Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Chống tham nhũng phải quyết liệt hơn

TP - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) ngày 2/11 phát biểu như vậy tại phiên thảo luận cuối cùng tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Tịch thu tài sản bất minh

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, bộ máy hiện nay đang phải giải quyết hậu quả khủng khiếp của nạn cán bộ yếu kém, hư hỏng và tham nhũng, móc ngoặc với những nhóm lợi ích xấu để chiếm đoạt các tài nguyên và để lại những món nợ công khổng lồ vài chục năm sau chưa thể trả xong. Do đó nhân dân rất hoan nghênh việc công khai, minh bạch về những dự án thua lỗ, nợ công, vi phạm về kinh tế, môi trường và việc xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến các vụ việc tiêu cực.

Bộ máy hiện nay đang phải giải quyết hậu quả khủng khiếp của nạn cán bộ yếu kém, hư hỏng và tham nhũng, móc ngoặc với những nhóm lợi ích xấu để chiếm đoạt các tài nguyên và để lại những món nợ công khổng lồ vài chục năm sau chưa thể trả xong”. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Song để xử lý cho có hiệu quả, ông Nghĩa đề nghị cần tiến hành tịch thu các tài sản bất minh, nếu đối tượng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, cần kiên quyết hơn và triệt để hơn trong các vụ án tham nhũng đang và sẽ tiến hành vì nếu không thì sẽ phản tác dụng. Đặc biệt, theo ông Nghĩa cần có những giải pháp đột phá trong việc tinh giản bộ máy cán bộ, công chức, có biện pháp đồng bộ, hợp lý nhưng kiên quyết. “Cỗ xe hành chính” đã sắp chết máy vì chở quá nhiều người, chở quá nặng và sẽ hết xăng”, ông Nghĩa than.

Theo ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), muốn cải cách hành chính thì phải trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng. “Phải làm sao cho “bếp lò” cải cách hành chính của chúng ta, cho dù “củi tươi” đưa vào cũng phải cháy”; “chính sức ỳ của nền hành chính đang là kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo”, ĐB Thành nói.

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, chính sức ỳ của nền hành chính đang là kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Ảnh: Như Ý.

ĐB Thành dẫn chứng về tình hình xử lý các vụ việc sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp bộ xử lý, không có vụ việc nào phải lên đến Thủ tướng. Tuy nhiên Thủ tướng vẫn phải vào cuộc phải chỉ đạo các đơn vị mới làm. “Tại sao Bộ Nội vụ, các cơ quan phải đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mới thực hiện trách nhiệm kiểm tra của mình? Tại sao sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới chuyển được?”, ông Thành nêu câu hỏi.

Từ đó, ông Thành đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, tăng cường được tính chủ động, trách nhiệm, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan, chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới ì ra, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay công việc của cấp dưới.

ĐBQH Dương Trung Quốc.

“Vụ Đồng Tâm là cuộc khủng hoảng lòng tin”?

Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ thực hiện có hiệu quả 13 chỉ tiêu đề ra, song theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) “Giá như có thêm một chỉ tiêu mà định lượng được lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển về kinh tế bền vững”. Dẫn ví dụ về sự kiện Đồng Tâm, ông Quốc cho rằng cần nhìn nhận nó như một cuộc khủng hoảng về lòng tin, chứ không nên nhìn thuần túy là một án hình sự.

“Chúng tôi muốn nói đến cuộc thảo luận về chúng ta liên quan đến cải cách hành chính. Dường như chưa ai nói đến việc mua quan, bán chức, có hay không phải giải đáp cho dân. Kể cả thông tin liên quan đến bản án của một cựu đại biểu Quốc hội xem Quốc hội có chạy không?”.

ĐBQH Dương Trung Quốc

“Tất cả những gì diễn ra ở đó có một yếu tố mà tôi thấy Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm, đó là việc những đề đạt ý kiến, những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời để nó tích tụ lại trở thành hiện tượng “tức nước vỡ bờ”, ông Quốc nói.

Ông Quốc cho hay, tại kỳ họp trước đã viết một bức thư gửi cho các vị lãnh đạo, trong đó có nêu câu hỏi của rất nhiều cử tri nhờ tôi đặt ra - đó là tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được đào tạo, huấn luyện trang bị tốt nhất lại bị bắt và giữ? “Câu trả lời duy nhất, đó là vì họ vẫn giữ được phẩm chất của Công an nhân dân, họ không coi nhân dân là kẻ thù và họ chấp nhận một giải pháp như vậy”, ông Quốc bày tỏ quan điểm.

Tán thành việc thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng, song điều khiến ông Quốc đặt ra là, cơ quan chức năng đã khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp hoàn toàn vẫn đứng ngoài pháp luật? “Chúng ta phải rút bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải chỉ là một bài học tiêu cực, chúng ta góp phần làm cho nó không lặp lại như thế nữa. Chúng tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm trả lời cho những kiến nghị của người dân, khi họ chưa thông với kết quả thanh tra của thành phố Hà Nội”, ông Quốc kiến nghị.

Đồng tình với việc phải tập trung giải quyết dứt điểm vụ Đồng Tâm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội lưu ý tình trạng lợi dụng bức xúc của người dân để có ý đồ không tốt ở phía sau. “Tôi không nói vụ Đồng Tâm có chuyện này hay không, nhưng có một số vụ việc liên quan đến vấn đề chính sách chúng ta phải thận trọng, nghe ngóng khi đưa ra quyết định chính sách. Ngược lại chúng ta phải hết sức tỉnh táo xem rằng đấy là thực chất của vấn đề hay không”, ông Hồng lưu ý.

Tăng trưởng không phụ thuộc vào Samsung

“Kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế. Đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.