Mưa đỏ - lời tri ân tháng 7
Lý giải về lý do chọn công diễn vở Mưa đỏ về cuộc chiến khốc liệt ở Quảng Trị năm 1972, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng nhắc tới tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn của cả nước, đặc biệt của lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng trong tháng 7 này. Từng là nghệ sĩ, đạo diễn trước khi nắm giữ vị trí lãnh đạo Sở VHTT Hải Phòng, bà Trần Thị Hoàng Mai kỳ vọng, các nghệ sĩ mang đến một tác phẩm tầm cỡ, chất lượng như một nén tâm nhang tri ân những người hi sinh xương máu cho Tổ quốc. Mưa đỏ của Chu Lai vốn lấp lánh từ trang tiểu thuyết, nay được tác giả đích thân chuyển thành kịch bản sân khấu. Tác giả Đức Minh chuyển thể chèo cho Đoàn chèo Hải Phòng trình diễn.
“Với mong muốn đề án Sân khấu truyền hình trở thành điểm hẹn của sân khấu không chỉ của nghệ sĩ thành phố mà còn của văn nghệ sĩ cả nước, chúng tôi mời nhiều đạo diễn khắp cả nước về Hải Phòng dựng vở. Đối với Mưa đỏ, chúng tôi mời ê-kíp xứng tầm để chuyển tải chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tôi may mắn trao đổi và nhận được cái gật đầu của NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam”, bà Trần Thị Hoàng Mai nói.
Câu chuyện của tiểu thuyết đồ sộ Mưa đỏ được gói ghém trong vở diễn gần hai tiếng đồng hồ, với các tuyến nhân vật ở phía ta và phía bên kia chiến tuyến. Cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 được đặc tả qua một số cảnh diễn cao trào. Thế nhưng hơn hết đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi đưa vào sự mềm mại, lãng mạn của câu chuyện tình yêu cảm động của anh chiến sĩ Cường (Nhật Hóa) và o Hồng (Thùy Dương) chèo đò đưa bộ đội qua sông.
Chèo vốn kén đề tài, thường ưu ái cho những kịch bản đề tài lịch sử và tình yêu, gần như khó đưa vào đề tài chiến tranh cách mạng. “Chúng tôi biến những thách thức khó khăn trở thành lợi thế. Sự lãng mạn trong chiến tranh không hề làm người ta mềm yếu đi, ngược lại tiếp thêm động lực tạo ra sức mạnh để chiến thắng”, NSND Trịnh Thúy Mùi nói. Đạo diễn xử lý chắc tay cho những làn điệu chèo, ca Huế ngọt ngào đan xen giữa những màn giao tranh, súng đạn đì đùng. Nhờ đó, sự lắng đọng cần thiết chạm tới cảm xúc người xem.
Khán giả Hải Phòng thực sự bị cuốn theo vở diễn, cổ vũ nồng nhiệt cho diễn viên. Chứng kiến màn giao tranh giữa chiến sĩ Cường và trung tá Quang ở phe bên kia, khán giả sốt sắng hô “súng đâu, súng đâu” vì lo sợ Cường bị thương trong cuộc đấu giáp lá cà. Ở những phân cảnh bi thương khi chiến sĩ ta hi sinh bên bờ Thạch Hãn, khán giả trùng xuống. Không ít khán giả lén lau nước mắt. Họ rung động trước những cảnh mất mát thương đau, họ rưng rưng trước tinh thần nhân văn của sự hòa giải dân tộc ở cảnh cuối: hai bà mẹ ở hai bên chiến tuyến có con cùng hi sinh, nắm tay nhau khép lại quá khứ.
Điểm hẹn ở thành phố hoa phượng đỏ
Gần 20h tối 22/7, một nhóm khán giả của gia đình ba thế hệ bước vào cửa Nhà hát thành phố (Hải Phòng). Đây không phải lần đầu tiên họ đến nhà hát xem kịch. Chị Thu Hà (phố Đinh Khánh Thiện, Hải Phòng) đưa bố mẹ và con gái tới xem đêm công diễn vở chèo Mưa đỏ. Vở diễn được truyền hình trực tiếp trên đài PT-TH Hải Phòng - theo đề án Sân khấu truyền hình - nhưng chị Hà và gia đình muốn chạm gần hơn tới cảm xúc của diễn viên. Thi thoảng gia đình cùng hẹn nhau xem kịch, vì muốn được gần hơn với cảm xúc diễn viên.
Nhà hát thành phố (Hải Phòng) là một trong ba nhà hát có kiến trúc Pháp trải qua trăm năm. Khó để so sánh giữa Nhà hát thành phố Hải Phòng với Nhà hát Lớn Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên ban lãnh đạo Sở VHTT Hải Phòng khao khát vừa bảo tồn, vừa phát huy thiết chế văn hóa - cũng là niềm hãnh diện của thành phố hoa phượng đỏ. “Chúng tôi mong muốn Nhà hát thành phố bên cạnh chức năng là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của thành phố, phải thực sự là nơi trình diễn nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật chất lượng cao”, bà Trần Thị Hoàng Mai nói.
Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, với mong muốn biến Nhà hát thành phố và Nhà hát Tháng Tám kề bên thành điểm hẹn thường xuyên của du khách và nhân dân Hải Phòng vào hai đêm cuối tuần. “Đúng là sân khấu đang rất khó tìm khán giả. Khán giả cũng bị phân tâm trước nhiều loại hình nghệ thuật, cùng với đôi chút sự lười biếng trước sự tiện lợi của thiết bị thông minh. Chúng tôi muốn tạo ra điểm hẹn, tạo thói quen cho khán giả và du khách về Hải Phòng”, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng nêu.
Khởi động cuối tháng 6, bà Trần Thị Hoàng Mai cho Tiền Phong biết, từ nay tới hết năm 2023, các đơn vị nghệ thuật đa dạng từ kịch nói, cải lương, múa rối, nhạc vũ kịch… đăng ký biểu diễn kín lịch vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. “Từ khi nhà hát mở cửa đều đặn vào cuối tuần, nhân dân Hải Phòng rất phấn khởi. Có những khán giả mua vé trực tuyến, có người gọi đến trung tâm biểu diễn để hỏi mua vé. Đó là tín hiệu cho thấy sự hưởng ứng của khán giả”, bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết. Hải Phòng cũng chủ động hỗ trợ địa điểm biểu diễn cho các đơn vị từ Hà Nội và cả nước về đây biểu diễn.
Không chỉ mong sáng đèn ở Nhà hát thành phố, Sở VHTT Hải Phòng còn đưa các vở diễn đến với khu vực ngoại thành, ưu tiên tiếp cận nhân dân vùng ngoại ô và công nhân các khu công nghiệp vốn chỉ quen cuộc sống bức bối ở nhà máy suốt mười mấy tiếng mỗi ngày. Lãnh đạo Sở VHTT Hải Phòng cho rằng, khi kinh tế phát triển, sự hưởng thụ văn hóa của người dân cũng cần được nâng cao. Nghệ sĩ cũng vì thế được sống, cống hiến cho nghề nhiều hơn.