Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa… của cả nước.
Bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận thời gian qua, công tác quản lý của chính quyền đô thị Thủ đô Hà Nội đang bộc lộ những thiếu sót, yếu kém nhất định, làm hạn chế sự phát triển nhanh chóng, năng động của Thủ đô.
Mô hình tổ chức và thực tiễn quản lý điều hành trong những năm qua ngày càng tỏ ra bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ của quản lý nhà nước ở đô thị lớn. Việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công còn nhiều lúng túng, bị động, chất lượng thấp, chi phí cao, thời gian chậm…
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Văn Tất Thu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nêu, Bộ máy chính quyền tại các đô thị đang bộc lộ những hạn chế yếu kém đòi hỏi những yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, từ vị trí, vai trò của các đô thị lớn trong sự phát triển đất nước.
“Chúng ta cần phải phân tích rõ chức năng quản lý nhà nước của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương khác nhau như thế nào? Những yêu cầu, nguyên tắc tổ chức. Việc tổ chức cần phải được sắp xếp sao cho hiệu quả, chính quyền đô thị tiêu ít tiền nhưng lại làm được nhiều việc cho dân hơn”, ông Thu nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, các đô thị khác cũng đều có những điểm tương đồng về cơ sở hạ tầng, dân cư còn Hà Nội thì có những đặc trưng riêng khác nữa, đó chính là Thủ đô của một nước.
Căn cứ trên những đặc trưng đó, chính quyền đô thị cần phải nghiên cứu rất kỹ. Chính quyền ở đây phải hoàn thành được sứ mệnh nơi đặt trái tim của cả nước. Phải bảo toàn được an ninh, an toàn cho cả đất nước. Thứ hai là có độ mở để nơi đây vừa là nơi tiếp đón, hội tụ và cũng là nơi lan tỏa tinh hoa của đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, phân tích, làm rõ đặc điểm, tính chất đô thị, khái niệm chính quyền đô thị và quá trình đô thị hóa; đặc điểm quản lý nhà nước ở đô thị; quan hệ giữa HĐND và UBND thành phố; quan hệ giữa UBND thành phố, UBND quận, thị xã với cơ quan chuyên môn cùng cấp…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trước khi tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức Thành ủy đã mời các chuyên gia khảo sát tại một số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Qua khảo sát cho thấy những bất cập trong quản lý của chính quyền đô thị ở cả 3 cấp. Do đó, cần khắc phục những bất cập để chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
“Với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, hiệu quả, các ý kiến góp ý, trao đổi, bổ sung, phát biểu trong hội thảo có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, làm cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục tiếp thu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại các quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội”, bà Hằng nhấn mạnh.