'Chợ đen' bán máu trước bệnh viện
Một số người vì trong bệnh viện không có nguồn máu hoặc trong nhà không ai hợp nhóm máu với bệnh nhân nên đành ra ngoài tìm mua. Chính vì vậy đã tạo nên một “chợ đen” về máu và thế giới “cò” sẵn sàng cung ứng mọi nguồn máu.
Xe ôm kiêm "cò" bán máu
Một lần đến thăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khi tôi còn đang ngẩn ngơ trước cổng bệnh viện với hàng chục người xô lấn chen chân mời gọi đi xem ôm, taxi, nhà trọ... , thì một người khoảng 40 tuổi tiến sát lại tôi, hỏi thì thầm: “Có cần mua máu không?”. Nhanh như cắt, anh nhét vào tay tôi một mẩu giấy ghi tên và số điện thoại, kèm theo lời nhắn “nếu cần máu thì gọi nhanh” rồi biến mất trong chớp mắt.
Tờ giấy được anh cắt rất nhỏ gọn, ghi những dòng chữ rõ ràng. Nhìn những mảnh giấy này, ai cũng đoán được nó được chuẩn bị từ trước, như một chiếc card để trao cho người khác.
Cấm tờ giấy ghi tên anh và số điện thoại, tôi nhấc máy gọi, nhanh chóng nhận được tín hiệu trả lời. Nghe tôi nói muốn cần 2 đơn vị máu, anh hẹn sẽ đến ngay và điểm hẹn tại phía sau Bệnh viện Phụ sản Trung ương để trao đổi cụ thể việc mua bán.
Tôi trình bày có người anh trai bị tai nạn đang cấp cứu tại khoa Phẫu thuật Thần kinh trong bệnh viện, chiều mai mổ và cần 2 đơn vị máu, nhưng do người nhà ở xa và không đủ sức khỏe để cho máu nên cần mua máu bên ngoài. “Tôi trông anh khỏe mạnh là tôi yên tâm hơn rồi” - tôi hồ hởi khen ngợi.
Người đàn ông này tên Th thú thực: Không phải chính anh bán máu mà chỉ là người môi giới, dẫn người đến để bán máu. Việc mua máu thường dành cho những gia đình bệnh nhân ở xa không có người cho máu hoặc những gia đình có điều kiện khá giả.
Anh động viên tôi: Tội gì mình phải cho máu, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là sẽ có người đến cho, để sức mà trông coi người nhà. Anh lấy dẫn chứng nhiều gia đình vì tiếc tiền mua máu vừa trông nom người bệnh vừa cho máu đến khi kiệt sức lại phải đi cấp cứu, còn đắt quá mua ngoài vào.
Một đơn vị máu giá một triệu đồng
Thấy tôi băn khoăn về “nguồn máu” cung cấp, anh quảng cáo: “Phần lớn người hiến máu đều là sinh viên, khỏe mạnh lắm, chúng nó cần tiền nên mới phải bán máu. Cần máu con trai cũng có, con gái cũng có, các nhóm máu đều có”.
Sau khi trao đổi rõ xuất xứ, nguồn gốc của máu, anh đi thẳng vào vấn đề giá cả. Một người hiến máu tương đương với một đơn vị máu có giá một triệu đồng. Gia đình có trách nhiệm cung cấp tên bệnh nhân, khoa điều trị. Ngoài ra, người mua máu còn phải đặt cọc trước 400 nghìn đồng/người. Ngược lại, người mua máu sẽ được cầm chứng minh thư của “cò” làm tín vật. Việc mua bán sẽ diễn ra trước 1 ngày khi bệnh nhân vào phòng mổ.
Tiền làm xét nghiệm trong bệnh viện gia đình bệnh nhân phải lo, một lần xét nghiệm là 60 nghìn đồng/người. “Nếu sau khi xét nghiệm máu không đủ tiêu chuẩn như bị các bệnh truyền nhiễm, viêm gan B, HIV thì chúng tôi sẽ hoàn lại tiền đặt cọc và tiền xét nghiệm cho gia đình, nhưng chưa bao giờ rơi vào cảnh phải hoàn tiền vì người hiến máu đã qua tuyển chọn” – anh Th khẳng định như vậy.
Khi tôi băn khoăn về nhóm máu O rất khó tìm, anh khẳng định: “Em chưa truyền máu bao giờ sao?, nhóm máu nào cũng được, chỉ cần có máu thôi, người ta có lấy máu trực tiếp truyền cho bệnh nhân đâu mà phải qua thời gian cửa sổ 6 tháng, họ lấy bù đắp vào phần máu cung cấp cho người nhà mình”.
Người đàn ông này bật mí: Việc mua bán này rất bí mật, các sinh viên truyền tai nhau và tự tìm đến họ nhờ họ. Một vụ làm ăn thành công họ cũng được một khoản “tất nhiên là hơn hẳn cuốc xe ôm” – người đàn ông tên Th. hài hước.
Kỳ tới: Tôi đi bán máu