Quốc gia 55 triệu dân trở nên rối ren từ tháng 2/2021, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, dẫn đến một làn sóng biểu tình rầm rộ kéo dài.
Các cuộc biểu tình trên đường phố biến thành phong trào nổi dậy vũ trang, kết hợp với một số nhóm vũ trang sắc tộc để tạo nên thách thức lớn nhất đối với quân đội Myanmar trong mấy thập kỷ.
Trong báo cáo đưa ra hôm nay (30/5), Hội đồng Cố vấn đặc biệt cho Myanmar (SAC-M) nói rằng chính quyền quân sự không nắm quyền kiểm soát hiệu quả đất nước, đã đánh mất hoàn toàn quyền quản lý ở các thị trấn nằm trên 86% lãnh thổ, nơi sinh sống của 67% dân số quốc gia.
“Chính quyền quân sự Myanmar không kiểm soát đủ lãnh thổ của quốc gia để thực hiện những nghĩa vụ cốt lõi của nhà nước”, SAC-M viết trong báo cáo.
SAC-M là một nhóm chuyên gia quốc tế độc lập ra đời sau cuộc đảo chính để hỗ trợ nỗ lực đưa dân chủ quay lại với Myanmar.
“Chính quyền quân sự đã từ bỏ phần lãnh thổ đáng kể và buộc phải trở về thế phòng thủ ở hầu hết các phần của đất nước nơi họ vẫn có hiện diện”, báo cáo viết.
Chiến dịch 1027 của 3 nhóm vũ trang sắc tộc đã tạo nên bước ngoặt cho nỗ lực kháng chiến, khiến quân đội để lộ điểm yếu và phải từ bỏ những vùng đất rộng lớn ở biên giới phía bắc.
Hàng loạt cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy đã đẩy quân đội chính quyền khỏi vùng biên giới với Thái Lan, kéo lên vùng biên giới giáp Trung Quốc.
“Các nhóm vũ trang sắc tộc sau khi giành nhiều chiến thắng quân sự đang củng cố quyền kiểm soát ở địa bàn của họ mở rộng ra, nhiều nơi đang trên đà thành lập chính quyền tự trị”, tổ chức phi chính phủ Crisis Group viết trong báo cáo.
Theo Crisis Group, tổn thất ngày càng lớn của quân đội và tình trạng mất tinh thần trong cả quân lính và giới thượng lưu ở thủ đô Naypyidaw gây áp lực lên nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing, dù ông vẫn có đội ngũ sĩ quan trung thành ủng hộ.
Cả hai báo cáo đều cho rằng, khi chính quyền quân sự mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ biên giới của đất nước trong khi một số tổ chức ngoài nhà nước sẽ mở rộng, các quốc gia láng giềng, tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế nên mở rộng trao đổi với các nhóm kháng chiến.
Theo Liên Hợp Quốc, số lượng người dân Myanmar di tản trong nước đã lên mức cao kỷ lục, với hơn 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột leo thang.
“Cộng đồng quốc tế phải hiểu thực tế này, cần làm việc trực tiếp với các tổ chức kháng chiến và xã hội dân sự để cung cấp viện trợ và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Myanmar”, Yanghee Lee, một trong những thành viên sáng lập SAC-M, khuyến nghị.