Theo thông cáo được hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đăng tải, ông Tập nói rằng Trung Quốc và Nga “chia sẻ những mục tiêu chung”, và hai nhà lãnh đạo đã “trao đổi sâu về vấn đề Ukraine” trong cuộc gặp.
Ông Tập nhấn mạnh rằng “những tiếng nói của hoà bình và lý trí đang không ngừng tập hợp, và đa số các quốc gia ủng hộ giảm căng thẳng, ủng hộ hoà giải và đàm phán, phản đối việc tiếp thêm dầu vào lửa”, thông cáo cho biết.
Thông cáo cũng cho rằng “các cuộc xung đột cuối cùng đều phải giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng”, nhắc nhở rằng Trung Quốc gần đây đã đưa ra tài liệu quan điểm kêu gọi tìm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột.
Thông cáo nói thêm rằng đề xuất của Trung Quốc về giải pháp chính trị “phản đối tư tưởng Chiến tranh Lạnh, phản đối trừng phạt đơn phương” và “sẵn sàng tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine”.
Thông cáo từ phía Trung Quốc khẳng định, Tổng thống Putin đánh giá cao “quan điểm cân bằng, khách quan” của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, và khẳng định Nga “có thái độ cởi mở với việc đàm phán hoà bình, hoan nghênh vai trò xây dựng của Trung Quốc trong nỗ lực này”.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin cho rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc góp phần củng cố thế giới đa cực.
“Về tổng thể, những tương tác của chúng ta trên trường quốc tế chắc chắn đóng góp cho việc củng cố những nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế và hệ thống đa cực”, Tass dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.
Ông Putin cho rằng hai bên có rất nhiều vấn đề để bàn bạc trong hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn giữ quan điểm hoài nghi về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy cuộc gặp này sẽ tạo nên những diễn biến tích cực cho Ukraine.
Ông John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với báo chí rằng Mỹ vẫn lo ngại việc ông Tập nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine sẽ chỉ có lợi cho Nga, vì cho phép lực lượng Nga vẫn ở lại trong đất của Ukraine.
Ông Kirby nói rằng không có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ cung cấp vũ khí cho Mátxcơva, nhưng khả năng đó chưa được loại bỏ.
“Chúng ta sẽ thấy họ nói về điều gì sau cuộc gặp này. Ý tôi là chúng ta không biết liệu có thoả thuận nào đó không. Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi vẫn không tin Trung Quốc đã loại trừ khả năng đó (cung cấp vũ khí cho Nga)”, ông Kirby nói.
Ông Kirby cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa. Chưa có chương trình nào được chuẩn bị, nhưng giới chức Mỹ muốn bảo đảm việc đó diễn ra “vào thời điểm phù hợp”, ông Kirby cho biết.