Trong số 36 thí sinh khối A1 có điểm cao của Hà Giang có điểm từ 27 trở lên, có thí sinh giảm ít nhất là 11,35 điểm và cao nhất là điểm 20,65 điểm.
Ví dụ thí sinh có số báo danh xxxx885 có số điểm thi đã công bố khối A1 là 28,55 điểm (Toán 9,6 điểm, Ngoại ngữ 9,75 điểm, Vật lý 9, 75 điểm) nhưng điểm thực sau khi được Bộ GD&ĐT chấm thẩm tra chỉ còn 8,2 điểm (Toán 2,6 điểm, Ngoại ngữ 2,6 điểm và Vật lý 3,0 điểm).
Như vậy, với mức điểm cũ, thí sinh này có thể đỗ vào các trường ĐH top đầu trên cả nước. Nhưng với mức điểm mới, thí sinh này không đủ điểm sàn để xét tuyển vào những trường ĐH ở top thấp.
Hay như thí sinh có số báo danh xxxx016, điểm thi công bố trước đó đối với khối A1 là 28,3 điểm (Toán 9,4, Ngoại ngữ 9,4, Vật lý 9,5) nhưng điểm sau khi chấm thẩm tra chỉ đạt 8,3 điểm (toán 3,0, Ngoại ngữ 2,8, Vật lý 2,5).
Cũng như thí sinh trên, với mức điểm ban đầu, thí sinh này hoàn toàn đủ điểm trúng tuyển vào trường top cao, nhưng với mức điểm thực, thí sinh này không thể qua vòng nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường top thấp nếu lấy kết quả thi THPT.
Đặc biệt, trong đó, có những thí sinh từ điểm 9 ban đầu đã tụt xuống mức điểm “suýt” liệt. Đó là thí sinh có số báo danh xxxx464, điểm thi ban đầu khối A1 là 27,45 điểm (Toán 9,2, Ngoại ngữ 9, Vật lý 9,25) thì điểm thi thật sau khi chấm thẩm tra chỉ còn 6,80 điểm, tụt 20,65 điểm so với điểm ban đầu. Trong đó, điểm môn ngoại ngữ suýt soát bị điểm liệt là 1,2 điểm, Toán đạt 2,60 điểm và Vật lý đạt 3,00 điểm.
Một thí sinh khác cũng có mức điểm chênh lệch lên đến 20,65 điểm là thí sinh có số báo danh xxxx974. Điểm công bố ban đầu là 27,65 điểm (Toán 9,40, Ngoại ngữ 9, Vật lý 9,25) nhưng điểm thực chỉ đạt 7 điểm. Trong đó, Toán 2,80, Ngoại ngữ 2,20, Vật lý 2,00.
Từ dữ liệu trích xuất, nếu năm nay các trường ĐH yêu cầu điểm sàn từ 13 điểm thì có ít nhất hơn 20 thí sinh trong danh sách các thí sinh có khối A1 cao nhất cả nước này sau khi công bố điểm thực không đủ điểm để nộp hồ sơ xét duyệt.