Chọn túi ngực phù hợp để vừa đẹp vừa an toàn

Túi ngực quá cỡ so với cơ thể có thể gây khó chịu cho người dùng cũng như tác động xấu đến hình dáng của “núi đôi” về lâu dài.

Một bác sĩ (BS) thẩm mỹ kể lại buổi tư vấn nâng ngực khá dài mà ông vừa trải qua: Một phụ nữ tuổi đã ngoài 50, sau khi xem hình cô em gái ở nước ngoài vừa đi nâng ngực với cặp túi ngực có dung tích đến 500 ml mỗi bên, liền nhất quyết đi “tân trang” lại một bộ ngực cho giống như vậy. Tuy nhiên, tại bệnh viện (BV), BS lại khuyên bà không nên vì cho rằng bộ ngực “đồ sộ” như thế sẽ không phù hợp với vóc dáng chỉ cao 1,55 m của bà. Hơn nữa, tuổi bà lại cao, việc buộc cột sống vốn không còn dẻo dai phải chịu thêm một khối lượng nặng nề do cặp túi ngực ngoại cỡ sẽ không tốt cho cơ thể. Trên thực tế, nhiều người đặt túi ngực to lúc còn trẻ, đến tuổi như bà cũng phải tìm đến BV để nhờ tháo ra bởi gân cốt tuổi già đã chịu hết nổi bộ ngực nhân tạo quá nặng.

Đau lưng vì… nâng ngực

TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết túi ngực được các đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng hiện nay thường có nhiều dung tích khác nhau như 225 ml, 250 ml, 275 ml, 300 ml, 350 ml, 400 ml, 500 ml… Khá nhiều phụ nữ ưa chuộng những túi ngực to, như túi cỡ 350 ml trở lên trong khi không phải cơ thể ai cũng chịu được cặp túi ngực to và nặng. Một số người khi đặt túi to xong thì bị đau lưng do cơ thể phải mang thêm một khối lượng lớn làm ảnh hưởng tới cột sống, người thì than rằng túi ngực gây ra sự chèn ép khó chịu khi nằm… Nhiều người đã phải quay lại BV tháo ra, thay bằng túi nhỏ hơn.

Theo BS Võ Văn Kế, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ BV Đa khoa Vạn Hạnh, một bộ ngực nâng quá lớn không chỉ ảnh hưởng đến cột sống mà còn nguy hiểm hơn nếu người đó đã bước vào độ tuổi trung niên, bắt đầu bị loãng xương. Thêm nữa, túi ngực khiến người sử dụng có dáng đi mất cân đối; lâu ngày còn bị gù, còng lưng.

Cân nhắc chọn lựa

BS Khanh lưu ý thêm một hậu quả của việc đặt túi ngực quá to là tình trạng xệ vú do “núi đôi” bỗng dưng phải mang vác thêm một trọng lượng quá lớn, nhất là khi người phụ nữ đó không kỹ lưỡng trong việc nâng niu đôi gò bồng đảo sau nâng ngực. “Tình trạng ngực xệ có thể được giải quyết bằng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng giải quyết trường hợp xệ do túi ngực quá khổ sẽ phức tạp và khó đẹp được. Một số người quá khó chịu vì túi ngực lớn, đi thay loại túi nhỏ hơn cũng gặp phải tình trạng này bởi các mô xung quanh đã bị ảnh hưởng từ khi đặt túi to rồi. Do vậy, người ta đi thay túi ngực thường chỉ thay túi bằng hoặc to hơn, còn nếu bất đắc dĩ phải giảm kích thước túi đặt, họ sẽ được phẫu thuật để giải quyết tình trạng xệ ngực nhưng chắc chắn cũng không thể trả lại hoàn toàn dáng vẻ ban đầu được”.

Vì những lý do trên, các BS chuyên khoa thường khuyên những phụ nữ có nhu cầu nâng ngực chọn loại túi ngực vừa cỡ. “Tốt nhất là nên chọn loại túi lớn hơn bình thường một chút, để vòng 1 gợi cảm hơn. Người cao lớn không nên đặt loại túi quá nhỏ vì nhiều khi đặt xong thấy chẳng khác trước bao nhiêu; ngược lại, người thấp bé nên chọn những loại túi nhỏ để nhìn được tự nhiên, cân đối. Thông thường, một phụ nữ cao khoảng 1,5 m nên chọn túi khoảng 275 ml, người cao chừng 1,6 m thì túi khoảng 300-325 ml là vừa…” - BS Kế nói.

BS Khanh khuyên việc chọn túi ngực ngoài yếu tố chiều cao ra, chị em còn nên dựa vào cân nặng và bề rộng của vai, khổ người… Ngoài ra, nhiều đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay cũng trang bị các phương tiện để chị em “ướm thử” trước khi bước vào phẫu thuật, ví dụ như những bộ ngực giả bằng silicon và dụng cụ tính toán để lựa chọn cỡ túi ngực…

Chăm sóc sau phẫu thuật

TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh khuyến cáo: Để có được cặp ngực như ý, khách hàng nên được tư vấn kỹ lưỡng về kích thước - hình dạng túi, chọn đường mổ thích hợp, các biến chứng có thể có trong và sau phẫu thuật; những phụ nữ sau phẫu thuật nâng ngực cần được tư vấn chế độ “dưỡng” hợp lý để cơ thể có thời gian thích nghi với thay đổi cũng như để bộ ngực sau phẫu thuật được ổn định. Thông thường, trong khoảng 1 tuần đầu sau phẫu thuật, nên mặc áo ngực liên tục để cố định. Trong 2 tháng tiếp theo, có thể bỏ áo ngực ra khi nghỉ ngơi nhưng nếu vận động nặng, tập thể thao... thì nhất thiết phải mặc. Trong 2 tháng đầu sau mổ, nhiều người thấy khó chịu với bộ ngực mới, có cảm giác bị chèn ép ở ngực, đau lưng... nhưng thường sau một thời gian, hiện tượng đó sẽ mất đi nếu loại túi ngực sử dụng đúng với những khuyến cáo về sức khỏe.

Theo Người lao động