Sau vụ 9 học sinh lớp 6 ở Quảng Ngãi tử vong do đuối nước:

Chống sốc cho học sinh và giáo viên

TP - Thầy Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi), Bùi Phước cho biết, theo kế hoạch, thành phố Quảng Ngãi sẽ mời chuyên gia về tư vấn ổn định tâm lý cho giáo viên và học sinh nhà trường, đặc biệt là lớp 6B - lớp học của cả 9 em đã  tử nạn.
Nỗi đau xé ruột xé gan của người mẹ.

Ngày 18/4, linh cữu 9 em học sinh lớp 6B trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) không may thiệt mạng do đuối nước đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Dự đưa tiễn các em có lãnh đạo thành phố Quảng Ngãi, đại diện Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương, và đông đảo phụ huynh, học sinh. Các em Nguyễn Minh Hoàng, Cao Ngọc Vũ, Phạm Xu Sum, Trần Tiến Phát và Trịnh Hữu Nhân được đưa tang trong buổi sáng, các em còn lại đưa tang lúc 15 giờ chiều cùng ngày.

“Không được để tâm lý các em chấn động kéo dài”

Nhiều người thân, thầy cô giáo, bạn bè của các em đã ngất lịm khi các em được hạ huyệt. Thầy Bùi Phước - Hiệu trưởng nhà trường nghẹn ngào: “Cái chết nào cũng để lại đau thương, mất mát. Cái chết của 9 em học sinh lớp 6B quá đau thương đối với gia đình các em và nhà trường. Vấn đề của nhà trường trong những ngày tới là sớm ổn định tâm lý không chỉ cho học sinh mà còn với cả Hội đồng nhà trường, vì chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến thi học kỳ II”.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Động - Phó Trưởng khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi), lưu ý “Không được để tâm lý các em chấn động kéo dài”. Theo thầy Động, những em chứng kiến sự việc cũng như các em học cùng lớp 6B với 9 em học sinh bị mất do đuối nước vừa qua có thể gặp khủng hoảng, bị sốc về tâm lý, bởi các cháu còn quá nhỏ, trong đó có 2 học sinh nữ trực tiếp chứng kiến.

Ngay từ lúc này, sự khéo léo và tinh tế của những người thân, đặc biệt là bố mẹ, thầy cô giáo là hết sức quan trọng. Bố mẹ tốt nhất là nên ở cùng các cháu, trò chuyện cùng các cháu để xem các cháu đang nhận thức như thế nào, tâm trạng ra sao. Nếu các cháu bị ám ảnh, bố mẹ cần phải giúp con giảm bớt gánh nặng trong lòng, tuyệt đối không để những trầm uất lớn dần. Bởi đó có thể dẫn đến những biến chứng tâm lý. Nếu sự hoảng sợ và ám ảnh của các cháu sau một tuần vẫn còn, thì nhất định bố mẹ phải đưa đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Ở Quảng Ngãi có thể đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh để được tư vấn.

Cũng theo thầy Động, với các thầy cô, giáo viên chủ nhiệm,  cần thực hiện ngay ba việc: Thứ nhất, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong trường, hướng mối bận tâm của các cháu vào những hoạt động bổ ích mới. Với các cháu nhỏ, nỗi đau, nỗi buồn rất dễ ám ảnh, nhưng tâm trí cũng dễ quên. Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm cần thay đổi vị trí chỗ ngồi của các cháu trong lớp, tránh tạo ra khoảng trống trong các buổi học, dễ tạo nên nỗi nhớ, khoảng trống trong tâm hồn các học sinh còn lại. Việc này không hề đơn giản, nhưng thầy, cô giáo cần có phương pháp thật khéo léo, bởi không thể nhanh chóng khỏa lấp ngay được hình ảnh các cháu học sinh này. Thứ ba, nhà trường cần đẩy mạnh vận động, giáo dục, dặn dò các cháu học sinh không được tự ý tắm hồ, tắm sông, nhất là mùa hè với kỳ nghỉ dài sắp đến. 

Bài học chưa muộn

Trước vụ việc quá đau lòng này, ông Đoàn Dụng – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tâm sự, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, phần lớn các trường chưa có bể bơi nên việc dạy và thực hành kỹ năng bơi lội cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là học sinh ở nông thôn. Đây cũng là thực trạng chung ở các trường học trong cả nước, chứ không chỉ riêng gì ở Quảng Ngãi. “Vấn đề mà ngành giáo dục chúng tôi cần lưu tâm là phải nhanh chóng và thường xuyên dạy cho các em kỹ năng và ý thức tự bảo vệ mình. Thực tế các bậc phụ huynh, thầy cô giáo không thể nắm và theo dõi toàn bộ thời gian của các em. Và dù các em có biết bơi nhưng không ý thức được những hành động có thể gây nguy hiểm thì cũng khó lòng đảm bảo được an toàn cho bản thân”, ông Dụng nói.

Đối với chính quyền xã Nghĩa Hà, sau sự việc đau thương này cũng đã và đang tiến hành khảo sát, tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi có thể xảy ra nguy cơ đuối nước cho các em nhỏ, vì trên địa bàn xã có nhiều sông, lạch và ao hồ. Ông Trần Thanh Trạng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) cho biết thêm, xã chỉ đạo đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền cách phòng, tránh đuối nước để nhắc nhở học sinh, các bậc phụ huynh theo dõi, chỉ bảo con em không được tập trung đi chơi ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước.  

Tính đến sáng 18/4 đã có 45 tổ chức, đơn vị ở Trung ương, địa phương đến chia buồn, động viên các gia đình có con em gặp nạn và hỗ trợ mỗi gia đình tổng cộng 130 triệu đồng.

Riêng với phòng học của lớp 6B,  nhà trường đã cho thay toàn bộ bàn ghế mới, tránh gợi lại hình ảnh về vị trí nơi 9 em đã ngồi cho các em trong lớp, các tiết học trong ngày đầu sẽ được thay thế bằng những buổi trò chuyện giữa giáo viên và học sinh nhằm ổn định tâm lý cho các em. Ngoài ra, nhà trường cũng dự tính sẽ chia nhỏ lớp học ra thành các nhóm sau đó chuyển các em vào các lớp khác để giúp các em sớm nguôi ngoai, tránh ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài cho các em. 

Nguyễn Thành