Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo kiên quyết về một số vấn đề được dư luận quan tâm, điển hình như việc kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép các dự án thủy điện có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Tập trung xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ lớn, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo, lập phương án xử lý cụ thể, giao 189 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, đơn vị, đồng thời giao Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức kiểm tra.
Đến nay đã hoàn thành 122 nhiệm vụ, các dự án đều có phương án và lộ trình xử lý cụ thể để giảm nguy cơ mất vốn, gây thiệt hại cho nhà nước, xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách để bù lỗ.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công, kiên quyết thu hồi xe ô tô trang bị không đúng đối tượng, vượt định mức; rà soát tổng số ô tô dư thừa để điều chuyển… Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động cung cấp thông tin, đồng thời nắm bắt tình hình thực tiễn, thông tin dư luận, báo chí; kịp thời xác minh, chỉ đạo xử lý các sự việc nổi cộm được dư luận báo chí và nhân dân quan tâm phản ánh, thể hiện tinh thần lắng nghe, xây dựng nền hành chính phục vụ.
Nhiều sự việc được ngăn chặn, xử lý kịp thời, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vì lợi ích quốc gia, tạo niềm tin trong xã hội, điển hình như việc giải quyết sự việc tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; việc thực hiện quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; việc công bố các ca khúc được phổ biến; việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, nhất là vướng mắc, chồng chéo giữa văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung văn bản còn xu hướng cục bộ, bảo vệ lợi ích ngành, chưa thực sự tháo gỡ cho đối tượng chịu sự tác động.
Các vướng mắc trong quản lý chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; thủ tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục sạt lở; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; lãi suất tín dụng huy động và cho vay còn ở mức cao...
Vấn đề tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Chưa xây dựng quy định về xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Còn có sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện, tham mưu giải quyết vấn đề. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương chưa thực sự nghiêm túc. Còn trường hợp lãnh đạo bộ, ngành phát biểu nêu quan điểm khác với nội dung tập thể Chính phủ đã quyết nghị; báo cáo các công việc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhưng không xin ý kiến thủ tướng; còn có tình trạng trình Chính phủ, Thủ tướng những công việc không thuộc thẩm quyền.
Chính phủ đề ra nhiệm vụ thời gian tới sẽ đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính nói chung.