Ngoài ra, phiên chất vấn trở thành “diễn đàn” tranh luận sôi nổi trước những vấn đề “nóng” xảy ra trong thời gian gần đây và được xã hội quan tâm đặc biệt, như việc nói xấu trên mạng, lừa đảo trên mạng, quảng cáo sai sự thật trên mạng; hay những tranh luận về bộ phim Đất rừng phương Nam, sách giáo khoa, xây khu đô thị ở Quảng Ninh…
Theo đánh giá của các đại biểu, về cơ bản các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Còn với cử tri và nhân dân, qua phiên chất vấn có thể tự mình đưa ra mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” đối với người trả lời chất vấn.
Ở tính hiệu quả, bên cạnh những kết quả đạt được, qua phiên chất vấn cho thấy, một số nhiệm vụ được Nghị quyết của Quốc hội đề ra thực hiện còn chậm hoặc chưa được giải quyết dứt điểm. Ví như, cơ chế giải quyết các dự án BOT có bất cập, hay tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế; việc phân cấp, phân quyền; tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy, không dám quyết, dám làm…
Tuy nhiên, có những vấn đề cũ, song chỉ qua phiên chất vấn lần này mới có thể nhận diện rõ và “sáng” hơn về nguyên nhân và giải pháp. Điển hình như vấn đề: Có được sử dụng kinh phí thường xuyên để chi đầu tư mua sắm, sửa chữa nhỏ hay không đã được các đại biểu nêu ra ở nhiều kỳ họp trước. Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là do có “điểm mờ” giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công, dẫn đến không ai dám làm vì sợ vi phạm. Tuy nhiên, sau các kỳ họp, các tranh luận vẫn là sự “bế tắc” trong việc thực hiện, dẫn đến có cơ quan thiếu hàng rào mà không thể “xây” ngay được.
Nhưng ở lần “tái” chất vấn này, với tinh thần “đi đến cùng”, “làm rõ đến cùng”, giải quyết đến cùng, không chỉ các đại biểu tham gia nêu ý kiến, tranh luận, mà các bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng vào cuộc. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ các vướng mắc để có giải pháp xử lý triệt để trong thời gian tới.
Những kết quả đạt được qua 2,5 ngày chất vấn mới chỉ là kết quả từ những “lời hứa” ban đầu. Vấn đề còn lại là sau kỳ họp này, những vấn đề được đại biểu nêu ra, được đưa vào Nghị quyết chất vấn của Quốc hội sẽ được thực hiện ra sao? Có đúng tiến độ, có đáp ứng với yêu cầu đề ra không hay lại chậm trễ, tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp? Và liệu rằng, ở các kỳ họp tiếp theo, những vấn đề đã cũ; những vấn đề nói đi, nói lại nhiều lần có bị đem ra “tái chất vấn”?
Trách nhiệm trả lời những câu hỏi này trước hết thuộc về các tư lệnh ngành, song mỗi đại biểu cũng phải thể hiện trách nhiệm trong giám sát, đeo đuổi để cùng tạo ra sự chuyển động sau chất vấn.