Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 174 tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine kể từ khi bùng phát xung đột quân sự với Nga (tháng 2/2022). Trong đó, một gói viện trợ trị giá 61 tỷ đô la từng bị trì hoãn suốt nhiều tháng vì bất đồng giữa Hạ viện với Nhà Trắng.
“Tôi không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine, và tôi hy vọng điều đó không cần thiết”, ông Johnson nói. “Nếu ông Trump đắc cử, tôi tin rằng ông ấy thực sự có thể chấm dứt cuộc xung đột đó. Tôi thực sự tin như vậy. Tôi nghĩ ông Trump sẽ gọi cho ông Putin và nói với ông ấy rằng thế là đủ".
“Tôi nghĩ mọi người trên thế giới đều mệt mỏi và muốn giải quyết vấn đề này”, ông Johnson nói thêm. “Vì vậy, bất kể các điều khoản là gì, nhưng nếu bà Kamala Harris là tổng thống, tôi không nghĩ rằng xung đột sẽ kết thúc, đó là một kịch bản tuyệt vọng và nguy hiểm”.
Tháng trước, ông Johnson đã phản đối chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới một nhà máy đạn dược ở Pennsylvania, gọi đó là "một sự kiện vận động tranh cử rõ ràng mang tính đảng phái" và tương đương với "sự can thiệp vào cuộc bầu cử". Ông đã viết một lá thư cho ông Zelensky yêu cầu sa thải ngay lập tức Đại sứ Ukraine tại Washington, Oksana Markarova, vì đã tổ chức chuyến thăm.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 có ý nghĩa rất lớn đối với Ukraine. Các ứng cử viên đã thể hiện sự khác biệt lớn về lập trường đối với việc tiếp tục ủng hộ Kiev.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử, và chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky vì không "thỏa thuận" với Nga. Ông cũng cam kết sẽ đưa Mỹ "thoát khỏi" cuộc xung đột nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11.
Ngược lại, Phó Tổng thống Kamala Harris cáo buộc ông Trump ủng hộ việc đầu hàng của Ukraine, và tuyên bố sẽ từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Những phát biểu mới nhất của ông Johnson làm dấy lên lo ngại, rằng chiến thắng của ông Trump, nếu xảy ra, sẽ báo hiệu sự kết thúc của viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine.