Từ Búp Bê Bằng Bột đến Mr Búp Bê
Mr Búp Bê là ai? Chắc chắn là câu hỏi được nhiều độc giả yêu mến báo Tiền Phong quan tâm. Đó là “nickname” của một nhà báo, nghệ sĩ đa tài: Lê Anh Hoài. (Anh vừa làm thơ, viết tiểu thuyết, vẽ tranh và là nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại). Hiện nay, nhà báo Lê Anh Hoài là Phó ban TKTS Phụ trách tờ Tiền Phong Chủ Nhật. Số báo cuối tuần có chuyên mục Mr Búp Bê gỡ rối tơ lòng. Đến nay, Lê Anh Hoài đã có thâm niên 15 năm gắn bó với chuyên mục: “Mr Búp Bê, làm việc cả tuần và gặp bạn cuối tuần trong mỗi số báo Tiền Phong Chủ Nhật, cùng bạn gỡ rối tơ lòng”.
Anh chia sẻ mối duyên với chuyên mục có bề dày lịch sử này: “Tiền Phong Chủ Nhật vốn có mục “Tầm thư” do nhà thơ Trần Hoà Bình phụ trách đã có thương hiệu từ rất lâu. Khi nhà thơ Trần Hoà Bình từ giã cõi tạm, mục này để trống một thời gian. Được ban biên tập khuyến khích, tôi đã làm thử và không ngờ gắn bó với nó đã hơn 1 thập kỷ”.
Còn về “nickname” Mr Búp Bê được nhà báo, nhà thơ bật mí: “Từ hồi có mạng xã hội Yahoo, tôi lập một tài khoản và tình cờ đặt nick Búp Bê Bằng Bột. Cũng chẳng có ý nghĩa gì sâu xa đâu. Nó chỉ là cụm từ vui vui gồm bốn chữ B nhưng không ngờ cái nick ấy lại được bạn bè thấy thú vị vì nó có vẻ như rất tương phản với chủ nhân. Thế là tôi cứ dùng và rồi khi cần một cái biệt hiệu cho chuyên mục thì tôi dùng luôn Mr Búp Bê”.
Biệt danh Mr Búp Bê khiến nhiều bạn trẻ yêu nhớ đến ca khúc nhạc ngoại lời Việt “Búp bê không tình yêu” ăn khách một thời. Nhưng Mr Búp Bê nhất định không phải búp bê không tình yêu. Phải yêu đời, yêu người, đi nhiều, giàu suy tưởng, giàu sáng tạo mới có thể làm báo, viết văn, làm thơ, vẽ tranh… như Lê Anh Hoài.
Nhưng với chuyên mục Tơ lòng, Lê Anh Hoài không muốn tỏ ra “nguy hiểm”, ưa triết lý cũng không phức tạp hoá vấn đề: “Gỡ rối tơ lòng bản chất là tư vấn tâm lý. Việc này nếu nhìn theo kiểu “bác học” thì phải có chuyên môn về tâm sinh lý, tâm thần học...
Nhưng nếu vậy thì nghiêm trọng quá. Chắc là chỉ dùng để giải quyết những vấn đề rất lớn, thậm chí có khi của cả một thế hệ, hay các biểu hiện lớn trong tâm lý của một nhóm nhiều người. Còn chuyện tình yêu, tình bạn, những tâm sự tuổi mới lớn, những khúc mắc trong tình huống nho nhỏ cụ thể thì một người có chút kinh nghiệm và tinh ý cũng có thể làm được.
Tất nhiên để trả lời có sức nặng, tôi cũng phải bỏ thời gian tham khảo một số tài liệu đấy”. Cách trả lời của Mr Búp Bê tuyệt đối tránh “dây cà ra dây muống”. Độc giả hỏi gì, Lê Anh Hoài đáp nấy, cực kỳ ngắn gọn, mỗi phần gồm hỏi khoảng 100 chữ - đáp cũng chỉ gói gọn bằng thế.
Không gây chiến tranh, không “đổ dầu vào lửa”
Mục Tơ lòng của Tiền Phong Chủ nhật được bạn đọc thích vì trả lời cho một người nhưng nhiều người lại thấy mình trong đó. Cũng có người đọc gỡ rối tơ lòng ở Tiền Phong Chủ Nhật để được giải trí bởi Mr Búp Bê hóm hỉnh, hài hước.
Đây cũng là đích đến của người cầm chuyên mục: “Tôi xác định cần nhẹ nhàng, hài hước, không gây căng thẳng. Đặc biệt là không bao giờ hướng người đọc đến việc chia tay hay ly hôn hay tạo thêm xung đột. Đấy đều là những thứ cực chẳng đã và thế gian cũng đã quá nhiều chia ly, xung đột, buồn bã, đau khổ rồi. Mr Búp Bê chỉ nên góp phần xây dựng, an ủi chứ không nên đổ thêm dầu vào lửa”.
Thử xem một phần hỏi- đáp của một phụ nữ có chồng và Mr Búp Bê. Nàng hỏi: “Đi làm cả ngày ở công ty nhưng đến tối về nhà, chồng em liên tục vào các nhóm zalo để chat chit và bảo là bàn bạc công việc. Có lần em giả vờ ngồi cạnh và nhìn thấy trong các nhóm chỉ toàn là phụ nữ thôi. Em đòi xem các tin nhắn thì anh ấy không cho, lại còn tỏ ra tức giận nói em mất lịch sự. Em bực lắm mà chưa nghĩ ra cách nào để xử lý”.
Mr Búp Bê vừa động viên vừa giúp nàng “tính kế”: “Có thể chị nhạy cảm quá chăng? Vì chẳng ai lại tán tỉnh cả một nhóm phụ nữ cùng một lúc cả, hic hic! Thế nhưng việc anh ấy tiếp tục bàn bạc các việc trong thời gian nên nghỉ ngơi ở gia đình, nói chuyện với vợ con thì đúng là rất không hay. Chị không nên truy kích, đòi đọc tin nhắn vì điều này chỉ tạo ra phản ứng xấu mà thôi. Điều nên làm là nhẹ nhàng tìm hiểu xem công việc độ này của anh ấy thế nào, có khó khăn gì không…”.
Có người nghĩ rằng, kiểu chuyên mục như Tơ lòng chỉ thực sự rực rỡ ở thời phương tiện nghe, nhìn, mạng xã hội chưa phát triển. Thời đại bây giờ, trí tuệ nhân tạo còn tạo ra ca sĩ, nhà thơ, hoạ sĩ… cần gì ai đó giúp gỡ rối? Thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi xã hội càng phát triển, tiện ích hỗ trợ cuộc sống con người ngày càng tốt lên thì dường như người ta lại càng cảm thấy cô đơn trong thế giới của mình. Phụ nữ cô đơn khi vẫn đang có chồng, người trẻ cô đơn khi đang có người yêu, có người thân bên cạnh… Nhu cầu được trao đổi, chia sẻ, tư vấn ngày càng cao. Đôi khi những người bên cạnh chưa chắc đã gỡ rối tốt hơn những người không nhìn thấy mặt, như Mr Búp Bê.
Nhà báo Lê Anh Hoài bật mí đối tượng gõ cửa chuyên mục đa dạng: “Có những bạn trẻ chỉ mới học cấp 3. Thậm chí tôi nhận được những câu hỏi mà căn cứ theo nội dung tình huống và văn phong cách viết rất xì tin thì có lẽ người hỏi chỉ chừng 13-14 tuổi. Nhưng cũng có những câu hỏi của người đứng tuổi và không phải chỉ là những câu hỏi được gửi về theo địa chỉ email của chuyên mục mà còn có cả thư bạn đọc gửi theo đường bưu điện”.
Tôi hỏi Mr Búp Bê: “Người gỡ rối có bao giờ bị bối rối trước một số tình huống đặc biệt?”. Anh thừa nhận là “có”. Đó là một số tình huống khi bạn trẻ bày tỏ băn khoăn, lo lắng về chuyện ghen tuông, sở hữu. Hay những khúc mắc của những người đứng tuổi về những chuyện riêng tư như tái hôn, con riêng, con chung. Nhưng những gì phơi bày trên mặt báo cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Mr Búp Bê tâm sự: “Những câu hỏi có tính riêng tư tôi đều trả lời riêng, nếu có sử dụng để đưa vào chuyên mục thì cũng phải thay đổi để người trong cuộc không cảm thấy bị động chạm đến quyền riêng tư”. Vì sự ý nhị này nên đối tượng hay hỏi Mr Búp Bê chính là chị em. Mà nhà thơ, hoạ sĩ lúc nào chẳng yêu mến, thiên vị phái đẹp.
Lê Anh Hoài được gì khi gỡ rối tơ lòng? Anh đáp: “Công việc tư vấn giao lưu này khiến tôi thấy khá là hứng thú bởi vì mình có thêm một kênh để hiểu đời sống trong tư cách nhà văn, nhà báo”.
Cũng có người bình luận vui về công việc của Mr Búp Bê: “Tử vi xem bói cho người/Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”. Mr Búp Bê không giận mà lại còn thấy đúng: “Đã bảo cờ ngoài bài trong mà. Có khi chuyện của chính mình lại không giải quyết được, phải nhờ người khác, hoặc do gợi ý từ trời đất nào đó…”. Cho nên, kệ ai đó “khiêu khích” Mr Búp Bê vẫn cứ tiếp tục gỡ rối tơ lòng vui vẻ.