiên, hôm nay, trông anh tiều tụy hơn vì phải đối mặt với căn bệnh quái ác đang dày vò thân thể. Những câu chuyện với anh bị đứt quãng bởi tiếng ho, tiếng hỏi han, đôi khi cả những cái chau mày ôm lấy ngực của một bệnh nhân đã có tuổi Hán Văn Tình, chứ không phải là anh chàng Chu Văn Quềnh tếu táo, ranh mãnh trong bộ phim "Đất và Người" nổi tiếng một thời trên màn ảnh nhỏ.
Không có vẻ hài hước như mọi khi với gương mặt và tài năng trời ban, không còn những câu nói đùa cười vỡ bụng như những ngày còn khỏe mạnh, anh đi đi lại lại, tự nhìn ngắm mình và những người xung quanh, rồi lại buông một câu chẳng đâu vào đâu: "Ê chề lắm!". Không hiểu ý của anh là gì, nhưng tôi đoán rằng, anh đang mệt mỏi kinh khủng với những ngày đối diện với tật bệnh, với những mũi tiêm, với những phương pháp chữa trị cho căn bệnh quái ác.
Tôi vẫn nhớ lần gần đây, chỉ mới đầu năm nay, khi gặp anh để hỏi về đời sống của những nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Tôi vẫn nhớ như in, gương mặt anh trong dáng đi tất tưởi với chiếc mũ bảo hiểm to vật vã trên chiếc xe máy cà tàng Wave Alpha và giọng nói vang chẳng khác gì mấy so với cách lồng tiếng trong phim. NSƯT Hán Văn Tình vẫn đón nhận được nhiều ánh mắt thiện cảm của hầu hết khán giả xem phim còn nhớ đến anh.
Tôi nói đùa, trông anh giản dị quá. Cái dáng xơ xác, nghèo nghèo ngoài đời của anh không khác gì mấy so với anh Quềnh trong phim cả. Anh đang giả bộ hay sao ấy? Nghệ sĩ Hán Văn Tình cười (như mếu), trải lòng: "Nghèo thật ấy chứ, giả bộ cái nỗi gì! Ai ra đường chả muốn mình trông thật sang trọng, oai vệ, nhất là những người làm nghề diễn viên như chúng tôi. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, mình có muốn cũng không thể vẽ thêm đuôi, thêm cánh cho con gà thành con công được. Diễn viên Nhà hát Tuồng chúng tôi nói thẳng ra là sống nghèo so với mức sống bình quân trong tầng lớp các nghệ sĩ sân khấu. Nếu không tin, bạn thử tìm một đáp số thì biết.
Lương thấp, thu nhập bên ngoài hầu như không có gì. Đi diễn một đêm được 50 nghìn đồng ăn thêm bát phở là hết, còn dành dụm được gì mang về cho gia đình? Bản thân tôi đã có 35 năm biên chế của Nhà hát, hiện là Đoàn trưởng Đoàn II, lương 4,06 vượt cấp 21% nhưng mỗi tháng nhận lương bao giờ cũng thấy chi tiêu được trong vòng chục ngày đã hết. Mà tôi hoàn toàn không tiêu pha hoang phí, chỉ là ăn uống, sinh hoạt, đổ tiền xăng xe, đóng tiền điện nước... hàng tháng của gia đình. Đấy là chưa tính đến con cái học hành, tiền ốm tiền đau, ma chay, cưới hỏi… Vậy thì thử hỏi, những em, những cháu mới ra trường với đồng lương khởi điểm hơn triệu bạc thì sẽ làm gì với cuộc sống hiện nay?
Những ca sĩ nhạc nhẹ này nọ thì còn "chạy sô", chứ nghề hát tuồng, thì dù có tranh thủ được thời gian rảnh đấy, nhưng biết "chạy sô" kiểu gì? Họa chăng thì có những em đi làm thêm các dịp lễ hội đầu năm hay các cuộc lễ hội trong năm như đánh trống, múa lân nhân dịp Trung thu này nọ. Nhưng cái món này, cũng càng ngày càng bị cắt giảm, thì rõ ràng, diễn viên chỉ có cách lao động những nghề chân tay khác. Bản thân tôi đã có một thời phải đi lái xe thuê, đi bán than… để kiếm sống nuôi gia đình, thì nay nhìn lại các em các cháu trong đoàn, cùng cảnh ngộ, tôi thương lắm. Thương mà không làm được gì vì bản thân mình, dù là đoàn trưởng, nhưng cũng vất vả chẳng kém. Dù trong các cuộc họp tôi luôn hô khẩu hiệu là chúng ta phải yêu nghề, phải cầm cự để hy sinh vì nghệ thuật, nhưng kỳ thực là nước mắt tôi lặn vào trong. Bởi tôi biết rằng, nếu không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống thì những diễn viên trẻ kia đến một lúc nào đó khó mà trụ lại với nghề. Cũng chả trách họ được, vì làm vậy cả đời, họ mua nhà bằng cái gì, cho con cái ăn học ra sao với đồng lương ít ỏi…
Tôi hiện còn là Ủy viên Công đoàn Bộ Văn hóa, chuyên đi lo đời sống cho anh em diễn viên, nhưng bài toán này thực sự là khó giải. Nghĩ nhưng chẳng thể làm được gì vì nếu không có một cơ chế rõ ràng, không có một đường lối để giải bài toán tình cảnh diễn viên tuồng nói riêng và các diễn viên sân khấu dân tộc nói chung được vực dậy thì dần dần, sẽ không thể tìm được một tầng lớp kế cận để tiếp nối nghệ thuật truyền thống của dân tộc".
Vợ chồng nghệ sĩ Hán Văn Tình cảm động trước sự quan tâm chia sẻ của mọi người.
Buổi uống cà phê hôm ấy, anh tranh trả tiền nhưng tôi nhất định không đồng ý, còn nói đùa anh: "Tiền cà phê hơn cátsê một đêm diễn của anh đấy, còn như em đang đi xem, cho phép em được trả tiền!". Tối hôm ấy, anh gọi cho tôi, hớt hải: "Mai em ra quán cà phê hỏi giúp anh xem có để quên cái mũ lưỡi trai ở đấy không nhé, anh đội nó ở bên trong mũ bảo hiểm, giờ về thì không thấy nữa. Mũ lưỡi trai ấy bằng cả cát xê một đêm diễn của anh đấy!".
Hai anh em cùng cười. Bởi vì nỗi ám ảnh về tiền cátsê và sự nghèo khổ của diễn viên tuồng là có thật. Nhà anh may có thêm lương hưu của vợ và sự đôn đáo làm thêm, làm nếm chạy chợ của chị, nên không phải kiếm ăn từng bữa, chứ nhiều diễn viên ở nhà hát anh, chuyện vay nợ để lo miếng ăn từng bữa không còn lạ lẫm gì. Rốt cuộc chiếc mũ lưỡi trai của anh không có ở quán cà phê, chắc anh để quên đâu đó, vì có thì chắc chắn cô chủ quán quen đã giữ lại hộ rồi.
Gọi cho anh báo tin, giọng anh buồn buồn, tôi nói đùa, hôm nào em xin phép được tặng anh cái mũ mới nhé! Là nói thế, nhưng cuộc sống cuốn đi, bây giờ gặp lại, thấy anh chả tha thiết gì. Đúng là lúc ốm đau, thứ người ta cần duy nhất là sức khỏe.
May mắn là Hán Văn Tình, đối diện với bệnh trọng, có rất nhiều bè bạn, khán giả đồng hành. Câu chuyện của anh trở thành "sự kiện" nổi bật của giới truyền thông nằm ngoài dự kiến của anh và gia đình. Ban đầu, chỉ đơn giản là một người bạn đến thăm anh khi biết anh ốm, rồi ngạc nhiên vì gia cảnh của diễn viên nổi tiếng Hán Văn Tình, của một ông Trưởng đoàn Nhà hát Chèo Trung ương lại chỉ đơn sơ đến vậy trong một căn nhà cấp 4 xây đã lâu, trên một thửa đất chưa có sổ đỏ, với rất nhiều vật dụng đã cũ? Người bạn đã viết những dòng đầu tiên trên trang mạng xã hội Facebook, rồi báo chí biết và đưa tin.
Vợ anh, chị Lan, với gương mặt hốc hác vì đã nhiều đêm thức trắng, chia sẻ: "Anh ấy là người ham việc, anh làm việc tận tâm và dường như không bao giờ biết mệt là gì. Tối hôm 27-12, sau khi báo cáo vở "Tiếng gọi non sông" anh thấy mệt và đã phải nằm nghỉ sau khi buổi diễn kết thúc. Cứ nghĩ đây là vở diễn cũng nặng nên mệt nghỉ sẽ khỏe lại, nhưng đến ngày hôm sau anh vẫn thấy mệt và ngày 31-12 tôi phải đưa anh đến Bệnh viện Xanh-pôn khám vì ở đó anh có bảo hiểm và nơi tôi từng làm nhân viên hơn 30 năm. Khi chụp phổi thì bác sĩ thấy một bên phổi của anh trắng và đã khuyên tôi đến Bệnh viện Phổi Trung ương để khám lại. Tới đây, chúng tôi biết rằng chồng mình đã bị ung thư và bác sĩ còn nói với tôi là anh đã bị di căn màng phổi.
