Chủ tịch nước Trần Đại Quang sắp thăm chính thức Ethiopia và Ai Cập

TPO - Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia Mulatu Teshome và Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa Ả-rập Ai Cập từ ngày 23-29/8/2018.
Năm 2017, Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi Việt Nam từ ngày 6-7/9/2017 là người đứng đầu Nhà nước Ai Cập đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Ảnh: TTXVN

Năm ngoái, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 6-7/9/2017. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963.

Ai Cập là một trong những nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo, Thủ đô của Ai Cập. Năm 1964, Ai Cập đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013.

Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 316 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng tiêu dùng khác.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ai Cập là hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại và hàng tiêu dùng khác... Hàng năm, Chính phủ Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Ả-rập.

Ethiopia là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai ở châu Phi, với hơn 85% nguồn nước có từ sông Nile và có đất đai màu mỡ. Việt Nam với Ethiopia đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/ 3/1976. Ethiopia đã ủng hộ và phối hợp tốt với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Ethiopia còn rất hạn chế. Về thương mại, Việt Nam xuất sang Ethiopia chủ yếu những mặt hàng giày dép, dệt may, gạo, hải sản, sản phẩm chất dẻo, cà phê, hạt tiêu; ta nhập từ Ethiopia chủ yếu là gỗ. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đạt 35 triệu USD (tăng mạnh so với 2 năm trước đó). Hiện ĐSQ Việt Nam tại Tanzania  kiêm nhiệm Ethiopia.