Khó khăn đủ bề
Khảo sát về thực trạng lao động tại một số doanh nghiệp FDI ở các KCN tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Ths Lê Thị Nga (Đại học Huế) nhận định người lao động miền Trung chiếm một tỷ lệ lớn trong số người làm việc tại đây (trong đó Thanh Hóa chiếm 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%...). Đặc điểm của lao động miền Trung là cần cù, chịu khó, đi làm xa để lập thân lập nghiệp và đa số là nữ giới. Nhưng do vượt cả ngàn km đến nơi làm việc, người lao động miền Trung gặp nhiều khó khăn, xa nhà, không có sự hỗ trợ của người thân khi ốm đau, phải ở nhà trọ nhếch nhác, tốn kém.
Do xuất thân từ nông dân, nông thôn nên trình độ học vấn, nhận thức còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tính tổ chức kỷ luật chưa cao… Tất cả những thuận lợi khó khăn trên ảnh hưởng, tác động mạnh đến việc thực thi pháp luật và quy định của doanh nghiệp đối với chủ sử dụng lao động và người lao động.
Ths Nga cũng đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập của lao động miền Trung làm việc tại các doanh nghiệp FDI có tổng thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng (chiếm 83%). Người lao động có thâm niên thì thu nhập cao hơn, khoảng trên 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trên chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Phân biệt đối xử?
Anh Hà Văn Dũng, quê tỉnh Nghệ An cho biết sau khi xin việc ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, thấy hồ sơ ghi quê quán Nghệ An là các doanh nghiệp thẳng thừng từ chối, hoặc hứa hẹn lòng vòng. Anh Dũng nói: “Lúc ở quê em nghe nói các doanh nghiệp từ chối người Nghệ An, đến lúc đi làm mới thấy điều này”. Cuối cùng qua “giới thiệu” của những đường dây xin việc mất một khoản phí, Dũng và một số bạn đồng hương mới xin vào làm việc ở một Cty giày da ở Đồng Nai.
Về vấn đề phân biệt đối xử công nhân theo vùng miền, Ths Nga cho biết các nhà tuyển dụng của các Cty khẳng định không có sự phân biệt quê quán khi tuyển dụng. Tuy nhiên qua khảo sát, có hiện tượng một số Cty ở Bình Dương hạn chế tuyển dụng lao động nam đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vì cho rằng lao động các tỉnh trên nặng tính bảo thủ, nặng tình đồng hương dẫn đến dễ kéo bè, hay cự cãi.
Điều này đã gây khó khăn cho những lao động gốc Thanh- Nghệ - Tĩnh, hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm ở các Cty và buộc người lao động phải làm việc ở các Cty không có bảo hiểm xã hội, lương thấp hoặc lao động tự do, công việc không ổn định.
Theo PGS- TS Bùi Thị Tân (Đại học Huế), khảo sát từ nhà quản lý và công nhân cho biết một số công nhân nam thường đánh nhau gây bất hòa nên có xu hướng không nhận nam giới, nhất là lao động đến từ các tỉnh Thanh- Nghệ- Tĩnh. Một công nhân làm việc tại Cty Sung Huyn Vina (Bình Dương) cho hay, từ năm 2009 đến nay, Cty chỉ nhận lao động nữ vì lao động nam Thanh - Nghệ - Tĩnh hay đánh nhau.
PGS- TS Trịnh Thị Định (Đại học Huế) cho biết, trước sự việc Cty ở Đồng Nai, Bình Dương phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng lao động, UBND tỉnh đã có những chấn chỉnh, coi đây là quan điểm lệch lạc vì lấy một hiện tượng để quy kết cho một tập thể.
Chị L., cán bộ công đoàn các KCN Bình Dương cho biết, một số Cty hiện không treo biển không nhận người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh vì như vậy là sai pháp luật. Nhưng nhìn vào hồ sơ tuyển dụng thì Cty đưa ra nhiều lý do để từ chối. Khoảng 90% Cty ở các KCN thực hiện chính sách này.