Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Trong khi đó, ở một số nơi việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp.
Từ thực tế tham gia việc giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kể, năm 2015, ông đã dẫn đầu một đoàn công tác liên ngành làm việc với địa phương về một vụ việc thi hành án dân sự. Khi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh “hứa” với đoàn là sau Đại hội Đảng sẽ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc, vị Phó Chủ tịch lên chức cao hơn, nhưng bản án vẫn không thi hành. “Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế”, ông Pha nói.
Cũng dẫn ra một ví dụ về công tác tiếp dân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, từng nhận được lá đơn của cử tri phản ánh việc “Chủ tịch tỉnh tiếp dân đúng 9 phút rồi đi nhậu”. Sau đó, người dân đã kéo đến tận chỗ Chủ tịch tỉnh ngồi nhậu đó nhưng tiếc là không chụp ảnh. “Nếu người dân chụp được bức ảnh đó về đưa lên trung ương thì chúng ta rất khó chấp nhận. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi…”, ông Nhưỡng nói.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng đề nghị có các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng “lười tiếp dân”. Ông Kim cảnh báo: “Nếu kéo dài tình trạng như vậy thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền”.
Ông Kim cũng khẳng định, chính quyền là người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân. “Pháp luật quy định là phải tiếp dân mà chủ tịch tỉnh lại không làm, né tránh thì tốt nhất cũng không nên làm chủ tịch nữa”, ông Kim nói.