Chơi vơi?

TP - Báo chí đưa tin, các phiên thảo luận ở tổ ngày 22-10 của các đại biểu quốc hội thực sự nóng, có thể Vinashin nợ tới 120.000 tỷ đồng (*) chứ không phải 86.000 tỷ đồng và các vấn đề nóng khác.

Có lẽ biết chắc chắn sẽ có nhiều đại biểu đòi xem xét trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan và cá nhân, nên nhiều bộ đã tìm cách thoái thác trách nhiệm.

Có bộ trưởng còn dẫn ngay nghị định (có lẽ do chính bộ ông chắp bút soạn thảo) quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ ông là chỉ có chức năng tham mưu cho Chính phủ lĩnh vực này lĩnh vực nọ. Báo còn nói, ông cũng than Chính phủ đã quyết thế nào thì chúng tôi cũng phải theo thế chứ!.

Báo cũng trích ông nói tiếp, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) định hướng lập tập đoàn đa ngành nghề, quyền tự chủ tối đa. Ta đưa vào luật mô hình ấy,... Mở thì vô cùng, còn giám sát gần như bỏ hết. Ngay bộ của ông muốn giám sát đầu tư tập đoàn cũng không được. Hồi 2008, Chính phủ chỉ định chúng tôi kiểm tra các tập đoàn kinh tế. Thế mà vào tập đoàn, họ không tiếp, nói Bộ không còn chức năng nữa.

Có đại biểu quốc hội cũng nhận ra sự thực hiển nhiên và đã được cảnh báo từ lâu về bộ chủ quản như ông bộ trưởng nói trên: Từ những năm 1990 và nhất là sau 2000, các tổng công ty (TCT) 91 được ra đời, dần chấm dứt chế độ bộ chủ quản. Các bộ chỉ còn quản lý ngành, không trực tiếp nắm, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nữa. Còn các TCT 91 và nhất là các tập đoàn sau này chỉ còn trực thuộc Chính phủ. Bộ quản lý ngành thì xa dần, trong khi Chính phủ lại không với tới nên các tập đoàn, TCT 91 trở nên chơi vơi, toàn quyền mà không bị giám sát.

Thực sự có chuyện chúng trở nên chơi vơi? Hay chúng bỗng rơi vào tình trạng như vậy?

Nhưng chính phủ là ai? Điều 3 của Luật Tổ chức Chính phủ quy định:

Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ; các phó thủ tướng; các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cũng Điều 3 và Điều 6 của Luật Tổ chức Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ "chính phủ" của từng phó thủ tướng cũng như bộ trưởng. Về lĩnh vực quản lý của bộ mình, ông bộ trưởng chính là "chính phủ" chứ không có cái chính phủ chung chung nào cả. Ông bộ trưởng được trích dẫn ở trên là thành viên chính phủ.

Có lẽ nên công bố công khai các ý kiến của ông bộ trưởng trong các phiên họp chính phủ khi đưa ra chủ trương lập tập đoàn và bàn về Vinashin. Nhân dân cần biết và có quyền biết những thông tin như vậy để có thể đánh giá chính kiến của ông.

Thiếu thông tin như thế, nhân dân có thể cho rằng ông tìm cách né tránh trách nhiệm.

Như đã nói, vị đại biểu quốc hội được trích dẫn ở trên cũng đã nhận ra sự thực đau lòng về sự quản lý yếu kém đối với các TCT 91 và các tập đoàn.

Đấy là một điều rất quan trọng, tuy hơi muộn. Nhưng chỉ thế để rồi không ai chịu trách nhiệm và để mọi chuyện qua đi thì không ổn.

Với tư cách đại biểu quốc hội, ông (và tất cả các đại biểu khác) nên góp phần làm rõ trách nhiệm của mấy chục thành viên chính phủ. Quốc hội không làm được việc ấy thì không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Quan trọng hơn, Quốc hội nên sửa lại luật, kể cả Luật Tổ chức Chính phủ nếu cần, thông qua luật về quyền tiếp cận thông tin, thông qua luật về hội, luật về tự do ngôn luận, v.v…, để tạo điều kiện cho xã hội công dân, báo chí tham gia vào việc phản biện, giám sát chính sách.

Còn nếu chỉ nêu ra lý do khó khăn hay do yếu kém rồi bỏ qua, chỉ để "kiểm điểm, rút kinh nghiệm" xuề xòa với nhau, thì chẳng có gì được cải thiện cả. Cần có những góp ý, gợi ý về các việc làm cụ thể có thể thực hiện được để giảm bớt những bất cập, khuyết điểm. Đấy là cách làm xây dựng.

_______

(*) Theo thông tin từ các báo Đại Đoàn Kết, TTO và nguồn tin từ đại biểu quốc hội.