Có bệnh thì vái tứ phương, trong những ngày đó, nhiều bạn bè đã giới thiệu cho chúng tôi những nơi họ biết đã có người chữa khỏi và tôi quyết định đến bấm huyệt một thầy lang ở Hải Dương. Sáng hai vợ chồng tôi khăn gói quả mướp chở anh đi, xong đến chiều tôi lại đèo xe máy chở anh về. Mỗi lần bấm huyệt chỉ mất 50 nghìn đồng. Cứ như thế ròng rã gần một tháng trời, nhưng bệnh tình của anh không thuyên giảm. Cho đến cuối tháng 1 vừa qua, anh kêu khó thở, khi đưa đến Bệnh viện 19-8 cấp cứu thì anh đã bị tràn dịch và hút ra được hơn một lít. Kể từ ngày đó, cả gia đình tôi rất lo lắng cho bệnh tình của anh ấy. Điều may mắn là có rất nhiều người quan tâm, lo lắng và sẻ chia cả về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chúng tôi. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi và chúng tôi ngàn lần biết ơn mọi người về điều đó".
Con gái nghệ sĩ Hán Văn Tình chăm sóc bố.
Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến khi nhắc đến Chu Văn Quềnh, anh đã chia sẻ: "Dạo chuẩn bị chuyển thể tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường thành kịch bản "Đất và Người" mình bàn với đồng biên kịch Khuất Quang Thụy là phải sử dụng nhân vật Chu Văn Quềnh xuyên suốt tác phẩm. Trong tiểu thuyết, Quềnh chỉ là một gã dở người xuất hiện rất ít, được ăn một bữa và chết vì no. Nhưng Quềnh sẽ phải đảm nhiệm trong phim một vai trò khác và là nhân vật chính. Ngay từ lúc đó mình đã nhập tâm vào diễn viên Hán Văn Tình sẽ thủ vai Chu Văn Quềnh bởi khuôn mặt, vóc dáng và lối diễn khoa trương của một diễn viên tuồng.
Mình gặp Tình và đề nghị anh nhận vai này. Tình hỏi kịch bản thế nào? Mình bảo chưa viết nhưng nếu đóng thì Hán Văn Tình sẽ mất tên. Tình nhũn nhặn hứa sẽ đóng sau khi xem kịch bản và thấy hợp lý. Phim "Đất và Người" chưa phát sóng xong thì vợ chồng Hán Văn Tình đến nhà mình chơi. Tình nói bác đúng em mất tên thật rồi. Vợ chồng Hán Văn Tình dạo ấy rất quan tâm đến bệnh tật của mình, hay mang tặng thuốc.
Với Tình, tôi có khá nhiều kỷ niệm. Mình xây nhà, thợ xây đòi phải cho uống rượu với Quềnh, thế là nhờ. Họp họ cũng phải mời Quềnh về cho mấy người trong họ được xoa cái đầu trọc nhẵn bóng. Đến họp phụ huỵnh các thầy cô giáo cũng bắt phải mời bằng được Quềnh đến. Mua xe ôtô được hãng giảm cho 2.000 USD nhưng phải kèm điều kiện là mời Quềnh đến nhậu nhận xe... Nói một cách thẳng băng Chu Văn Quềnh làm sang cho hành trang tác phẩm của mình, làm sang cho một thằng nhà văn quèn. Hơn thế, Hán Văn Tình là người hiền lành, sống văn hóa và thật sự là một tài năng".
Khi nhắc đến tấm lòng của mọi người, Hán Văn Tình đã khóc, những giọt nước mắt mặn mòi hàm ơn vì nếu không có sự đồng hành này, gia đình anh chắc chắn không thể nào có điều kiện để có thể anh được chữa trị trong điều kiện tốt nhất như hiện nay. Bởi vì với đồng lương ít ỏi của anh, lương hưu vợ anh, cậu con cả vừa học lập trình ra trường, cô con gái thì học năm thứ nhất Đại học Nội vụ, gia đình anh không thể tìm đến một bệnh viện như hiện nay.
Đối với anh, đây như một giấc mơ vậy. Anh cũng cầu mong căn bệnh của mình là một giấc mơ, hoặc giả sử anh đang đóng một bộ phim mới có một vai diễn ấy, một vai diễn có hậu để kết thúc một cảnh trong đoạn cuối, anh được trở về cùng gia đình, cùng sân khấu chèo, lại được nói những câu chuyện khiến mọi người vui vẻ, và nếu được trở về đời thường, anh sẽ chẳng bao giờ "trì hoãn sự sung sướng đó lại"…
Theo Trần Hoàng Thiên Kim