Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2021, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến, góp ý, những hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.
"Nhìn vào chương trình của thành phố, nhìn vào những nỗ lực hành động của thành phố, quý doanh nghiệp sẽ nhìn thấy những đóng góp của mình trong đó. Trong chương trình gặp gỡ lần này, thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp mới để cùng tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố", ông Phan Văn Mãi nói.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EUROCHAM), sự tác động của đại dịch COVID-19, giờ đây du khách đi du lịch với tần suất ít hơn song lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch.
“Chúng tôi kiến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp với xu hướng mới trong du lịch, từ đó nâng cao khả năng thu hút du khách đến Việt Nam nhằm tối đa hóa lợi nhuận có thể đạt được từ du khách quốc tế. Các tour du lịch tại Việt Nam thường bị cắt ngắn để tương thích với thời gian 15 ngày miễn thị thực, điều này là tổn thất với du khách khi không đủ thời gian khám phá Việt Nam và cũng là tổn thất về lợi nhuận cho ngành du lịch”, ông Jean Jacques Bouflet trình bày.
Ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, TPHCM được dự đoán sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng giao thông, bắt đầu từ việc khai trương tuyến Metro số 1 sắp tới. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện hệ thống kho vận của Cảng Cát Lái, đơn vị phụ trách kho vận của TPHCM và khu vực phía Nam dường như vẫn còn chậm chạp.
“Chúng tôi mong thành phố quan tâm hơn đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầng cao hơn, chẳng hạn như vận hành hệ thống giao thông linh hoạt thông qua hệ điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thay vì hệ thống giao thông thống nhất; Mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp”, ông Shon Young Il nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EUROCHAM) cho rằng, phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển tại TPHCM được áp dụng từ ngày 1/4 cao và thời gian áp dụng không phù hợp, làm tăng thêm gánh nặng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch.
“Về lâu dài, nó làm cho khả năng cạnh tranh của cảng TPHCM kém hơn so với các cảng khác ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai,…”, ông Jean Jacques Bouflet nhận định.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám Sở Kế hoạch -Đầu tư TPHCM, trong năm nay, TP sẽ xây dựng tiêu chí và tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các Sở ban ngành, quận huyện thông qua đó nhận diện được điểm nghẽn tồn tại hạn chế, kịp thời tháo gỡ khắc phục nhằm mang lại môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng phục vụ.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, minh bạch hóa và giải quyết các thủ tục hành chính, nhanh chóng, Sở KHĐT đã công khai thông tin thủ tục hành chính theo quy định. Đồng thời, Sở đã công bố tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư so với thời gian theo quy định. Chẳng hạn, việc cấp phép mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày như trước đây…”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với các ý kiến cụ thể, UBND TP sẽ tổng hợp và phản hồi trực tiếp đến các hiệp hội.
"Các ý kiến nổi lên ở đây là vấn đề TPHCM phải hành động nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thông qua cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, chuyển đổi số, kết nối vùng, kết nối giao thông. Các vấn đề này chúng tôi xin ghi nhận và sẽ thực hiện...”, ông Mãi cho biết.