Theo ông Sĩ, tiện ích của điện thoại thì không cần bàn cãi trong tình hình hiện nay. Ngoài chức năng là điện thoại (nghe, gọi, liên lạc,…), điện thoại còn là công cụ hữu hiệu giúp chúng ta tiếp cận với tri thức vốn thay đổi hàng ngày. "Tuy nhiên, việc cho trẻ sử dụng phương tiện này đòi hỏi phải xem xét yếu tố lứa tuổi, mục đích sử dụng để từ đó trang bị cho trẻ loại điện thoại phù hợp, hướng dẫn trẻ sử dụng đúng mục đích và giám sát việc sử dụng sao cho hiệu quả. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học là không cần thiết", ông Sĩ nêu quan điểm.
Ngoài giờ học ai quản?
Khi cho phép trẻ sử dụng điện thoại di động, tức là chúng ta đã trao quyền cho các em nhưng người lớn phải có trách nhiệm giám sát. Cho sử dụng trong giờ học, vậy ngoài giờ học thì trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Thời gian chuyển tiết, giờ ra chơi, đầu giờ và cuối giờ ra về, thời gian đi học thêm, thời gian ở nhà thì việc kiểm soát việc sử dụng điện thoại của trẻ như thế nào?
Chúng ta mới chỉ thấy mặt lợi của việc sử dụng công cụ này trong học tập, tiếp cận các nguồn tư liệu mở giúp các em nâng cao kỹ năng, kiến thức,… nhưng chúng ta đừng quên liệt kê những mặt trái của việc sử dụng phương tiện này đối với lứa tuổi học sinh dưới 16 tuổi. Ngay cả với học sinh THPT và sinh viên, việc sử dụng điện thoại khi đến lớp cũng cần có những quy ước nhất định chứ không phải tự do sử dụng.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn du học ASEP (Hiệp hội tư vấn du học tiếng Anh tại Philippines)
Khi luật cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp, thì thầy cô được quyền yêu cầu học sinh phải trang bị và mang điện thoại để đi học và nghiễm nhiên điện thoại trở thành một công cụ học tập như cuốn tập, cây viết. Và không khéo, với một số môn học, điện thoại trở thành công cụ học tập bắt buộc mà tất cả học sinh đều phải trang bị.
Mặt bằng giá điện thoại smartphone hiện cũng đâu phải rẻ. Trong điều kiện hiện nay, việc trang bị thêm phương tiện này cho con em cũng là gánh nặng cho nhiều gia đình. Rồi trường hợp em có em không có thì trường, thầy cô sẽ xử lý thế nào? Rồi việc bảo quản sẽ như thế nào? Những em không được ba mẹ trang bị phương tiện này như số đông thì ảnh hưởng tâm lý các em này như thế nào?
Nguy cơ trẻ nghiện Smartphone
Chúng ta đòi hỏi phải bắt kịp xu hướng chung của thế giới nhưng thực tế trình độ và hệ thống giáo dục của chúng ta đến đâu? Ở các nước phát triển, lớp học chỉ tầm 15 – 20 học sinh và việc kiểm soát hoạt động của các cháu rất thuận tiện. Nhưng các nước họ cũng rất hạn chế việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thay vào đó, nhiều trường trang bị Tab cho học sinh và chỉ cho học sinh truy cập vào các App do trường cài đặt và mã hóa.
Nhiều quốc gia đang dần xiết chặt việc sử dụng điện thoại của trẻ và cấm học sinh mang điện thoại đến trường, chẳng hạn như: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc,… vì phần lớn các kết quả nghiên cứu đều cho thấy việc trẻ sử dụng điện thoại và sử dụng điện thoại ở lớp không mang lại nhiều kết quả tích cực so với những tiêu cực mà trẻ nhận phải.
Tọa đàm do Báo Tiền Phong tổ chức
Hiện nay, phần lớn cha mẹ không trang bị điện thoại cho con. Nhưng tình trạng trẻ em nghiện game đang là một hiện tượng đáng báo động. Nếu bây giờ mỗi cháu được trang bị một cái điện thoại thông minh thì tình trạng này sẽ như thế nào?
Tôi không phải là chuyên gia về y tế và sức khỏe, không phải là chuyên gia về thần kinh, không phải nhà tâm lý nhưng với những gì tôi đang làm liên quan đến quản lý giáo dục, liên quan đến giảng dạy, liên quan đến du học, trại hè thiếu nhi, trại hè quốc tế,…tôi có cơ hội tiếp cận với rất nhiều học sinh, sinh viên bị những di chứng nghiện smartphone và việc cai nghiện thực sự vô cùng khó khăn.
Nhiều trẻ có những biểu hiện bất bình thường trong cử chỉ, giao tiếp và không tập trung vào các buổi học, sinh hoạt tập thể,…Vì vậy, tôi nhận thức rằng, việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động trong lớp dù có theo chỉ dẫn của giáo viên thì cũng là việc làm không cần thiết và để lại nhiều hệ lụy về sau cho các bạn nhỏ.
Tôi không tư duy theo hướng “không quản được thì cấm” nhưng hãy để các con dành nhiều thời gian tương tác với bạn bè, thầy cô; giờ học thì phải tập trung học, thay vì chăm chăm vào smartphone.
Trước những tranh cãi quanh Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên…" báo Tiền Phong- Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp cùng với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường THPT Hùng Vương sẽ tổ chức tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại- Nên hay không?”
Tọa đàm sẽ được tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương. Thời gian: Từ 7h30- 10h00 ngày 25/9 (Thứ sáu). Buổi tọa đàm sẽ được phát trực tiếp trên trang Fanpage, kênh Youtube của Báo Tiền Phong và trên tienphong.vn. Bạn đọc báo Tiền Phong quan tâm đến chủ đề tọa đàm có thể gửi câu hỏi qua email: nguyendung.tienphong@gmail.com; hoặc gửi bằng bình luận dưới bài viết này. Trân trọng cám ơn!